Ngành hàng không chuẩn bị hồi phục, hãng bay nào có cơ hội lớn nhất?
Nhiều thuận lợi cho ngành hàng không
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại đang được tiến hành rất khẩn trương. Tính đến ngày 29/11, gần 8 tỷ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu. Khoảng 54% dân số thế giới đã nhận được ít nhất một liều vắc xin.
Tuy nhiên, sự phân bổ vắc xin là không đồng nhất khi các nước phát triển có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn hẳn các quốc gia nghèo tại châu Phi như thể hiện ở biểu đồ dưới đây.
Tại Việt Nam, khoảng 70% dân số đã được tiêm ít nhất một liều và 46% đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiếp nhận 150 triệu liều trong năm 2021 để tiêm chủng đầy đủ cho 75% dân số và đạt miễn dịch cộng đồng.
Theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, do nguồn cung vắc xin còn hạn chế nên tốc độ tiếp nhận vắc xin chậm, dẫn đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 khó đạt được.
Mặc dù vậy, tốc độ tiêm chủng thời gian gần đây đã có cải thiện đáng kể so với trước. Trong tháng 10 và 11, trung bình mỗi ngày Việt Nam tiêm khoảng 1,32 triệu liều vắc xin, cao gấp hơn hai lần so với trung bình của tháng 8 và 9.
Với giả định tỷ lệ tiêm phòng đạt 1 triệu liều/ngày trong thời gian tới khi nguồn cung vắc xin cải thiện, VNDirect dự đoán 58,5% dân số Việt Nam sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào quý IV/2021 và 80% vào quý I/2022.
Đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vắc xin là điều kiện tiên quyết để khôi phục dần hàng không nội địa trong quý IV năm nay và hoạt động bình thường hoàn toàn từ đầu năm sau.
Với đường bay quốc tế, Chính phủ đã đồng ý phương án thí điểm đón khách du lịch nước ngoài có hộ chiếu vắc xin đến Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang. Theo kế hoạch, các chặng bay quốc tế đến Việt Nam có thể khai thác bình thường trở lại kể từ quý III/2022.
Hộ chiếu vắc xin giúp vực dậy hàng không quốc tế
IATA Travel Pass là một ứng dụng di động được phát triển bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) giúp hành khách du lịch lưu trữ và quản lý các chứng nhận đã được xác minh đối với các xét nghiệm hoặc vắc xin COVID-19.
Ứng dụng này là rất quan trọng khi các chính phủ yêu cầu giấy chứng nhận âm tính COVID hoặc chứng nhận tiêm chủng như là điều kiện đi lại quốc tế trong và sau đại dịch. IATA Travel Pass sẽ an toàn và hiệu quả hơn các quy trình quản lý sức khoẻ bằng giấy thông thường bởi số lượng lớn chứng nhận xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin cần quản lý.
Hiện tại, Singapore, Panama, Qatar và Arab Saudi đã tham gia chương trình hộ chiếu số COVID-19 của IATA. Ngoài ra, gần 60 hãng hàng không đã thông báo thử nghiệm ứng dụng bao gồm ba hãng của nước ta là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways.
Theo VNDirect, chính phủ Việt Nam đang xem xét tham gia chương trình này, qua đó có thể hỗ trợ mở lại bầu trời quốc tế và nối lại các chuyến bay quốc tế.
Triển vọng phục hồi trong năm sau
Chính phủ đã lập ra các kế hoạch cụ thể trong việc nối lại giao thông hàng không trong nước và quốc tế, việc kiểm soát đại dịch và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc cũng đang đạt được nhiều kết quả khả quan. Vì vậy, VNDirect kỳ vọng ngành hàng không Việt Nam có thể dần phục hồi từ quý IV/2021 và quý I/2022.
Ngày 30/11, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành quyết định về việc nâng tần suất tối đa của đường bay trục Hà Nội - TP HCM từ 7 chuyến/ngày hiện nay lên 16 chuyến/ngày (từ 1/12) và lên 20 chuyến/ngày (từ 15/12). Tần suất các đường bay khác cũng được nâng từ 4 lên 9 chuyến mỗi ngày.
Do ảnh hưởng nặng nề của đợt bùng phát đại dịch lần thứ 4, tổng lượng khách nội địa năm 2021 của Việt Nam có thể giảm 44% và tổng lượng khách quốc tế có thể giảm 86%.
VNDirect cho rằng lượng hành khách nội địa của Việt Nam vào năm 2022 sẽ phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch và đến năm 2025 có thể đạt 140% của năm gốc 2019.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn về mức trước đại dịch trong năm 2024 và có thể đạt 127% mức trước dịch vào năm 2025.
Hộ chiếu vắc xin đóng vai trò quan trọng cho sự khởi động lại an toàn của hàng không quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi lại dưới sự kiểm soát của chính phủ.
Ngày 28/11 vừa qua, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không Việt Nam đầu tiên thực hiện chuyến bay thẳng thường lệ Việt – Mỹ. Hành trình từ Tân Sơn Nhất đến San Francisco (bang California) dài hơn 13.000 km, không có điểm dừng tiếp nhiên liệu giữa đường, được Vietnam Airlines thực hiện bằng tàu thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trong 13 giờ 45 phút.
Cơ hội dành cho hãng hàng không nào?
Trong bối cảnh giá nhiên liệu máy bay lên cao, VNDirect cho rằng các hãng hàng không giá rẻ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với các hãng bay truyền thống.
Mức tiêu thụ nhiên liệu phụ thuộc nhiều vào trọng lượng của tàu bay. Các tàu bay đường dài thường là loại thân rộng, nặng hơn và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn. Ngoài ra, với các chặng bay dài, lượng nhiên liệu cần mang theo khi cất cánh cũng nhiều hơn, nói cách khác là tàu bay còn tiêu tốn nhiên liệu để chở nhiên liệu.
Ngược lại, các chặng bay ngắn sử dụng tàu bay nhỏ sẽ tốn ít nhiên liệu hơn.
Đội bay của Vietjet chỉ bao gồm các tàu thân hẹp Airbus A320 và A321 trong khi đội bay của Vietnam Airlines có khoảng 30% là tàu thân rộng Boeing 787 và Airbus A350. Đội bay của Bamboo Airways cũng có ba chiếc thân rộng Boeing 787-9.
Vì vậy, mức tiêu thụ nhiên liệu/ASK (ghế luân chuyển) của Vietjet thấp hơn so với Vietnam Airlines, VNDirect nhận định.
Vietjet cũng có thể giảm giá vé để thu hút khách hàng, nhất là trong giai đoạn người dân đang gặp khó khăn về tài chính vì dịch bệnh kéo dài. Bên cạnh nỗ lực cắt giảm chi phí, Vietjet còn chủ động thanh lý tài sản nhằm cải thiện dòng tiền, ứng phó với đại dịch.
Dòng tiền của Vietjet đủ để hoạt động trong giai đoạn đại dịch xảy ra với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ luôn duy trì lành mạnh ở khoảng 0,66 - 0,76 lần (tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ khoảng 2 lần). VNDirect đánh giá Vietjet còn dư địa để tăng tín dụng tài trợ cho việc mở rộng đội bay khi hoạt động hàng không được nối lại.
Vietjet có kế hoạch nhận thêm hàng chục máy bay trong giai đoạn 2021-2023, do đó VNDirect tin rằng Vietjet có thể nắm bắt được sự phục hồi của hàng không Việt Nam trong giai đoạn hậu đại dịch.
Bamboo Airways hoạt động tập trung vào các điểm du lịch nên có thể sẽ được hưởng lợi từ các chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ sau đại dịch.
Ngược lại, Vietnam Airlines dự kiến bán 11 máy bay thân hẹp để giảm bớt khó khăn về tài chính. Quy mô đội bay thu nhỏ sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Vietnam Airlines khi ngành hàng không bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch, VNDirect nhận định.
Vietnam Airlines đã được cổ đông tăng vốn thêm 7.961 tỷ đồng trong đợt chào bán cổ phiếu tháng 9 vừa qua, tuy nhiên đòn bẩy tài chính vẫn rất lớn do lỗ lũy kế lên tới hơn 22.000 tỷ đồng.