|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Doanh nghiệp 'đau đầu' vì chi phí logistics tăng đột biến

11:00 | 10/07/2024
Chia sẻ
Theo phản ánh của doanh nghiệp, cước vận tải biển đi một số các thị trường xa như Mỹ, EU tăng lên 7.000 – 8.000 USD/container, thậm chí còn cao hơn nữa. Trong tháng trước đó, cước phí này chỉ là từ 3.000 – 4.000 USD/container.

Chưa kịp vui mừng vì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu có sự phục hồi mạnh mẽ đạt hơn 369 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp đang phải đau đầu vì cước vận tải biển tăng rất đột biến, thậm chí là gấp đôi so với tháng trước đó.

Cước vận tải biển tăng rất đột biến 

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, trong 6 tháng vừa qua, ngành công nghiệp gỗ đã có bước phục hồi tăng trưởng đáng khích lệ với kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD, tăng trên 21% so với cùng kỳ. Một loạt các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc đều có tăng trưởng khá.

“Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu gỗ đã rơi xuống đáy và chúng tôi lo ngại con số này chỉ luẩn quẩn ở đấy đó, nhưng rất may phục hồi nhanh hơn dự báo”, ông Hoài chia sẻ.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc).

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, với sự cải thiện của kinh tế thế giới và thị trường toàn cầu, đặc biệt là với thị trường Mỹ – nơi nhiều người kỳ vọng từ tháng 9 Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất xuống nên sức mua sẽ tăng lên. Dự báo, nửa cuối năm xuất khẩu gỗ sẽ cao hơn nữa và cả năm xuất khẩu trên 16 tỷ USD.

Tuy vậy, ông Hoài cho biết, ngành gỗ cũng đang đau đầu với chuyện cước vận tải biển tăng rất đột biến. Theo phản ảnh của doanh nghiệp, cước vận tải biển đi một số các thị trường xa như Mỹ, EU tăng lên 7.000 – 8.000 USD/container, thậm chí còn cao hơn nữa, trong tháng trước đó, cước phí này chỉ là từ 3.000 – 4.000 USD/container.

“Dù chúng ta chủ yếu là xuất FOB (giá được ghi rõ trong hợp đồng mua bán hoặc hợp đồng xuất khẩu), song khi giá cước tăng cao, các nhà nhập khẩu phải đàm phán sự với nhà xuất khẩu để điều chỉnh giá cả. Điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn doanh nghiệp trong nước do sản phẩm gỗ là sản phẩm công kềnh chi phí vận tải biển lớn”, ông Hoài quan ngại.

Không chỉ cước phí tăng cao, ông Hoài cho biết thêm, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thiếu tàu biển và container rỗng để vận chuyển hàng. Trên thực tế, các doanh nghiệp phải chờ đợi rất lâu thậm chí rất khó khăn để hàng được vận chuyển đi, khiến phụ phí tại các cảng biển cũng tăng lên đáng kể. 

Nhìn nhận thực tế này, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, thời gian gần đây, chi phí logistics gắn liều với vận tải biển bị tăng lên rất nhiều. So sánh giá cước kết nối Việt Nam, Đông Nam Á sang Châu Âu hay Bờ Đông, Bờ Tây nước Mỹ hiện nay đã lên cao bằng giai đoạn COVID-19.

Nguyên nhân là do ảnh hưởng xung đột địa chính trị trên thế giới, sự khủng hoảng ở Biển Đỏ làm cho các hãng tàu mẹ thay đổi hành trình. Thay vì đi trực tiếp qua Kênh Suze thì lại phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng làm cho cung đường tăng lên khoảng trên 8.000 hải lý và thời gian kéo dài đến hai đến ba tuần.

Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp nhập khẩu trên thế giới tranh thủ xuất khẩu và nhập khẩu nhiều mặt hàng trước quyết định tăng thuế của Mỹ và châu Âu từ 1/8, làm cho nhu cầu vận chuyển tăng lên, gây tắc nghẽn cục bộ.

Điều này khiến cho kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói chung bị động và phát sinh thêm nhiều khoản phụ phí từ các hãng tàu đưa ra. Có trường hợp doanh nghiệp đã giao hàng lên tàu hai tuần mới nhận được đề nghị tăng phụ phí, ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp.

Chưa kể, từ việc tăng thời gian vận chuyển cũng kéo theo tình trạng thiếu container rỗng để đóng hàng, ảnh hưởng đáng kể đến thời gian giao, nhận hàng của nhiều doanh nghiệp trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. 

Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam. (Nguồn: Nguyễn Ngọc). 

Chuyển hướng thị trường gần gũi hơn 

Về phía Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu cho biết, thời điểm hiện tại, tắc nghẽn Biển Đỏ làm cho các lô hàng đi châu Âu và Bắc Mỹ đã gây ra tắc nghẽn dây chuyền tại một số cảng của Châu Á, đặc biệt là ở Singapore, khiến làm tăng thêm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp ở khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, đây chỉ là hiện tượng thời điểm. Theo ông Hải, sau khi hết nghẽn, giá cước vận tải sẽ được ổn định trở lại, còn các khoản phụ phí, cơ quan chức năng cũng làm việc với các hãng tàu để đưa các khoản phí đó vào khuôn khổ, tăng từng trường hợp và không ở mức quá cao, quá vô lý với các chủ hàng.

Cũng theo ông Hải, hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam luôn gắn chặt với hoạt động logistics quốc tế. Những biến động như trong giai đoạn dịch COVID-19, sự cố Kênh đào Suez và hiện nay ở khu vực Biển Đỏ… cho thấy những yếu tố bất ổn trên thị trường thế giới.

Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát tình hình trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. “Một số doanh nghiệp coi bảo hiểm là chi phí không cần thiết nhưng thực tế đây luôn là một yếu tố để giúp cho doanh nghiệp có biện pháp phòng, chống rủi ro, giảm thiệt hại”, ông Hải lưu ý.

Còn theo ông Ngô Sỹ Hoài, ngoài đàm phán với các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang giảm tiết giảm chi phí sản xuất, chuyển đổi theo hướng sản có giá trị gia tăng hơn và đa dạng hóa thị trường gần chúng ta hơn.

“Chúng ta còn thị trường khác như vậy như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, NewZealand là những thị trường gần gũi hơn, chi phí vận tải thấp hơn”, ông Hoài gợi ý.

Về phía Hiệp hội, ông Lê Quang Trung cho biết, các doanh nghiệp logistics cũng đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bằng biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị nhằm tiết kiệm chi phí trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trong hoạt động vận tải nội địa, hay tìm ra một số phương thức vận chuyển khác như vận tải đường sắt, đường hàng không kết hợp đa phương thức…

Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cũng đang tiếp tục đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong ngành logistic, đồng thời hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ các ngành riêng biệt như hàng nông sản, hàng thực phẩm, hàng công nghiệp chế biến, hệ thống kho chuyên biệt (kho lạnh, container lạnh và hệ thống quản trị hiệu quả trên nền thương mại điện tử…).

Trong 6 tháng cuối năm, ông Trung cho rằng, với sự đồng hành của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics, vận tải và sản xuất trong việc điều chỉnh lại kế hoạch vận chuyển thì giá cước vận tại biển và các chi phí gián tiếp đang dần xu hướng giảm xuống.

“Tôi cho rằng, giá cước vận tải biển đã đạt đỉnh, các hãng tàu đang nỗ lực điều chỉnh kế hoạch giá, bình ổn theo hướng giảm xuống”, ông Trung nêu rõ.

Ngọc Bảo

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.