Doanh nghiệp bất động sản đầu tiên có dòng tiền kinh doanh dương trở lại, vượt mốc 1.200 tỷ
Theo BCTC hợp nhất quý IV/2024 vừa được công bố, CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) đạt 6.369 tỷ đồng doanh thu thuần và 497 tỷ đồng lãi ròng trong quý cuối năm, gấp 4 lần doanh thu và gấp 2 lần lợi nhuận so với cùng kỳ. Biên lãi gộp duy trì ở mức 42% tương đương cùng kỳ.
Theo thông tin do lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ trước đó, công ty đã bàn giao vượt kế hoạch 1.400 sản phẩm thuộc dự án Akari City giai đoạn 2, dự kiến thu được 45% giá trị hợp đồng và bổ sung dòng tiền ngay trong năm tài chính 2024.
Bên cạnh đó, Nam Long đã bàn giao 179 căn hộ EHomeS Nam Long II Cần Thơ trong tháng 10 và tiếp tục mở bán Nam Long II Central Lake vào giữa tháng 11, thu được 95% giá trị hợp đồng tại thời điểm bàn giao, doanh số ước tính khoảng 600 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2024, Nam Long đạt gần 7.200 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi ròng hơn 512 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 126% doanh thu và 6% lợi nhuận so với cùng kỳ; vượt 8% kế hoạch doanh thu và vượt 1% kế hoạch lợi nhuận năm. Biên lãi gộp giảm từ 49% về 43%.
Dòng tiền kinh doanh trong năm chính thức dương trở lại sau hai năm âm liên tục, ghi nhận hơn 1.200 tỷ đồng. Dòng tiền thuần dương 2.900 tỷ đồng.
Các trái chủ phần lớn là công ty bảo hiểm
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản ghi nhận trên 30.300 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là tồn kho gần 18.000 tỷ, tiền và tương đương tiền hơn 5.440 tỷ (gấp 2 lần), các khoản phải thu ngắn hạn khoảng 2.630 tỷ (giảm 28%), đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hơn 1.790 tỷ (giảm 19%).
4 dự án có giá trị tồn kho trên nghìn tỷ đang được Nam Long ghi nhận gồm Izumi, Waterpoint giai đoạn 1, Waterpoint giai đoạn 2, dự án Cần Thơ. Riêng tồn kho tại dự án Akari giảm mạnh từ 1.700 tỷ về còn hơn 300 tỷ.
Công ty có khoản tiền gửi hơn 4.000 tỷ đồng tại ngân hàng có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng với lãi suất dao động 2,9 - 5,5%/năm.
Các khoản đầu tư trong công ty liên doanh, liên kết đều là các doanh nghiệp dự án do Nam Long liên doanh với đối tác ngoại, trong đó có dự án Nam Long Đại Phước (45 ha) ở Nhơn Trạch, Đồng Nai và Mizuki Park (26 ha) ở huyện Bình Chánh, TP HCM.
Tổng nợ phải trả trên 15.740 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm. Trong năm, Nam Long vay mới 4.860 tỷ đồng, trả nợ gốc gần 4.000 tỷ đồng và lãi vay đã trả khoảng 513 tỷ đồng.
Tổng dư nợ vay còn lại tại thời điểm cuối năm gần 7.000 tỷ đồng, tăng khoảng 900 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng gần 2.400 tỷ, dư nợ trái phiếu hơn 3.600 tỷ đồng.
Các khoản vay tín dụng của Nam Long có lãi suất dao động 4 - 9,5%/năm, tùy ngân hàng và kỳ hạn. Trong đó, có 5 khoản vay tín chấp tại VIB, Vietcombank, ba cá nhân (dưới 100 tỷ đồng mỗi khoản vay) chịu lãi suất 4 - 7%/năm.
Các khoản vay còn lại đều có tài sản bảm đảm là quyền sử dụng đất, các khoản phải thu còn lại của hợp đồng thi công. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) hiện là ngân hàng cho Nam Long vay nhiều nhất với tổng dư nợ xấp xỉ 1.740 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu do Nam Long phát hành có lãi suất 6,5 – 10,11%/năm, được bảo đảm bằng cổ phần doanh nghiệp dự án và quyền sử dụng đất. Trái chủ chủ yếu là các công ty kinh doanh bảo hiểm như Manulife, AIA, Generali, FWD, Sun Life, Bảo hiểm Bưu điện (PTI).
TCBS là tổ chức thu xếp, đồng thời là trái chủ nắm giá trị trái phiếu lớn nhất 1.950 tỷ đồng (3 lô), kế đến là GuarantCo - công ty dịch vụ bảo lãnh đa quốc gia – thu xếp phát hành 660 tỷ đồng, VNDirect thu xếp phát hành 550 tỷ đồng…
Ngoài ra, tiền khách hàng mua dự án trả trước cho Nam Long giảm khoảng 800 tỷ về còn hơn 3.000 tỷ. Phần giảm được thuyết minh là tiền Nam Long nhận tạm ứng chuyển nhượng cổ phần.