Doanh nghiệp ô tô vẫn muốn sản xuất, mở rộng tại Việt Nam
Nhiều mẫu ô tô đã được lắp ráp tại Việt Nam - Ảnh minh họa: Hùng Lê |
Kế hoạch của các hãng xe ngoại
Bên cạnh hai thương hiệu xe ô tô con nước ngoài là Mazda và Hyundai được doanh nghiệp trong nước là Thaco và Hyundai Thành Công cho triển khai đầu tư nhà máy với quy mô lớn gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô cũng có kế hoạch, chiến lược đầu tư mới tại thị trường này. Trong đó, đáng chú ý là Tập đoàn Mitsubishi Motor (Nhật) muốn mở rộng đầu tư vào Việt Nam cũng như phát triển các sản phẩm ô tô bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Cụ thể, trong lần gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 7 rồi, Tổng giám đốc Tập đoàn Mitsubishi Motors, ông Osamu Masuko, cho biết tập đoàn đã phát triển thị trường ASEAN từ nhiều năm và Việt Nam là thị trường thứ 4 trong khu vực mà Mitsubishi muốn đẩy mạnh đầu tư. Theo chinhphu.vn, hiện Liên minh hợp tác Nissan-Mitsubishi đang lựa chọn địa điểm đặt nhà máy nằm trong kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Trong khi đó, Groupe PSA của Pháp với hai thương hiệu xe nổi tiếng là Peugeot và Citroen đang lên kế hoạch đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu sản phẩm ra toàn thị trường khu vực Đông Nam Á.Groupe PSA hiện là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất của Pháp.
Theo Paultan, trang thông tin chuyên về ô tô xe máy tại Malaysia, dự án nhà máy của Groupe PSA tại Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2018 với mục tiêu bán ra 70.000 chiếc trong năm 2020. Đây là bước khởi đầu cho kế hoạch đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất xe Pháp tại khu vực Đông Nam Á.
Còn nhà máy sản xuất ô tô Nga Sollers hy vọng sẽ khởi động dự án đầu tư lắp ráp xe UAZ, thương hiệu xe hơi nổi tiếng với những chiếc xe quân đội UAZ-469, thường được gọi là U-oát, tại Việt Nam vào năm tới, theo Sputniknews.
Đối với thương hiệu ô tô hạng sang, thông tin hãng BMW muốn tìm cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam gần đây cũng thu hút sự chú ý của nhiều người. Cụ thể theo chinhphu.vn, trong buổi tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Berlin vào tháng 7 rồi, đại diện của hãng xe Đức này đã bày tỏ mong muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, từng bước tăng cường nội địa hóa nhiều loại linh kiện ô tô.
Lắp ráp ô tô không chỉ cho thị trường Việt Nam
Chưa rõ kế hoạch của Mitsubishi sẽ được thực hiện như thế nào, nhưng Tổng giám đốc Mitsubishi Motors cho rằng Việt Nam với thị trường gần 100 triệu dân, môi trường đầu tư hấp dẫn, được xem là lợi thế để hãng mở rộng đầu tư sản xuất ô tô.
Vào năm ngoái, Mitsubishi Motors Việt Nam (MMV) cũng cho biết lãnh đạo tập đoàn ô tô Nhật Bản này đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á và khẳng định với TBKTSG Online là hãng sẽ tiếp tục rót vốn nâng cao năng lực lắp ráp xe ở Việt Nam.
Ông Kenichi Horinouchi, Tổng giám đốc của MMV, cho rằng hiện ở châu Á dòng xe Outlander chỉ sản xuất tại hai nhà máy ở Nhật và Trung Quốc, và có khả năng dòng xe cao cấp này của Mitsubishi sẽ được lắp ráp tại Việt Nam. Không chỉ chiếc Outlander hay xe Pajero (đang được lắp ráp tại Việt Nam) mà theo ông Horinouchi một số dòng xe khác của Mitsubishi cũng sẽ được xem xét lắp ráp ở nhà máy MMV. Với việc mở rộng đầu tư lắp ráp ở Việt Nam, sản phẩm MMV làm ra không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu sang các nước Lào, Campuchia, Phillipines.
Còn đối với BMW, trên thực tế, cách đây hơn 10 năm một số mẫu xe BMW cũng từng được lắp ráp ở Việt Nam tại nhà máy của liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC). Tuy nhiên, sau khi quyết định chia tay với VMC vào năm 2005, thương hiệu ô tô của Đức này đã quay trở lại Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu chính thức là Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto). So với những thương hiệu xe sang khác, giới trong ngành đánh giá xe BMW trong nhiều năm qua chỉ tiêu thụ kém hơn đối thủ đồng hương Mercedes-Benz (có nhà máy ở Việt Nam) và sau đó là Lexus của Toyota.
Nhiều thương hiệu ô tô con trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam qua con đường nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước - Ảnh minh họa: Hùng Lê |
Theo giới phân tích thì có khả năng những rắc rối liên quan đến hoạt động nhập khẩu phân phối xe nguyên chiếc tại Việt Nam của Euro Auto trong thời gian qua là một trong những nguyên nhân dẫn đến tập đoàn BMW phải tính toán cho một chiến lược mới ở thị trường Việt Nam. Việc hãng xe Đức này gần đây công bố chọn Thaco, để nhập khẩu, phân phối xe BMW thay thế Euro Auto, cũng cho thấy một chiến lược mới vì Thaco là nhà sản xuất, phân phối ô tô lớn nhất trong nước nắm trên 40% thị phần xe con. Nhiều thương hiệu ô tô con trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam qua con đường nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp trong nước - Ảnh minh họa: Hùng Lê
Với một thương hiệu ô tô cao cấp đã có mặt ở thị trường trong nước nhiều năm qua và thị phần nắm giữ không nhỏ, giới phân tích cho rằng cơ hội đầu tư vẫn còn cho BMW để tiêu thụ ở thị trường trong nước và có thể xuất khẩu sang Philippines.
Còn Tập đoàn PSA đang sở hữu hàng loạt thương hiệu ô tô như Peugeot, Citroen, DS, bên cạnh đó hãng cũng vừa mua lại thương hiệu Opel và Vauxhall Motors từ General Motors (GM). Trong số này, các mẫu xe Peugeot hiện đang được Thaco lắp ráp, phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở khu vực Đông Nam Á, hãng chưa có dự án nhà máy quy mô lớn tầm cỡ, trong khi đây là thị trường mà theo hãng nghiên cứu BMI Research (thuộc tổ chức Fitch Group) đánh giá, còn nhiều tiềm năng để phát triển ngành sản xuất ô tô. Báo cáo hồi tháng 6 của BMI Research cũng cho rằng Groupe PSA với hai thương hiệu Peugeot và Citroen sẽ thúc đẩy sản xuất tại Việt Nam nhằm xuất khẩu ra toàn Đông Nam Á.
Trong khi đó, đối với kế hoạch của UAZ, được cho là từ thỏa thuận tự do thương mại giữa các nước Liên minh Kinh tế Á Âu và Việt Nam được ký kết vào tháng 5-2015, trong đó có nhất trí về việc xây dựng một số dự án chung, bao gồm ngành công nghiệp ô tô.
Hỗ trợ và thách thức
Ngoài lợi thế là thị trường lớn, tỷ lệ người sở hữu ô tô còn rất thấp, thì việc đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước với xe ô tô nếu được thông qua thì xem như là cách ưu đãi, hỗ trợ rất lớn đối với xe lắp ráp trong nước hiện nay.
Các nhà làm luật hy vọng cách tính thuế mới này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tạo điều kiện cho hàng sản xuất trong nước cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.
Đây sẽ là cách tính thuế chưa hề thấy trong lịch sử của ngành công nghiệp ô tô trong nước. Theo các chuyên gia, khi được áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt có lợi, các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ chuyển sang dùng, hoặc kích thích sự phát triển của công nghiệp phụ trợ ngành ô tô ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đề xuất này được đánh giá không hề dễ thực hiện và sẽ gặp rủi ro không ít. Bởi lẽ, trên thực tế, đối với xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi, hiện tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt khoảng 7-10%. Đáng chú ý, hai doanh nghiệp có thị phần ô tô du lịch lớn nhất là Thaco cũng chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa 15-20% và Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova.
Trong khi đó, để thu hút các nhà cung cấp linh kiện vào Việt Nam, bắt đầu sản xuất và cung cấp phụ tùng cho các hãng xe, ra thành phẩm bán trên thị trường theo thuế ưu đãi, theo các doanh nghiệp ô tô thì cũng mất ít nhất 2 năm. Mặt khác, để công nghiệp phụ trợ ngành ô tô phát triển được thì quy mô thị trường cần phải lớn, nhưng, hiện thị trường trong nước chỉ bằng một phần nhỏ so với những nước trong khu vực như Indonesia và Thái Lan.
Các nhà sản xuất luôn kỳ vọng một khung chính sách ổn định lâu dài để đi đến quyết định đầu tư. Trong khi đó, đối với thuế nhập khẩu linh kiện ô tô mà Bộ Tài chính đề xuất gần đây được cho là chưa thuận lợi cho các nhà lắp ráp sản xuất ô tô dưới 9 chỗ trong nước, bởi trong khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN nhập về bằng 0% vào năm tới, thì đề xuất của Bộ Tài chính về thuế linh phụ kiện với phương án 1: giảm mức thuế trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống khoảng 7%; và phương án 2 là giảm mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện từ 14-16% xuống 9-11% ...
Dù áp dụng thuế mới như thế nào, các chuyên gia cho rằng xe lắp ráp và hãng lắp ráp vẫn là đối tượng ưu tiên trong những năm tới mà Chính phủ sẽ tìm hướng tháo gỡ để duy trì sản xuất, lắp ráp hoặc đầu tư mới nếu không muốn thị trường xe con trong nước dành cho xe nhập khẩu. Nhưng bằng cách nào thì vẫn phải chờ thời gian.