Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vẫn lúng túng trước loạt quy định mới của Trung Quốc
Ngày càng nhiều hàng rào kỹ thuật
Vào tháng 4, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu".
Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bắt buộc tuân thủ những quy định mới.
Chia sẻ tại Diễn đàn kết nối nông sản 970, ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội trái cây quốc tế Bằng Tường (Trung Quốc) cho biết, do tình hình COVID-19, cả doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đều bị ảnh hưởng. Nông sản khi thông quan phải khử trùng ở cả hai phía nên tốc độ xuất khẩu giảm mạnh so với trước đây.
Trái cây Việt Nam khi nhập khẩu vào Trung Quốc cũng đang phải kiểm tra 100%, điều này khác với trái cây nhập từ Thái Lan, nguồn hàng này chỉ phải kiểm tra trực tiếp 30%.
"Chúng tôi hy vọng Bộ NN&PTNT Việt Nam có thể ký kết các thủ tục với cơ quan chức năng Trung Quốc để có thể chỉ kiểm tra 30%, đẩy nhanh tốc độ thông quan qua cửa khẩu, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc", ông Vỹ nói.
Bên cạnh đó, văn phòng SPS Việt Nam cho biết, Trung Quốc mới ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021, quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa, với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm.
So với tiêu chuẩn GB2763-2019, số lượng loại thuốc bảo vệ thực vật trong tiêu chuẩn mới tăng 81 loại, tăng 16,7%; giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tăng 2.985 loại, tăng 42%.
Về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá: "Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính".
Đồng quan điểm, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản cho biết, Trung Quốc đang duy trì việc kiểm soát COVID-19 trên bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho các đơn vị xuất khẩu vì phải mất một thời gian chờ tại cảng.
"Số lô hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo tăng khá nhanh. Đây là điều đáng lưu ý đối với các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu, đặc biệt là các chỉ tiêu phụ gia thực phẩm, chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản", ông Anh cảnh báo.
Do đó, theo vị này, các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản. Ngoài ra, cần phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp để chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin từ các đầu mối.
Doanh nghiệp vẫn còn lúng túng
Xét tổng thể, hai Lệnh 248 và 249 không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. Song, những quy định mới vẫn khiến doanh nghiệp lúng túng.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoa Việt chia sẻ: "Gần đây chúng tôi mới biết, nếu trong cơ sở kinh doanh có nuôi chó thì vi phạm quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc.
Tôi thấy hầu như tất cả các nhà máy đều nuôi chó hết, thậm chí có chỗ đông nhất hơn 20 con làm nhiệm vụ bảo vệ. Do đó, chúng tôi sẽ lưu ý điều này khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra online".
Dù con đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc ngày càng nhiều chông gai nhưng không thể phủ nhận rằng đây là thị trường mà cả thế giới khao khát.
Bên cạnh những khó khăn, bà Hoa cho rằng Lệnh 248 và Lệnh 249 sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp được thể hiện mình trên bao bì đóng gói, thay vì "vô danh", thông qua trung gian như trước đây.
Đại diện Công ty Hoa Việt cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu sầu riêng, khoai lang, ớt theo đường chính ngạch sang Trung Quốc, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Theo đó, nếu muốn xây dựng thương hiệu thì phải bắt đầu từ quản lý chất lượng nông sản, từ quy trình canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói và vận chuyển.
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy cho hay, với những quy định mới của Trung Quốc, ngành nông nghiệp cần có định hướng với những mặt hàng có truyền thống xuất qua phương thức biên mậu (tiểu ngạch), tránh rơi tình trạng "được mùa mất giá".
Theo "vua chuối", để làm được điều này rất cần thành lập một trung tâm chuyên trách thông tin những thị trường lớn.
Còn ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cam kết sẽ tổ chức nhiều buổi tập huấn để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thực phẩm lớn nắm rõ mọi quy cách từ sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cho tới vận chuyển, lưu thông.
"Phụ trách kỹ thuật của doanh nghiệp cần phải nắm chắc quy định, và tiêu chuẩn kỹ thuật trong việc giám sát chất lượng. Phía Trung Quốc có thể kiểm tra trực tuyến bất cứ lúc nào, theo tinh thần Lệnh 248, 249", ông Hòa nói.