|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hãng tin Bloomberg kể nỗi khó của doanh nghiệp khi hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp vướng mắc

09:18 | 25/04/2020
Chia sẻ
Bloomberg đưa tin, ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ, chỉ có thể đứng nhìn 500 container gạo nếp bị kẹt lại cảng hơn một tháng qua dần dần giảm chất lượng. Không chỉ ông Hòa, nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp vấn đề tài chính khi hàng trăm nghìn tấn gạo không thể xuất đi.

Gạo ứ đọng tại các cảng và đang hỏng dần

Ông Nguyễn Quang Hòa đã cắt giảm khoảng 400 công nhân nhà máy, tuy nhiên thiệt hại vẫn tiếp tục tăng lên. Nếu Dương Vũ không sớm xuất 12.500 tấn gạo, ông Hòa lo lắng các đối tác Trung Quốc sẽ từ chối nhận hàng và công ty ông sẽ buộc phải vỡ nợ 13 triệu USD khoản vay ngân hàng.

"Chúng tôi có thể phải vứt bỏ hết số gạo nếp và chi nhiều tiền hơn để xử lí chúng", Bloomberg dẫn lời ông Nguyễn Quang Hòa cho hay. "Công ty của tôi đang đứng trước bờ vực phá sản".

Ông Hòa chỉ là một trong hơn 100 thương nhân tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thông báo tạm ngừng xuất khẩu gạo của chính phủ vào tháng trước. Thông báo này bắt nguồn từ lo ngại rằng nhu cầu lương thực sẽ tăng vọt khi đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hãng tin Bloomberg kể nỗi khó của doanh nghiệp khi hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp vướng mắc - Ảnh 1.

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo vấp phải nhiều khó khăn khi không thể đăng kí tờ khai. (Ảnh minh họa: Lao động)

Mặc dù kể từ sau thông báo trên, Việt Nam - nhà xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, đã khôi phục lại một phần hoạt động thương mại, hàng trăm nghìn tấn gạo bị kẹt tại các cảng và đang hỏng dần cho thấy mối nguy hiểm của lệnh hạn chế xuất khẩu, Bloomberg viết.

Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt vướng mắc tại các cảng, Tổng cục Hải quan Việt Nam hôm 23/4 thông báo sẽ nối lại hoạt động xuất khẩu gạo nếp. Các lô hàng này không nằm trong hạn ngạch xuất khẩu gạo tháng 4, theo thông báo của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Mở tờ khai lúc nửa đêm

Chưa đầy ba tuần sau khi thông báo tạm ngừng xuất khẩu gạo vào ngày 24/3, cơ quan chức năng thông báo cho phép các nhà sản xuất xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo trong tháng 4. Để làm vậy, thương nhân phải nộp tờ khai hải quan và tờ khai được mở vào nửa đêm ngày 11/4.

Trong vòng ba giờ, hạn ngạch xuất khẩu đã đầy. Nhiều doanh nghiệp đã không thể đăng kí, ước tính khoảng 300.000 tấn gạo đã bị kẹt lại tại các cảng, theo ông Phạm Thái Bình -Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam mà ông Bình là một thành viên cho biết nếu gạo không được xuất đi, các công ty liên quan sẽ gặp không ít khó khăn. Ngay cả khi hết hạn ngạch tháng 4, Việt Nam vẫn còn khoảng 1,3 triệu tấn gạo đã kí hợp đồng nhưng chưa được xuất đi, Bloomberg ước tính.

Do không rõ khả năng có thể hạn chế xuất khẩu gạo lần nữa hay không, các thương nhân đang chần chừ kí hợp đồng xuất khẩu mới.

"Hơn 100 nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chính vì hàng nghìn container gạo bị giữ lại tại các cảng", ông Bình cho hay. Công ty Trung An cũng nằm trong số các doanh nghiệp không thể đăng kí tờ khai trong tháng 4 và đang có hơn 100 container gạo chưa xuất đi được kể từ ngày 24/3.

Tại Cần Thơ, chính quyền địa phương ước tính rằng phần lớn nhà xuất gạo của tỉnh đang bị thiệt hại lên đến 14.000 USD/ngày, đây là mức phí mà doanh nghiệp phải trả cho các công ty vận chuyển, phí container và nộp phạt do không thể hoàn thành hợp đồng xuất khẩu, báo Tiền Phong đưa tin.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh điều tra về việc trục lợi cũng như liệu có bất kì hành vi sai trái nào trong công tác quản lí xuất khẩu gạo của Việt Nam hay không. Thủ tướng cũng đã yêu cầu ứng 100.000 tấn hạn ngạch ngạch xuất khẩu gạo tháng 5 để gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo trang web của Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn từ đầu tháng 4 đến ngày 23/4, Việt Nam đã xuất được 127.600 tấn gạo trong tổng 400.000 tấn mà doanh nghiệp đăng kí trước đó.

Khả Nhân