|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đối phó với biến đổi khí hậu, giải pháp nào cho nông nghiệp Việt Nam?

13:51 | 12/04/2019
Chia sẻ
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Việt Nam cần phải chung sức với các quốc gia khác trên thế giới tìm ra giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sáng 10/4, "Diễn đàn chính sách: Cơ hội cho hệ thống sản xuất lương thực thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu" tổ chức bởi Trung tâm Khoai tây quốc tế và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu, Nông nghiệp và An ninh lương thực Đông Nam Á đã diễn ra tại Hà Nội.

Có 10 ngành hàng nông sản Việt Nam cán mốc xuất khẩu 1 tỉ USD/ năm

Tại diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả về tăng trưởng và xuất khẩu.

Cụ thể, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại 180 nước trên thế giới, trong đó có 10 ngành hàng xuất khẩu có giá trị 1 tỷ USD/năm, riêng lĩnh vực trồng trọt chiếm tới 7 ngành hàng.

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp

Ngoài những khó khăn về trình độ công tác thấp, công nghệ và nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, Việt Nam còn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu không chỉ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới. Điều đó đòi hỏi các quốc gia phải đưa ra các giải pháp cải thiện hệ thống sản xuất lương thực, thực phẩm thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu. 

Tìm giống cây trồng mới thích ứng biến đổi khí hậu

Để giải quyết những vấn đề này, Việt Nam đã đề ra nhiều chương trình và chính sách thu hút mọi nguồn lực cũng như thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. "Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững" là một trong những chương trình đem lại thay đổi tích cực sau sáu năm triển khai.

Với mục đích sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khoảng 40.000 ha để chuyển sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả. Trong khi đó, sản lượng lúa vẫn giữ nguyên do năng suất tăng và đặc biệt chất lượng giống lúa được cải thiện rõ rệt. 

Ngoài ra, tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ấn Độ Ashwini Kumar cho biết trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, Ấn Độ đang hợp tác với bảy nước trong khu vực châu Á để hướng tới những loại giống mới chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Myanmar, Campuchia là hai nước đã tiếp nhận những giống mới của Ấn Độ. Ấn Độ có những mô hình giống có thể chia sẻ với Việt Nam và đang nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy việc nhân giống và tạo thuận lợi cho nông dân tiếp cận với giống tốt.

Thảo Dương