Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đa dạng hóa cơ sở hoạt động tại Việt Nam
Sáng 7/10, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC), Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP HCM (CSID) và công ty Reed Tradex Vietnam đã kí kết, thống nhất tổ chức Triển lãm quốc tế tại Việt Nam về máy công cụ và giải pháp gia công cơ khí (Metalex Việt Nam 2020) dưới hình thức trực tuyến vào ngày 23- 24/10/2020.
Sự kiện nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất Việt Nam cập nhật công nghệ, kết nối kinh doanh trong trạng thái "bình thường mới".
Tại buổi kí kết, ông Hirai Shinji, Trưởng Đại diện JETRO tại TP HCM cho biết, Việt Nam ngày càng được nâng cao trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư sản xuất.
Theo khảo sát của JETRO, hiện nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở ở nước ngoài và đang có kế hoạch đa dạng hóa cơ sở hoạt động tại Việt Nam.
Cụ thể, năm 2019, 48,1% các công ty Nhật Bản có cơ sở ở nước ngoài chọn Trung Quốc, trong khi 41% chọn Việt Nam để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chênh lệch giữa Việt Nam và Trung Quốc được thu hẹp từ mức 19,9% xuống còn 7,1% so với năm trước.
Không những thế, khi xét về tái cấu trúc chuỗi cung ứng trong thời điểm hiện tại, ông Hirai Shinji cho biết: “Trong số tất cả các công ty tham gia khảo sát, tổng cộng 170 nguồn cung ứng đã được chuyển đổi (bao gồm chuyển đổi một phần và có kế hoạch chuyển đổi) trước tác động của bảo hộ thương mại.
Về nguồn cung sau khi chuyển đổi, tỉ lệ doanh nghiệp trả lời “Việt Nam” và “Thái Lan” lần lượt là 24,1% và 13,5%.
Nhìn vào các mô hình tái cơ cấu chính của nguồn cung, đứng đầu là chuyển đổi từ Trung Quốc sang Việt Nam chiếm 22,4%, tiếp theo là chuyển đổi từ Trung Quốc sang Thái Lan với 8,2%.”
Theo đại diện JETRO, các doanh nghiệp Nhật Bản chọn đầu tư vào Việt Nam do họ nhìn thấy Việt Nam là thị trường lớn còn sức tăng trưởng, nguồn nhân lực tại Việt Nam khá tốt và tay nghề khá. Thêm vào đó, Việt Nam được đánh giá cao do nền chính trị ổn định, chính sách, thị trường ngày càng cải tiến, cởi mở, đặc biệt việc kiểm soát tốt dịch COVID-19.
Đáng chú ý ông Hirai Shinji cũng thông tin thêm, Chính phủ Nhật cũng đã đưa chính sách đa dạng hóa cơ sở sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa cơ sở sản xuất về vấn đề tài chính, trong số 124 doanh nghiệp đăng kí thì có 30 doanh nghiệp đã được chính phủ Nhật Bản chấp thuận và 15 doanh nghiệp trong số đó chọn Việt Nam.
“Nếu như năm 2011 có đến 67,9% doanh nghiệp trả lời chọn Trung Quốc, 27,9% chọn Việt Nam thì sau 9 năm, khoảng cách này chỉ còn hơn 7% với 48,1% chọn Trung Quốc và 41% chọn Việt Nam. Điều này cho thấy, về việc mở rộng đầu tư quốc tế đối với doanh nghiệp Nhật Bản, Trung Quốc đang suy giảm vị thế, trong khi Việt Nam đang trên đà bắt kịp”, ông Hirai Shinji nói.
Đồng thời, ông cho biết đây gọi là chiến lược Việt Nam + 1. Bên cạnh việc dịch chuyển hoặc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, từng được biết đến với tên gọi Trung Quốc + 1, đại diện JETRO nhận thấy doanh nghiệp Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội tiếp tục mở cơ sở sản xuất mới ở Việt Nam.
Trước xu hướng này, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đang nghiên cứu để đưa thuật ngữ "Việt Nam + 1" vào các ấn phẩm chính thức.
"Các doanh nghiệp đã có ý định đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam từ năm 2019, trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Hiện nay, với hiệu quả chống dịch của Việt Nam, thị trường này chắc chắn còn được chú ý nhiều hơn.
Đặc biệt, khi các doanh nghiệp chưa từng đầu tư tại Việt Nam mong muốn đầu tư nhưng vẫn chưa thể bay sang Việt Nam nghiên cứu thị trường, thì xu hướng Việt Nam + 1 sẽ được thấy rõ hơn", vị này khẳng định.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang đối mặt với không ít thách thức, trong đó có vấn đề công nghệ, thiết bị lạc hậu; sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; thiếu kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.
Theo số liệu của JETRO tỉ lệ thu mua nội địa của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam chỉ đạt 36,3%, thấp so với Trung Quốc (69,5%), Thái Lan (60,8%), Indonesia (45,9%) và Malaysia (37.8%).
“Đối với ngành chế tạo, tỉ lệ thu mua nội địa của Việt Nam từ sau năm 2010 dần có sự gia tăng, tuy nhiên nếu nói tỉ lệ gia tăng cao những năm gần đây thì so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì khoảng cách chưa được rút ngắn", ông Hirai Shinji nhấn mạnh.
Đồng quan điểm ông Vũ Trọng Tài, Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Vietnam cho biết, hiện nay, làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu càng được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Việt Nam đang nổi lên như một ứng cử viên hàng đầu về địa điểm đầu tư.
Điều này có được nhờ nền kinh tế luôn vận động không ngừng, nhiều chính sách thu hút vốn đầu tư linh hoạt, cùng với các hiệp định thương mại được kí kết gần đây.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới được công bố của Oxford Economics, Việt Nam có triển vọng phục hồi kinh tế tươi sáng nhất và là nền kinh tế duy nhất ở khu vực đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 tại khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, ông Vũ Trọng Tài nhấn mạnh để tận dụng cơ hội từ xu hướng thiết lập và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân viên.
Bên cạnh đó, việc lần đầu tiên được tổ chức Triển lãm Metalex Vietnam 2020 và Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ 2020 dưới hình thức trực tuyến, thích ứng linh hoạt trong bối cảnh dịch bệnh sẽ mang đến cơ hội tiếp cận các thiết bị máy móc tiên tiến nhất, cập nhật công nghệ kinh doanh thông minh, khám phá các giải pháp gia công kim loại hiệu quả, cũng như các giải pháp để nâng cấp sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm.
Đồng thời, thông qua chương trình kết nối, gặp gỡ trực tiếp sẽ giúp cho các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội hợp tác kinh doanh ở lĩnh vực này trong tương lai.
Còn theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc, Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh (CSID) đánh giá rào cản lớn nhất là khả năng sản xuất hàng loạt của nhà máy.
Khảo sát khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ, CSID nhận thấy hơn 50% đơn vị chỉ có thể sản xuất nhỏ lẻ theo từng đơn hàng. Điều này là khập khiễng với nhu cầu lớn về sản lượng của các công ty Nhật Bản.
"Điều cần nhất là phải tối ưu hóa hoạt động sản xuất để có thể cạnh tranh với những nhà cung ứng khác. Đây không phải câu chuyện của những 'ông lớn', mà doanh nghiệp nhỏ vẫn làm được nếu quyết tâm và chịu học hỏi", bà Oanh chia sẻ.
Dẫn chứng thực tế, bà Duy Oanh nêu trường hợp công ty Hiệp Phước Thành hiện cung ứng các chi tiết nhựa kĩ thuật cho Samsung, Piaggo và nhiều doanh nghiệp Nhật Khác, hay Cát Thái, Tiến Thịnh cũng đã tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện điện tử của một số công ty Nhật.