|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp vận tải kiến nghị được giãn nợ cả gốc và lãi

15:15 | 25/04/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn TP HCM kiến nghị cho phép giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi.

Nhằm thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, vừa qua Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp để chia sẻ, động viên và lắng nghe ý kiến để xuất hỗ trợ của các đơn vị.

Doanh nghiệp mong muốn được giảm lãi vay, thuế, phí 

Tham dự cuộc họp có đại diện các cơ quan, đơn vị như Sở Công Thương, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và đại diện các bến xe liên tỉnh, các HTX xe buýt….

Các nội dung liên quan đến chính sách tài chính, ngân hàng được đề xuất tại cuộc họp như hỗ trợ giảm 50% lãi suất vay cho các khoản phải trả lãi của các tháng 4, 5 và 6-2020 (trong số này, Nhà nước hỗ trợ 25% và ngân hàng 25%); kể từ tháng 7-2020, áp dụng mức lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhưng tối đa không quá 6%/năm; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 tháng đến 12 tháng cho các doanh nghiệp, HTX.

Đối với chính sách cho vay mới để doanh nghiệp, hợp tác xã trả lương cho người lao động với lãi suất 0%, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ giao cho một số ngân hàng thương mại được thực hiện việc này.

Doanh nghiệp vận tải kiến nghị được giãn nợ cả gốc và lãi - Ảnh 1.

Ngành vận tải gặp nhiều khó khăn trong dịch bệnh. Ảnh: Đào Trang

Liên quan đến chính sách thuế, nguyện vọng của doanh nghiệp là được giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến ngày 31-3-2020 (không tính lãi chậm nộp).

Hiện nay, có một số doanh nghiệp còn nợ đọng BHXH. Theo quy định, khoản nợ này phải chịu lãi chậm nộp với mức lãi suất 0,05%/ngày chậm nộp, các đơn vị kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho các doanh nghiệp được giãn nộp 6 tháng đối với số BHXH mà doanh nghiệp đang còn nợ tính đến ngày 31-3-2020 (không tính lãi chậm nộp).

Doanh nghiệp vận tải kiến nghị được giãn nợ cả gốc và lãi - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp vận tải kêu cứu. Ảnh: Đào Trang

Đối với phí vận tải đường bộ, doanh nghiệp vận tải cũng đưa một số đề xuất như được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ô tô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng; giảm từ 50% đến 80% giá dịch vụ xe ra vào tại sân bay, bến xe…

Sở GTVT có nhiều động thái hỗ trợ

Theo Sở GTVT TP.HCM, Chính phủ và các bộ, ngành đã có các nghị quyết, nghị định... nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải về thuế, phí, chính sách ngân hàng... Các đơn vị cần chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để được hướng dẫn cụ thể.

Sở cũng thống nhất đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét miễn phí bảo trì đường bộ từ tháng 1 đến hết tháng 6-2020.

Vừa qua, sở đã làm việc với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và thống nhất về việc thu phí bến bãi của các đơn vị vận tải đang hoạt động tại sân bay.

Cụ thể, trong thời gian các đơn vị vận tải phải ngưng hoạt động, Cảng Tân Sơn Nhất sẽ không thu phí bến bãi; đối với các tháng trước và sau khi ngưng hoạt động, các đơn vị vận tải có hoạt động nhưng giảm sút sản lượng do các chuyến bay quốc tế, quốc nội bị hạn chế sẽ được xem xét giảm phí bến bãi theo tỉ lệ hợp lý.

Doanh nghiệp vận tải kiến nghị được giãn nợ cả gốc và lãi - Ảnh 3.

Trong thời gian các đơn vị vận tải phải ngưng hoạt động, Cảng Tân Sơn Nhất sẽ không thu phí bến bãi. Ảnh minh họa: Đào Trang

Đối với việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên địa bàn TP, sở và các đơn vị thống nhất xem xét đổi vé hoặc xử lý với hình thức phù hợp đối với các trường hợp đã mua trước vé tháng, quý nhưng phương tiện phải ngừng hoạt động. Các đơn vị vận tải có thể chủ động liên hệ với các đơn vị thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên địa bàn TP để được giải quyết.

Riêng các doanh nghiệp, hợp tác xã vay kích cầu mua xe thuộc danh mục đầu tư xe trong Đề án đầu tư xe buýt giai đoạn 2014-2017, Sở GTVT sẽ kiến nghị UBND TP chấp thuận miễn lãi suất vay trong tháng 4.

Đào Trang