Đổi mới tư duy xuất khẩu gạo: trọng cung hay trọng cầu?
Vấn đề không phải là xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mỗi năm
Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) muốn giảm lượng gạo xuất khẩu xuống gần 3 lần so với hiện tại. Thống kê xuất khẩu gạo cả nước 11 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt hơn 4,5 triệu tấn, giảm 25% về lượng, 20% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ước xuất khẩu gạo cả năm chỉ đạt khoảng hơn 5 triệu tấn. Tham luận tại tại hội thảo “Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức tại TPHCM gần đây, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA đã nêu nhiều lý do xác đáng cho việc này. Chính sách và năng lực tự túc lương thực cùng với xu hướng bảo hộ ngày càng tăng của các quốc gia vốn là bạn hàng nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia... buộc chúng ta phải điều chỉnh chính sách. Các khuyến nghị được đưa ra là giảm lượng gạo xuất khẩu, trồng nhiều hơn lúa chất lượng cao, chuyển đổi diện tích lúa sang cây trồng, vật nuôi khác...
Nhưng việc này đã được đề cập từ nhiều năm rồi. Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 23-12-2009 về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã xác định mục tiêu đến năm 2020, chúng ta chỉ sản xuất khoảng 41-43 triệu tấn lúa, đáp ứng tổng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu chỉ khoảng 4 triệu tấn gạo/năm. Nhưng ngay sau đó, xuất khẩu gạo vẫn liên tục tăng, lượng gạo xuất khẩu năm 2012 đã vượt ngưỡng 8 triệu tấn và từ đó đến nay, hàng năm nước ta xuất khẩu gạo khoảng 6-7 triệu tấn. Cần lý giải nguyên nhân của thực trạng này để chuyển đổi căn bản, toàn diện, thực chất ngành hàng lúa gạo hơn là tiếp tục đưa ra chỉ tiêu số lượng. Cần sự tiếp cận và giải quyết tổng thể, đa ngành, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Cần phải định hướng điều chỉnh theo xu hướng giảm hợp lý lượng gạo xuất khẩu, tăng giá trị. Nhưng vấn đề không phải là định ra chỉ tiêu xuất khẩu bao nhiêu tấn gạo mỗi năm!
Xuất khẩu gạo không phải vì doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Doanh nghiệp kinh doanh lương thực là một tác nhân quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo Việt Nam hiện nay. Dù là “công dân” của một cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng bản thân nhiều doanh nghiệp gạo Việt, từ cấu trúc đến thị trường, tài chính, sức mạnh cạnh tranh... đều đang “có vấn đề”.
Thực hiện Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp. Trừ Công ty Kitoku của Nhật Bản liên doanh với Công ty Agimex của An Giang xuất khẩu lúa Nhật, thì gần như chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào ở Việt Nam trực tiếp xuất khẩu gạo. Các đơn vị hội viên VFA như Vinafood 2, Vinafood 1 và các doanh nghiệp thành viên của hai “ông lớn” này ở các tỉnh là những tác nhân chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu gạo Việt nhiều năm liền. Theo Oxfam (2013), trong tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2008 của cả nước, thì 10 công ty hàng đầu đã chiếm 70%. Đến năm 2012, mặc dù tỷ lệ này đã giảm xuống còn 56,93%, nhưng vẫn chiếm tỷ trọng chi phối trong ngành. Chỉ riêng Vinafood 2 và Vinafood 1 đã chiếm tỷ trọng khoảng 40% và hầu như các hợp đồng bán gạo Chính phủ (G to G) đều rơi vào nhóm doanh nghiệp nhà nước. Ngành xuất khẩu gạo Việt Nam (đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 90%) đã có tập trung đầu mối và tập trung thị trường rất cao, vừa thể hiện mặt tích cực, nhưng cũng bộc lộ những khiếm khuyết.
Xuất khẩu gạo Việt Nam sắp tới nên trọng cung hay trọng cầu? Câu trả lời không quan trọng hơn cách làm, phải trọng cầu, phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhưng cũng không thể bỏ qua “năng lực cung” của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. |
Điểm yếu cốt lõi là, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa có liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau, chủ yếu tự mình tìm kiếm khách hàng. Vai trò của VFA cũng còn nhiều hạn chế trong việc thúc đẩy liên kết chuỗi. Những nỗ lực đáng ghi nhận là của Tập đoàn Lộc Trời trong việc triển khai cánh đồng lớn, liên kết với nông dân, bán cổ phần cho nông dân; ký kết đối tác hợp tác chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững với Đạm Cà Mau (PVCFC), với tập đoàn Syngenta (Thụy Sỹ). Gần đây Vinafood 2 đã bắt đầu nỗ lực trong việc tái cấu trúc các đơn vị thành viên, quan tâm triển khai một số hoạt động liên kết, xây dựng thương hiệu gạo, cũng cần được ghi nhận. Nhưng nhìn chung, các nhà xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam vẫn chưa có sự liên minh, liên kết chặt chẽ với nhau và với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở các nước khác để đạt được thế mặc cả cao hơn trên thị trường.
Trong bối cảnh đó, thì việc đặt ra chỉ tiêu xuất khẩu gạo bao nhiêu tấn mỗi năm để rồi phải lấy “công cụ hành chính” để gò ép, liệu có khả thi?
Làm gì cho gạo ăn và gạo xuất?
Cân đối hài hòa giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Xây dựng cơ chế điều hành xuất khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là yêu cầu đặt ra nhiều năm nay vẫn chưa làm được. Nhà nước tham gia chuỗi giá trị lúa gạo với vai trò của một tác nhân quan trọng. Nhà nước hoạch định cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo sản xuất lúa, điều tiết thị trường, xuất khẩu gạo, gắn với chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước đã mang lại thành tựu to lớn của ngành lúa gạo, nhưng cũng còn nhiều cơ chế, chính sách bất cập, chưa đi vào trọng tâm, không đồng bộ, chậm đi vào cuộc sống, thực hiện rời rạc, lãng phí nguồn lực.
Ngành hàng lúa gạo có vai trò quyết định trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Không thể bỏ qua yêu cầu tiếp cận an ninh lương thực theo “đường cung” thể hiện qua các chính sách về đổi mới tổ chức sản xuất, đảm bảo an toàn sản xuất, cung ứng và dự trữ lương thực quốc gia, đảm bảo an toàn sản xuất, cung ứng và dự trữ lương thực. Tuy nhiên, cần phải tiếp cận an ninh lương thực gắn với vai trò của ngành hàng lúa gạo, trong đó có việc xuất khẩu gạo và tiêu thụ nội địa. Theo đó, tiếp cận an ninh lương thực theo “đường cầu” thể hiện qua các chính sách về đảm bảo an toàn nhu cầu lương thực, đa dạng sinh kế, gắn với xây dựng nông thôn mới; đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho người dân, thu nhập cho người trồng lúa, xây dựng nông thôn mới.
Đã đến lúc chúng ta cần hành động cho việc nhận thức lại về ngôi vị “cường quốc xuất khẩu gạo”. Xuất gạo thô vốn có giá trị gia tăng rất thấp trong khi nhiều quốc gia kém lợi thế hơn đang chọn con đường “sáng tạo” hơn là phát triển các ngành công nghiệp sau gạo. Ngành lúa gạo nước ta cần vượt qua dấu chân lấm bùn của kinh tế tự nhiên, kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống để bước sang kinh tế tri thức, tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp sáng tạo toàn cầu.
Trở lại câu hỏi xuất khẩu gạo Việt Nam sắp tới nên trọng cung hay trọng cầu. Câu trả lời không quan trọng hơn cách làm, phải trọng cầu, phải xuất phát từ nhu cầu của thị trường, nhưng cũng không thể bỏ qua “năng lực cung” của ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Phải chuyển đổi để thích ứng trước nhiều thay đổi nhanh chóng. Tái cấu trúc ngành hàng và thị trường gạo đang là đòi hỏi bức bách hơn là định chỉ tiêu xuất khẩu gạo. Vai trò của các cơ quan nhà nước với các vấn đề xuyên suốt vượt ra ngoài khuôn khổ nông nghiệp truyền thống, cần bớt chỉ đạo, tăng kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân nhiều hơn bằng chính sách và công cụ mà chỉ Nhà nước mới có.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/