|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đón sóng đầu tư

16:55 | 09/04/2021
Chia sẻ
Các đơn hàng dệt may đang có xu hướng dịch chuyển từ Myanmar, Trung Quốc sang Việt Nam, theo BSC.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam đón sóng đầu tư - Ảnh 1.

Công nhân làm việc trong một nhà máy dệt may. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Chứng khoán BSC ra báo cáo về triển vọng ngành dệt may Việt Nam 2021, với kỳ vọng nhiều doanh nghiệp trong ngành sẽ phục hồi sau giai đoạn COVID-19. Trong đó, động lực chủ yếu đến từ các đơn hàng truyền thống, làn sóng chuyển dịch đơn hàng sang Việt Nam và mảng bất động sản.

Chuyển dịch đầu tư vào dệt may Việt Nam

Chứng khoán BSC nhận định tình hình căng thẳng tại Myanmar đã có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dệt may nước này khi một số nhà máy dệt may bị đập phá, phóng hỏa. BSC cho rằng điều này sẽ khiến các nhà bán lẻ e ngại đặt đơn hàng tại Myanmar mà sẽ tìm quốc gia thay thế khác trong giai đoạn tới.

Trong đó, Việt Nam, Bangladesh, Campuchia,... là những cái tên nhiều khả năng được chọn. Thời gian trước, theo dữ liệu BSC, ngành dệt may của Myanmar cạnh tranh với dệt may Việt Nam tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Tại thị trường EU, tỷ trọng của một số doanh nghiệp dệt may như CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) là 37% (2019),  CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã: TCM) 30% (2018). Tại thị trường Hàn Quốc, con số tương ứng lần lượt là 1,5% và 27% (2019).

Bên cạnh đó, theo chuyên viên phân tích từ BSC, sự kiện Bông Tân Cương mới đây cũng được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy quá trình dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí lao động thấp hơn, trong đó có Việt Nam.

Mặt khác, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may được kỳ vọng quay lại mức kim ngạch xuất khẩu năm 2019, trước dịch COVID-19 là 39 tỷ USD, tương ứng với mức tăng trưởng 11,4% so với cùng kỳ, một phần đến từ sự phục hồi của các đơn hàng truyền thống.

Theo BSC, tính đến hiện tại, một số doanh nghiệp dệt may cho biết các nhà máy đã kín đơn hàng đến 8/2021. Tình hình được cho là đã cải thiện so với cùng thời điểm năm ngoái khi khách hàng ngưng đặt đơn hàng mới và đơn hàng cũ bị hủy/trì hoãn giao. 

Trong năm 2021, với kỳ vọng cuộc sống trở lại bình thường, nhu cầu mua sắm của người dân sau một năm bị kìm nén sẽ tăng trưởng trở lại. Điều này giúp các hãng thời trang lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh, từ đó tác động tích cực đến các đơn hàng may truyền thống tại các nhà máy may tại Việt Nam.

Với những điều kiện thuận lợi trên, tính đến giữa tháng 3/2021, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 7 tỷ USD, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ. Riêng nửa đầu tháng 3 tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tìm kiếm tăng trưởng trong bất động sản

Bên cạnh động lực tăng trưởng đến từ sự phục hồi các đơn hàng truyền thống và làn sóng chuyển dịch mới, theo BSC, năm 2021, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực bất động sản dựa trên lợi thế quỹ đất hiện hữu.

Đơn cử, theo BSC, trong giai đoạn  2021 - 2022, TNG sẽ tập trung phát triển khu công nghiệp Sơn Cẩm. Hiện TNG đã hoàn thiện 50% diện tích của khu công nghiệp, tương đương với 35 ha. Dự kiến TNG sẽ xúc tiến việc bán hàng trong quý II/2021.

Trong dài hạn (chiến lược 10 năm) công ty dự kiến sẽ di dời một số nhà máy tại trung tâm Thái Nguyên và chuyển đổi giấy phép kinh doanh sang bất động sản chung cư, văn phòng.

Trong khi đó, TCM lại cho biết sẽ tập trung cho dự án TC1 có quy mô diện tích 9.898 m2 tại 37 đường Tây Thành, Tây Thạnh, Tân Phú. Dự án gồm 3 tòa nhà tổng cộng 650 căn hộ chung cư với giá bán 40 triệu/m2.

Trong dài hạn, TCM tập trung phát triển 2 dự án TC2 và TC3. Cả hai dự án TC2 và TC3 dự kiến đều được triển khai trên khu đất của nhà máy hiện tại. Trong đó, TC2 triển khai trên khu đất 6,6 ha, TC3 triển khai trên khu đất 1,3 ha.

CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã: GIL) trong giai đoạn 2021 - 2023, cũng sẽ tập trung triển khai khu công nghiệp Gilimex, quy mô 460,8 ha tại Thừa Thiên Huế. Tổng vốn đầu tư 2.614 tỷ đồng.

Huyền Trâm