Xuất khẩu tăng hơn 800%, gạo ST24 và ST25 hút hàng tại Mỹ và Trung Quốc
Gạo ST24 và ST25 là điểm sáng trong xuất khẩu gạo
Theo nguồn tin của người viết, trong 9 tháng đầu năm nay Việt Nam đã xuất khẩu gần 44.000 tấn gạo ST24 và 3.102 tấn gạo ST25 ra thị trường thế giới, tăng trưởng đột phá 9 – 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hai loại gạo này trong 9 tháng qua lên đến 33,4 triệu USD. Trong đó, gạo ST24 đạt 30,4 triệu USD, tăng 8,8 lần so với cùng kỳ; gạo ST25 đạt gần 3 triệu USD, tăng gần 10 lần.
Xuất khẩu gạo đặc sản của Việt Nam vẫn tăng mạnh trong bối cảnh tổng xuất khẩu gạo Việt Nam trong 9 tháng đầu năm giảm 8,3% về lượng và giảm 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, gạo ST24 đang rất hút hàng tại Trung Quốc, còn ST25 được xuất khẩu chủ yếu tới Mỹ.
Cụ thể, Mỹ chiếm đến 91% tổng khối lượng gạo ST25 xuất khẩu của Việt Nam với khoảng 2.800 tấn, tăng 843% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, nếu như năm ngoái gạo ST25 chỉ được xuất khẩu sang 2 thị trường là Mỹ và Macau thì năm nay đã được mở rộng tới 11 thị trường trên thế giới.
Ngoài thị trường Mỹ, gạo ST25 đang bước đầu thâm nhập vào một số thị trường khó tính khác như: Đức, Nga, Bỉ, Canada, Pháp, Australia, Anh… Giá xuất khẩu sang các thị trường này dao động bình quân từ 870 – 1.378 USD/tấn.
Trong khi đó, gạo ST24 cũng được xuất khẩu tới 14 thị trường khác nhau trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 90% thị phần với 38.909 tấn, tăng phi mã hơn 30 lần so với 9 tháng năm ngoái. Tuy nhiên, giá gạo ST24 xuất khẩu sang thị trường này thấp hơn 12,9% so với cùng kỳ, đạt bình quân 692 USD/tấn.
Malaysia cũng là thị trường tiêu thụ gạo ST24 nhiều tiềm năng của Việt Nam với khối lượng đạt 3.358 tấn, tăng 371%. Bên cạnh đó, gạo ST24 cũng được xuất khẩu sang Hồng Kông, Ghana, Đức…
Việc gạo ST24 và ST25 của Việt Nam liên tục có mặt trong top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới đã thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng, nhất là các nhà nhập khẩu đến từ Mỹ, Trung Quốc và EU.
Đây được xem là cơ hội để gạo chất lượng cao mang thương hiệu Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với gạo Basmati của Ấn Độ hay gạo Hom Mali xuất khẩu của Thái Lan.
Điều này cũng mở ra hướng đi mới cho ngành gạo Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu gạo của nước ta nhiều năm qua luôn nằm trong top đầu các nước xuất khẩu trên thế giới về sản lượng nhưng giá trị thu về chưa cao và chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới.
Đặc biệt, dù chỉ mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây nhưng gạo ST24 và ST25 của Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu đánh giá cao cả về chất lượng lẫn giá thành.
Xuất khẩu có thể tăng trưởng mạnh hơn nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và cước vận chuyển tăng cao
Do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 tại trong nước và giá cước vận tải biển tăng cao nên trong quý III năm nay khối lượng gạo ST25 xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ chỉ đạt 395 tấn, chưa bằng một nửa so với quý II.
Về chi phí logistics, có thời điểm giá thuê 1 container để vận chuyển gạo từ Việt Nam sang Mỹ lên đến 22.000 USD, gấp 3-4 lần so với đầu năm. Cộng thêm việc chậm trễ trong các chuyến hàng, gạo ST25 tại Mỹ rơi vào tình trạng bị khan hiếm nguồn cung.
Theo VTV đưa tin, gạo ST25 đã nhập khẩu vào Mỹ gần 1 năm nay và được người tiêu dùng ở đây đánh giá cao cả về chất lượng và giá thành. Tuy nhiên, việc hạn chế nguồn cung đang là bài toán khó làm cho gạo ST25 chưa mở rộng được thị phần ở thị trường tiềm năng này.
Thận trọng với dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Ngày 6/10, Bộ Công Thương có công văn về việc thu hồi 1 lô gạo thơm giống ST25 hiệu Nữ hoàng tại Bỉ.
Sau khi xuất khẩu lô hàng gạo thơm cao cấp ST25 nhãn hiệu Nữ hoàng vào Bỉ, doanh nghiệp nhập khẩu là Vinamex Group đã tự kiểm tra chất lượng lô gạo theo tham vấn của Cơ quan liên bang về an toàn chuỗi thực phẩm của Bỉ (FASFC).
Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole là 0,017 mg/kg, theo quy định của EU thì mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01mg/kg.
Do vậy, Vinamex Group đã chủ động đăng thông báo thu hồi, yêu cầu khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền. Với kinh nghiệm xuất khẩu gạo hữu cơ trước đây và hiểu biết về những quy định khắt khe của EU, Vinamex Group đã tự kiểm tra chất lượng lô gạo này hết sức nghiêm túc.
Trước khi xuất khẩu lô hàng này vào Bỉ, Vinamex Group đã kiểm tra tại Việt Nam và xác nhận sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của EU.
Tuy nhiên, khi lô hàng được nhập khẩu vào thị trường Bỉ, Vinamex Group kiểm tra lần nữa thì phát hiện hàm lượng chất tricyclazole vượt quá ngưỡng cho phép của EU. Việc thu hồi sản phẩm của Vinamex Group xuất phát từ việc chủ động kiểm tra, kiểm soát sản phẩm nhập khẩu.
Vì vậy, thông tin thu hồi sản phẩm do nhà nhập khẩu chủ động đăng trên trang của FASFC của Bỉ, sản phẩm này chưa bị đưa vào diện cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Ủy ban châu Âu (RASFF).
Thực tế, việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư quá mức cho phép không phải là vấn đề mới của ngành gạo nước ta. Trước đây gạo Việt Nam từng bị phía Mỹ bị trả về do nhiễm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và vi phạm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước này.
Sau đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Mỹ liên tục sụt giảm và phải mất thời gian dài để xây dựng lại thương hiệu.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không kiểm soát tốt về mặt chất lượng thì ngành gạo Việt Nam khó có thể phát triển bền vững tại các thị trường khó tính như Mỹ hay EU.