|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp tư nhân suy sụp sau loạt sóng gió, cố gắng dò tìm tín hiệu chính sách từ Bắc Kinh

14:50 | 19/10/2022
Chia sẻ
Sau khi phải đối mặt với nhiều sự kiện khó lường trong những năm gần đây, các doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc đang rất hoang mang vào con đường tương lai. Họ đang cố gắng bắt tín hiệu từ đại hội đảng ở Bắc Kinh tuần này.

 

Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc đang cố gắng lần mò tín hiệu từ chính quyền trung ương. (Ảnh minh hoạ: SCMP).

“Sự xói mòn lòng tin”

Trong nhiều năm qua, Wu Hai từng vài lần cảnh báo về những khó khăn mà doanh nghiệp tư nhân tại Trung Quốc gặp phải và dường như Bắc Kinh đã lắng tai nghe.

Wu - nhà sáng lập chuỗi karaoke Mei KTV, đã phàn nàn về môi trường kinh doanh trong một bức thư ngỏ gửi các nhà lãnh đạo đất nước. Bức thư được đăng tải trên mạng xã hội vào năm 2015.

Ông đã rất ngạc nhiên khi nhận được một lời mời từ chính quyền trung ương. Khi đó, Bắc Kinh đã đề nghị Wu giải thích các đề xuất của mình cho một số quan chức tại khu nhà lãnh đạo Zhongnanhai ở thủ đô, trong bối cảnh chính phủ đang muốn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới.

Một bài đăng khác của Wu gây chú ý vào tháng 2/2020, khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát. Ông cho biết Mei KTV đang trải qua một cuộc khủng hoảng dòng tiền, chỉ còn đủ tài chính để duy trì hoạt động trong hai tháng.

Wu kêu gọi chính phủ hỗ trợ ngay lập tức cho các doanh nghiệp nhỏ. Lời thỉnh cầu đó đã được Bắc Kinh đáp lại, bằng các đợt cắt giảm thuế lớn. Các ngân hàng cũng nới lỏng điều khoản cho vay để hỗ trợ.

Hiện giờ, Wu đang đánh giá tác động của biến chủng Omicron. Nhiều thành phố của Trung Quốc đã phải phong toả để dập dịch; tinh thần của nhà đầu tư sa sút và nhiều người không tin rằng họ có thể nhìn thấy áng sáng cuối đường hầm.

“Trung Quốc đang phải đối mặt với một ‘cơn bão hoàn hảo’... chúng ta bị tấn công bất ngờ từ 4 hướng - đại dịch hoành hành, quan hệ với Mỹ xấu đi, nền kinh tế toàn cầu suy yếu và hệ thống quy định nghiêm ngặt không tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế”, Wu viết trên tài khoản WeChat hồi đầu tháng 10.

Một vòng tròn luẩn quẩn đã xuất hiện, khiến những doanh nhân bị ảnh hưởng nặng nề nhất ngần ngại rót vốn đầu tư bởi môi trường kinh doanh đang trở nên bất ổn và khó đoán, nhà sáng lập Mei KTV bày tỏ.

“Sự xói mòn lòng tin là thách thức lớn nhất của Trung Quốc hiện giờ”, Wu cảnh báo.

Quy mô của khu vực tư nhân

Số lượng các công ty tư nhân ở Trung Quốc đã tăng hơn ba lần trong một thập kỷ - lên 47 triệu vào cuối tháng 8 năm nay. Trong đó, khoảng 11,8 triệu doanh nghiệp được thành lập kể từ khi COVID-19 bùng phát.

Tuần trước, Cục Quản lý Quy chế Thị trường cho biết, khu vực tư nhân hiện chiếm khoảng 93,3% tổng số doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Năm ngoái, đầu tư tư nhân chiếm 56,9% tổng vốn đầu tư, cao hơn con số của năm 2020. Đồng thời, tổng doanh thu của 500 công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc tăng 9,1% so với năm trước, đạt khoảng 38,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 5.300 tỷ USD).

Theo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc, 87 công ty trong top 500 ghi nhận doanh thu hơn 100 tỷ nhân dân tệ và 37 công ty báo cáo lợi nhuận ròng hơn 10 tỷ nhân dân tệ.

 

Kinh tế tư nhân được coi là thành tố quan trọng vì nó đóng góp hơn một nửa doanh thu thuế của chính phủ, đồng thời chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội và thống trị lĩnh vực công nghệ cao.

Dữ liệu của Bắc Kinh còn cho thấy, hơn 405 triệu người đang làm việc cho các công ty tư nhân hoặc tự kinh doanh vào năm 2019. Con số này tương đương với khoảng 29% dân số Trung Quốc năm đó.

Khó khăn bao trùm

Theo SCMP, tình hình tài chính của các công ty tư nhân tại Trung Quốc đang bị kéo căng sau khi doanh nghiệp phải liên tiếp đối mặt với khó khăn trong những năm gần đây.

Một số thách thức có thể kể đến như việc cạn kiệt đơn hàng trong cuộc thương chiến giữa Trung Quốc với chính quyền Tổng thống Donald Trump, tăng trưởng toàn cầu chững lại vì đại dịch, hoạt động kinh doanh trong nước gián đoạn bởi chiến lược Zero COVID.

Gần đây nhất, Bắc Kinh còn nhấn mạnh ý định sẽ tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, càng khiến khó khăn của các công ty tư nhân trở nên nghiêm trọng hơn.

Các doanh nghiệp thường xuyên tiếp xúc với khách hàng như nhà hàng hay đại lý du lịch đã phải rất chật vật khi cả nước theo đuổi các biện pháp kiểm soát COVID nghiêm ngặt trong năm nay.

Các công ty lớn cũng không thoát nạn. Nhiều nhà phát triển bất động sản tư nhân - bao gồm Evergrande, đã vỡ nợ trái phiếu sau khi các cơ quan quản lý siết chặt yêu cầu tài chính và hạn chế các kênh huy động vốn nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ cũng như giúp thị trường nhà ở hạ nhiệt.

Ngoài ra, các công ty công nghệ lớn - từng là động cơ cho đà phát triển rực rỡ của Trung Quốc trong quá khứ, đã phải cắt giảm nhân sự sau khi chính phủ thực hiện các cuộc điều tra chống độc quyền và tăng cường quy định về bảo vệ quyền riêng tư cũng như bảo mật dữ liệu khách hàng.

Chỉ số điều kiện kinh doanh tại Trung Quốc đại lục do Trường Kinh doanh Cheung Kong xây dựng đã giảm từ mức 46,1 điểm trong tháng 8 xuống còn 44 vào tháng trước. Cả hai đều nằm dưới ngưỡng “tự tin” 50 điểm.

Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu khai mạc đại hội đảng lần thứ 20. (Ảnh: Reuters).

Tương tự các nhà đầu tư ngoại quốc, các doanh nhân trong nước cũng đang theo dõi sát sao rằng liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có công bố bất kỳ biện pháp hỗ trợ hay thay đổi chính sách nào tại đại hội tuần này hay không.

Thắc mắc lớn nhất của doanh nghiệp là các nhà lãnh đạo mới sẽ khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế như thế nào và vai trò của khu vực tư nhân trong 5 năm tới ra sao.

Ông Wu - người lập chuỗi Mei KTV, nhấn mạnh rằng niềm tin là tài sản lớn nhất của khu vực tư nhân. Vị doanh nhân cho rằng sẽ mất rất nhiều thời gian để gây dựng lại niềm tin của các nhà đầu tư.

Chia sẻ với SCMP, ông Jia Kang - cựu viện trưởng viện nghiên cứu của Bộ Tài chính Trung Quốc, cảnh báo rằng sự xói mòn niềm tin của nhà đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cân nhắc kinh doanh trong dài hạn.

Khả Nhân