|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Doanh nghiệp tay ngang đầu tư chứng khoán: Danh mục giá trị hơn 1 tỷ USD, ai mạnh tay nhất?

08:31 | 02/08/2024
Chia sẻ
Đến hết tháng 7, đa phần các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II. Bên cạnh những con số doanh thu, lợi nhuận, nhà đầu tư cũng quan tâm một khía cạnh khác là khoản mục chứng khoán kinh doanh.

Trong bối cảnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi còn khó khăn hoặc chưa thực sự quay lại đà tăng trưởng, nhiều doanh nghiệp đã mang tiền nhàn rỗi đi đầu tư kiếm lời ngắn hạn từ thị trường chứng khoán. Khi thị trường khởi sắc trong nửa đầu năm, một số đơn vị ghi nhận tăng trưởng danh mục, song cũng nhiều trường hợp “ngậm trái đắng”.

Những khoản đầu tư nghìn tỷ

Xét nhóm 54 công ty cổ phần có chứng khoán kinh doanh lớn nhất (trên cả HOSE, HNX, UPCoM, không xét các doanh nghiệp có niên độ tài chính khác số đông như Coteccons), tổng giá trị danh mục đang đạt khoảng 30.900 tỷ đồng.

Chỉ tiêu này tăng 13% so với cuối quý I, và cao hơn 3% so với cuối 2023. Điều này có nghĩa sau khi thu hẹp trong quý đầu năm, danh mục đã “phình to” trở lại. Tuy vậy, diễn biến này chịu ảnh hưởng lớn từ việc danh mục Pan Group tăng 3.900 tỷ đồng, tương đương 58% so với đầu năm. Báo cáo quý II của Pan không thuyết minh rõ công ty đã tăng nắm giữ chứng khoán nào.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Thống kê cho thấy có 8 đơn vị sở hữu danh mục trên 1.000 tỷ đồng, gồm Pan Group (PAN), Tập đoàn Gelex (GEX), Đô thị Kinh Bắc (KBC), PVI, Masan Group (MSN), Tập đoàn Sunshine (KSF), Masan Consumer (MCH) hay CII.

Gelex và Pan Group hoạt động theo mô hình holding, có nghĩa rằng những khoản đầu tư lớn có thể không mang bản chất đầu tư tài chính, mà có thể lượng cổ phần đang nắm giữ là kết quả của những thương vụ M&A. Trong đó, Gelex đã tăng vốn đầu tư vào cổ phiếu, với giá gốc tăng từ 1.766 tỷ đồng lên 2.256 tỷ đồng (đang trích lập dự phòng gần 14 tỷ đồng).

Bản chất tương tự cũng ghi nhận tại nhiều trường hợp nghìn tỷ, khi khoản chứng khoán kinh doanh chủ yếu nhằm mục đích nắm giữ vốn các công ty khác.

Tại CII, khoản chứng khoán kinh doanh trị giá hơn gần 1.109 tỷ đồng tại cuối quý II, cao hơn 10% so với giá gốc. Danh mục bao gồm 24 triệu cp CTCP Đầu tư Sài Gòn RiverFront và 18,1 triệu cp HUT của Tasco. Trong quý II, CII đã bán bớt 200.000 cp HUT khỏi danh mục.

Hay trường hợp Đô thị Kinh Bắc, 99,6% chứng khoán kinh doanh là khoản đầu tư vào Công ty TNHH MTV Khách sạn Hoa Sen. Còn lại là 312.177 cp ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, tương ứng với hơn 7 tỷ đồng.

Với Masan Group và công ty con là Masan Consumer (MCH), khoản chứng khoán kinh doanh toàn bộ là trái phiếu.

Mở rộng danh mục

Bên cạnh các ông lớn với danh mục nghìn tỷ, đà tăng trưởng chứng khoán kinh doanh cũng len lỏi ở một số doanh nghiệp vốn hóa vừa và nhỏ. Đáng chú ý trong đó là những gương mặt quen thuộc trong quá khứ đã "mở hầu bao" trở lại, điển hình như Nhà Đà Nẵng, Licogi 14, MHC hay Petrosetco.

Tại ngày 30/6, danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN) có tổng giá trị gốc khoảng 611 tỷ đồng, tăng 217,5 tỷ (tương ứng tăng 55%) so với thời điểm cuối quý I.

Trong quý vừa qua, Nhà Đà Nẵng đã bán toàn bộ khoản đầu tư vào cổ phiếu MWG (có giá trị gốc 17,6 tỷ đồng tại ngày 31/3), trong khi đó có khoản đầu tư mới vào cổ phiếu NVL với giá trị gốc hơn 60,5 tỷ đồng (tại ngày 30/6).

  Danh mục chứng khoán kinh doanh của Nhà Đà Nẵng tại 30/6. (Nguồn: BCTC). 

Tổng giá trị hợp lý của các khoản chứng khoán kinh doanh tại thời điểm cuối quý II gần 615 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ cổ phiếu HPG với mức lãi gần 24,5 tỷ đồng (tương ứng lãi 35,5%), và DGC đang tạm lãi gần 9 tỷ đồng (lãi 57%).

Ngược lại, công ty đang tạm lỗ với cổ phiếu NVL khi phải trích lập dự phòng gần 15 tỷ đồng, tương đương khoảng 25% giá gốc khoản đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn phải trích dự phòng hơn 51 tỷ đồng cho các cổ phiếu khác.

CTCP Licogi 14 (Mã: L14) - doanh nghiệp bất động sản nhưng có thói quen đầu tư chứng khoán với danh mục từng lên đến hàng trăm tỷ trong quá khứ - cũng gia tăng giá trị danh mục. Chứng khoán kinh doanh của Licogi 14 tăng từ 14 tỷ đồng đầu năm lên 31 tỷ đồng, và đạt 55 tỷ đồng cuối tháng 6, tức gấp 4 lần đầu năm. Báo cáo tài chính của L14 không thuyết minh cụ thể các khoản đầu tư.

Một đấu ấn “trở lại” khác là Petrosetco (PET). Thành viên thuộc PVN từng đầu tư chứng khoán với số tiền 231 tỷ đồng vào đầu năm 2022. Khi chịu ảnh hưởng đáng kể do thị trường lao dốc, Petrosetco đã thoái gần hết danh mục trong 2022, chỉ duy trì khoảng vài tỷ đồng đến quý I/2024.

Báo cáo tài chính quý II cho thấy giá trị chứng khoán kinh doanh của Petrosetco cuối kỳ đạt 42 tỷ đồng, song không thuyết minh cụ thể.

Một trường hợp tăng trưởng danh mục khác là CTCP MHC. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II cho thấy giá trị chứng khoán kinh doanh cuối kỳ đạt 411 tỷ đồng, cao hơn 10%, tương đương 37 tỷ đồng so với giá gốc.

Danh mục được thuyết minh gồm cổ phiếu EIB (251 tỷ đồng), EVF (136 tỷ đồng) và các cổ phiếu khác (23 tỷ đồng). So với thời điểm cuối quý I, khoản đầu tư EIB đã được rót thêm 188 tỷ đồng, nâng giá gốc lên 238 tỷ đồng, và đang ước lãi 5%.

Khoản đầu tư EVF giữ nguyên giá gốc, giá trị ước lãi thu hẹp còn 3% do đà điều chỉnh của cổ phiếu trên thị trường. Trong kỳ, MHC đã thoái một phần hoặc toàn bộ cổ phiếu PXL với giá gốc đầu tư 55 tỷ đồng tại cuối quý I, không còn thuyết minh nhóm khoản đầu tư lớn tại báo cáo quý II.

Thuyết minh chứng khoán kinh doanh tại 30/6 của MHC. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý II).

Ngoài ra, MHC đang đầu tư góp vốn 10 tỷ đồng, tương đương 5% vốn của Công ty TNHH Vận tải Container Hải An; và 50 tỷ đồng, tương đương 16,25% vốn Quỹ Đầu tư Hạ tầng Red One.

Vĩnh Hoàn và SMC “gặp khó” khi nắm giữ DXS, HBC

Ở khía cạnh khác, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vẫn nắm giữ khoản đầu tư ba cổ phiếu DXS, NLG và KBC với giá gốc khoảng 160 tỷ đồng.

Cả ba cổ phiếu đều chưa ghi nhận tín hiệu khởi sắc trên thị trường trong quý II. Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh cuối kỳ là 31,4 tỷ đồng, sâu hơn 18% so với cuối quý I.

Riêng khoản đầu tư DXS có giá gốc hơn 60 tỷ đồng và đang ước tính lỗ nặng nhất 27 tỷ đồng. Thậm chí khoản lỗ tại DXS có thể nới rộng thêm nếu doanh nghiệp chưa tất toán, bởi cổ phiếu này lao dốc trong tháng 7.

Theo báo cáo tài chính quý II, một phần vốn của Đầu tư Thương mại SMC (SMC) nằm tại khoản đầu tư tài chính. Tới cuối tháng 6, danh mục đầu tư tài chính xuất hiện thêm cổ phiếu HBC có giá gốc gần 105 tỷ đồng, và đang phải trích lập hơn 24 tỷ đồng (lỗ hơn 23%).

Đây là lượng cổ phiếu mà SMC đã thực hiện hoán đổi từ nợ của Xây dựng Hòa Bình, với giá hoán đổi là 10.000 đồng/cp, tương đương gần 10,5 triệu cp HBC.

Tương tự Vĩnh Hoàn, trường hợp SMC vẫn chưa tất toán HBC, khoản lỗ có thể nới thêm khi cổ phiếu xây dựng liên tục giảm trong thời gian gần đây.

Thống kê chứng khoán kinh doanh của 54 CTCP. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Xuân Nghĩa

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.