Doanh nghiệp đua làm buồng khử khuẩn chống dịch COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo gì?
Doanh nghiệp đua làm buồng khử khuẩn chống dịch
Thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân đề xuất sáng kiến về các giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, nổi bật là việc sáng chế ra buồng khử khuẩn tự động.
Chẳng hạn, giữa tháng 3/2020, Viện Sức khoẻ Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã kết hợp cùng với trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáng chế ra buồng khử khuẩn toàn thân di động sử dụng dung dịch muối ion hóa.
Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho biết, buồng chỉ mất từ 15 - 20 giây để "làm sạch" toàn thân một người trước khi đi vào khu vực phòng khám. Ngoài ra, hệ thống còn được thiết kế theo dạng module nên có thể dễ dàng tháo lắp và vận chuyển. Một hệ thống sau khi lắp đặt hoàn chỉnh có thể đáp ứng công suất khử khuẩn lên tới 1.000 người/ngày.
Cũng tại Hà Nội, ngày 24/3, Cảng HKQT Nội Bài cũng đã chính thức đưa vào sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân tại Nhà điều hành.
Được biết, đây là sản phẩm của nhóm các kĩ sư trẻ của Trung tâm Dịch vụ kĩ thuật hàng không Nội Bài, Cảng HKQT Nội Bài.
Theo đó, buồng khử khuẩn toàn thân sử dụng dung dịch muối ion dạng phun sương mịn trong buồng kín, khi có người vào thiết bị cảm biến quang sẽ kích hoạt phun sương tự động trong buồng 30 giây mỗi lần.
Phun sương 360 độ đảm bảo dung dịch dạng sương phủ kín toàn thân, giúp khử khuẩn tối đa, nhanh và an toàn. Dung dịch muối ion dùng để phun diệt khuẩn là loại đã được kiểm định, được Bộ Y tế khuyên dùng, nên tác dụng diệt khuẩn của dung dịch phun vào toàn thân đã được chứng nhận.
Tại TP HCM, CEO chuỗi rửa xe tự động 5S cũng vừa nghiên cứu, sản xuất hàng loạt máy khử khuẩn tự động. Anh Nguyễn Trương Tuyến - người sáng lập Vinalinks Group đã cùng vợ chế tạo thành công buồng khử khuẩn tại đơn vị khởi nghiệp của mình.
Theo anh Tuyến, đây buồng khử khuẩn hoàn toàn tự động, người sử dụng không cần thao tác bấm nút khi bước vào. Máy sẽ nhận diện được người bước vào là mở cửa, sau đó tự động phun sương.
Trong 20 giây là vi khuẩn, virus bề mặt sẽ bị tiêu diệt. Tính cả thời gian di chuyển vào buồng là khoảng 30 giây. Một ngày công suất buồng có thể khử khuẩn cho 1.000 người.
A Tuyến cũng cho biết, sau khi thông tin về máy khử khuẩn tự động được nhiều người biết đến, mỗi ngày anh có khoảng 20 đơn đặt hàng.
Tại Vĩnh Phúc, một công ty trong khu công nghiệp Bá Thiện, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên đã chủ động chế tạo, lắp đặt buồng khử khuẩn ngay cổng ra vào; dựng vách ngăn bàn ăn để công nhân phòng chống dịch COVID-19.
Buồng khử khuẩn gồm hệ thống phun sương tự động, bơm áp lực và dung dịch hoá chất diệt khuẩn. Doanh nghiệp này cho biết, dung dịch sử dụng trong buồng khử khuẩn được pha chế theo tiêu chuẩn Bộ Y tế. Hiện tại công ty có 2 buồng khử khuẩn đáp ứng cho 800 công nhân của công ty.
Tại Quảng Ninh, hai doanh nghiệp là Công ty Cổ phần Than Hà Lầm và Công ty Than Nam Mẫu cũng vừa chế tạo thành công và đưa vào sử dụng thử nghiệm buồng khử khuẩn toàn thân.
Được biết, buồng khử khuẩn tự động do CTCP Than Hà Lầm được nghiên cứu, chế tạo trong 2 ngày, có chi phí 12 triệu đồng/1 buồng. Hiện tại, buồng khử khuẩn tự động được đặt tại cổng ra vào Công ty CP Than Hà Lầm.
Theo đó 100% cán bộ, công nhân viên và các khách hàng trước khi vào làm việc tại đơn vị sẽ phải bắt buộc khử khuẩn thông qua hệ thống buồng khử khuẩn này. Công suất hoạt động của buồng khử khuẩn tự động xử lí khử khuẩn tối đa được 9-10 người/phút.
Doanh nghiệp này cho biết đang chế tạo buồng khử khuẩn công nghiệp tự động chiều dài 9 mét với công suất khử khuẩn 250 người/phút.
Còn buồng khử khuẩn của Công ty Than Nam Mẫu sử dụng dung dịch muối ion hóa dạng phun sương mịn trong buồng kín, kết hợp thiết bị cảm biến hồng ngoại, khi có người đi vào thiết bị sẽ kích hoạt phun sương tự động 30 giây/lần.
Dung dịch sát khuẩn được phun 360 độ thông qua hệ thống vòi phun được gắn tại thân buồng khử khuẩn, đảm bảo dung dịch dạng sương phủ kín toàn thân, giúp khử khuẩn tối đa, nhanh và an toàn cho người lao động trước khi vào làm việc tại đơn vi.
Bên cạnh đó, thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng trong toàn Công ty Than Nam Mẫu.
Bộ Y tế nói gì?
Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, Bộ đã nhận được đề xuất nghiên cứu của đơn vị trực thuộc về buồng khử khuẩn toàn thân di động. Tuy nhiên, đề xuất chưa được hội đồng khoa học cấp Bộ thông qua do chưa đủ tài liệu minh chứng và cần được đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.
Cũng theo Bộ Y tế, thời gian tới Bộ Y tế xem xét và đánh giá thêm, các tổ chức, cá nhân không nên sử dụng để đảm bảo an toàn.
Thay vào đó, người dân hãy thực hiện những biện pháp dự phòng đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả như không đi ra ngoài nếu không cần thiết, nếu phải đi ra ngoài thì giữ khoảng cách với mọi người ít nhất 2m và đeo khẩu trang,…
Bộ Y tế cũng cho biết, buồng khử khuẩn toàn thân đang được đề xuất hiện nay về cấu tạo thường gồm 1 buồng (phun sương dung dịch clo hoạt tính) hoặc gồm 2 buồng nối tiếp nhau; buồng 1 phun khí ozone nồng độ 0,12ppm trong 30 giây, tiếp đến buồng 2 có phun sương (hạt sương 5µm) nước điện hóa (là dung dịch anolyte hay nước Javen, khử khuẩn bằng clo hoạt tính) trong 30 giây.
Ozone là chất gây hại cho sức khỏe con người, đặc biệt đối với người già, trẻ em và những người có bệnh đường hô hấp. Theo khuyến cáo của Viện quốc gia về Sức khỏe và An toàn nghề nghiệp Mỹ, nồng độ ozone trong không khí không được vượt quá 0,10ppm tại bất cứ thời điểm nào.
Ngoài ra, không có khuyến cáo dùng ozone để khử khuẩn quần áo, da người trong điều kiện bình thường.
"Hiện chưa có nghiên cứu nào được công bố chỉ ra dung dịch clo hoạt tính dạng phun sương có tác dụng khử khuẩn quần áo, da người trong vòng 30 giây. Clo hoạt tính dạng phun sương dễ xâm nhập vào đường hô hấp và phổi gây hại cho con người khi hít phải. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo áp dụng phương pháp phun sương trong khử khuẩn bề mặt", Bộ Y tế cho biết.