Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, BOT đối mặt 4 thách thức lớn
Sáng nay (17/10), CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Mã: CII) tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường lần 2. Theo công bố, 95 cổ đông tham gia với số cổ phần sở hữu và đại diện sở hữu 96,9 triệu cp, chiếm tỷ lệ 34,1% số cổ phần được quyền biểu quyết, đủ điều kiện tiến hành.
Cuộc họp xoay quanh việc biểu quyết thông qua 2 tờ trình về định hướng về phát triển chiến lược giai đoạn 2024 - 2030 và điều chỉnh ngành nghề kinh doanh.
CII xác định đầu tư hạ tầng giao thông tiếp tục đóng vai trò lĩnh vực ưu tiên, dự kiến nghiên cứu đầu tư 6 dự án bao gồm: Cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2, nâng cao năng lực thông hành tại khu vực Tây Bắc TP HCM, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến giáp ranh Long An, dự án nâng cao năng lực giao thông dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng - Nguyễn Xí - Ung Văn Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh, dự án nâng cấp mở rộng trục Bắc Nam (đường Nguyễn Hữu Thọ) đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. Tổng mức đầu tư lên đến 74.822 tỷ đồng.
Nhiều cổ đông bày tỏ quan ngại về tính khả thi của việc triển khai các dự án với số tiền đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần so với quy mô tài sản công ty.
Ông Lê Quốc Bình cho hay ban lãnh đạo luôn đề cao tính cẩn trọng trong đầu tư dự án, việc triệu tập ĐHĐCĐ để thông qua chủ trương cũng nhằm mục đích này.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, mảng BOT của công ty có 7 dự án đang vận hành thu phí, dòng thu bình quân mỗi ngày (đã bao gồm VAT) đạt 7 tỷ đồng (tương đương 2.555 tỷ đồng mỗi năm). Tổng hiện giá tài sản theo phương pháp chiết khấu dòng tiền từ quý III/2023 trở đi với tỷ suất 9% đạt 23.390 tỷ đồng.
Liên quan đến việc phát triển các dự án, đại diện CII cũng nêu ra 4 thách thức công ty có thể gặp phải. Thứ nhất là rủi ro cao khi không còn được đảm bảo tỷ suất đầu tư cố định như trước đây. Công ty cho biết có thể hạn chế được rủi ro này bằng việc lựa chọn đầu tư các dự án BOT trên đường hiện hữu có mật độ giao thông lớn·
Thứ hai, việc các tổ chức tín dụng trong nước siết chặt cho vay dự án BOT. Trong tương lai, việc thẩm định cho vay của các tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn nữa do dự án BOT không còn được bảo đảm và tỷ suất lợi nhuận như trước đây.
Thứ ba, công tác đền bù giải tỏa luôn luôn là vấn đề khó khăn nhưng lại đóng vai trò quan trọng cho việc thực hiện thành công dự án PPP. Với TP HCM, việc đền bù giải tỏa lại cũng khó khăn phức tạp hơn. Cuối cùng là thách thức trong hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.
Với mối lo về năng lực tài chính của cổ đông và những thách thức vừa nêu, ông Lê Quốc Bình trấn an cổ đông rằng hoạt động nghiên cứu, triển khai các dự án không gây tác động đến việc trả cổ tức, công ty vẫn cam kết trả đều dặn 4% mỗi quý, nhờ CII có dòng tiền ổn định. Trong 2 năm trở lại đây, CII nằm trong số đơn vị luôn có dòng tiền, chưa chậm trả nợ trái phiếu.
Về quyết định của cá nhân, ông Bình cho hay bán cổ phiếu để mua trái phiếu chuyển đổi, vẫn là đầu tư vào CII. Hơn nữa, ông dự kiến sẽ mua lại với số lượng lớn hơn, có thể từ 1,5 – 2 lần so với lượng bán ra.
Tại tờ trình còn lại, CII muốn bổ sung chi tiết mã ngành 6810 “Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê”, cụ thể là không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa, để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng.
Ban lãnh đạo cho biết việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh là cần thiết để đảm bảo phù hợp với giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hiện nay của CII theo quy định tại điều lệ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hiện tại.