|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh thu tăng gần 60%, một công ty thép vẫn lỗ sau thuế trong quý II

22:30 | 18/07/2024
Chia sẻ
Trong quý II, nhờ doanh thu tăng gần 60% so với cùng kỳ và kiếm soát chi phí, con số lỗ sau thuế của Tisco đã thu hẹp đáng kể so với mức lỗ gần 118 tỷ đồng của quý II/2023.

 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco - Mã: TIS), doanh thu thuần trong kỳ tăng 59% so với cùng kỳ năm trước lên 3.071 tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ thép cán tăng. Lãi gộp đạt 95 tỷ đồng trong khi quý II/2023 ghi nhận lỗ hơn 40 tỷ đồng.

Trong quý II, chi phí tài chính của Tisco giảm trong khi chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp tăng đưa lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1 tỷ đồng, khả quan hơn con số lỗ xấp xỉ 118 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lỗ sau thuế 95 triệu đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm, công ty thép này ghi nhận 5.254 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ; lãi trước thuế 8 tỷ đồng, thực hiện được 53% mục tiêu cả năm đặt ra trước đó (15 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tisco hơn 100 tỷ đồng.

 

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ BCTC.

 

Về cơ cấu nguồn vốn, cuối quý II, nợ phải trả hơn 8.958 tỷ đồng gấp gần 5,6 lần vốn chủ sở hữu (1.602 tỷ đồng). Công ty vẫn đang sử dụng tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao với tổng nợ vay là 4.678 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nguồn vốn. Nửa đầu năm nay, Tisco phải trả hơn 72 tỷ đồng lãi tiền vay. 

Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Tisco đạt 10.560 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Hàng tồn kho ở mức hơn 1.714 tỷ đồng, tăng 21%. 

Chi phí xây dựng dở dang chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của Tisco (64%) với 6.751 tỷ đồng. Theo thuyết minh, 6.739 tỷ đồng trong cấu phần này đang nằm tại dự án "Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên - giai đoạn II”. 

Dự án nói trên có tổng chi phí đầu tư ước tính ban đầu là 3.844 tỷ đồng do Tisco làm chủ đầu tư. Sau đó, dự án được phê duyệt với mức đầu tư mới là 8.105 tỷ đồng với nhà thầu chính là công ty China Metallurgical Group Corporation (MCC).

Dự án được khởi công ngày 29/9/2007 và dự kiến hoàn thành sau 30 tháng. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn đang trong tình trạng dở dang do những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng EPC.

Mới đây, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Chính phủ phương án giải quyết cuối cùng với dự án.

Phương án được đề xuất là sẽ chấm dứt hợp đồng EPC với nhà thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Phía Việt Nam sẽ hoàn tất phần dự án dở dang còn lại của dự án.

Lâm Anh