|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu tháng 7 trên tất cả thị trường của Vĩnh Hoàn đều phục hồi hai chữ số

07:57 | 13/08/2021
Chia sẻ
Dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 7 giảm khoảng 4% nhưng Vĩnh Hoàn vẫn ghi nhận sự cải thiện doanh thu ở khắp các thị trường, trong đó doanh thu thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 7 với doanh thu 765 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Trong đó, đóng góp chính (72%) vào tổng doanh thu tiếp tục là sản phẩm cá tra với mức tăng 27% lên 554 tỷ đồng. Doanh thu từ sản phẩm phụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng ghi nhận sự tăng trưởng hai chữ số, lần lượt 15% và 19%. 

Chiều ngược lại, sản phẩm giá trị gia tăng và các sản phẩm khác tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Thực tế hai nguồn doanh thu này đóng góp tỷ lệ khá nhỏ trong tổng doanh thu.

Doanh thu tháng 7 trên tất cả thị trường của Vĩnh Hoàn đều phục hồi hai chữ số - Ảnh 1.

Kết quả doanh thu tháng 7/2021 của Vĩnh Hoàn (không tính Sa Giang) so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Báo cáo của Vĩnh Hoàn, Việt hóa: Minh Hằng).

Xét theo thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang các quốc gia đều cho thấy sự phục hồi sau một năm vì đại dịch COVID-19, tăng 21% so với cùng kỳ. 

Trong đó thị trường Mỹ đóng góp 43% vào tổng doanh thu và tăng 31% so với tháng 7/2020. Theo công ty, kết quả này đến từ nhu cầu tăng cao của nhà hàng và các ngành dịch vụ thực phẩm tại Mỹ.

Doanh thu tháng 7 trên tất cả thị trường của Vĩnh Hoàn đều phục hồi hai chữ số - Ảnh 2.

Kết quả doanh thu tháng 7/2021 của Vĩnh Hoàn (không tính Sa Giang) so với tháng 6. (Nguồn: Báo cáo của Vĩnh Hoàn, Việt hóa: Minh Hằng).

Tại công ty con của Vĩnh Hoàn là CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang (Mã: SGC), doanh thu từ cả hai sản phẩm bánh phồng tôm và sản phẩm từ gạo đều cải thiện mạnh, tương ứng 52% và 45%. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ đầu năm đến nay của công ty. 

Tương tự, tăng trưởng doanh thu tại tất cả thị trường của Sa Giang gấp rưỡi so với tháng trước đó, trong đó các thị trường chính đều ghi nhận mức tăng rõ rệt, như châu Âu (tăng 50%), Việt Nam (tăng 24%).

Doanh thu tháng 7 trên tất cả thị trường của Vĩnh Hoàn đều phục hồi hai chữ số - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh của Sa Giang trong tháng 7/2021 so với tháng trước đó. (Nguồn: Báo cáo của Vĩnh Hoàn, Việt hóa: Minh Hằng).

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16 tại TP HCM và 19 tỉnh thành phía nam, sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể nhất là từ nửa cuối tháng 7 sau khi tăng 16% vào nửa đầu tháng, khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 763 triệu USD.

Thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ". 

Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Bên cạnh đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây. Dự tính công suất chung của cả vùng giảm chỉ còn 30 - 40%.

Trong khi đó, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến - xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài do việc thực hiện giãn cách chung. 

Vasep dự báo nguy cơ nguồn nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu những tháng cuối năm sẽ thiếu hụt 20 - 30%. Ngoài ra, doanh nghiệp đang bị gánh nặng các loại chi phí phát sinh do COVID-19 trong khi các chi phí đầu vào và logistic tăng mạnh.

Minh Hằng