|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Định vị lại vai trò kinh tế tư nhân

10:46 | 08/09/2018
Chia sẻ
Sau một kỳ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 không thực sự thành công, do có nhiều chỉ tiêu không đạt kế hoạch, thì dường như 5 năm cuối của Chiến lược 2011 - 2020, bức tranh kinh tế đã sáng hơn.

Tuy vậy, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần phải định vị lại vị thế của từng loại hình doanh nghiệp, từng thành phần kinh tế trong nền kinh tế. Theo ông Cung, điều kiện cần thiết nhất vẫn là thay đổi tư duy về các thành phần kinh tế để tạo ra được làn sóng cải cách mới.

dinh vi lai vai tro kinh te tu nhan

Đóng góp của Doanh nghiệp tư nhân vào phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017)

Doanh nghiệp tư nhân đóng góp cao hơn DNNN

Hơn hai năm qua, theo đánh giá của CIEM, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức tương đối cao. Đây là kết quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Về mặt đóng góp của các thành phần kinh tế, có thể thấy doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI đang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng của tăng trưởng thông qua tỷ lệ đóng góp của hai khu vực này vào tăng trưởng.

Đơn cử như trong số 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất được công bố, thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chiếm tới 460 doanh nghiệp và đóng góp tới 34% số thuế. Nếu so với DNNN thì số thuế các doanh nghiêp tư nhân đóng cao hơn.

Bởi đơn giản, cho đến nay, tuy vẫn được coi là “chủ đạo”, nhưng các DNNN có nhiều dấu hiệu cho thấy đang giảm dần vai trò. Chỉ xét riêng khía cạnh đầu tư, thì trong 6 tháng đầu năm 2018, đầu tư nhà nước dù có tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với đầu tư xã hội, nhất là đầu tư của các DNNN. Rất có thể điều này do những tâm lý e ngại trách nhiệm liên quan tới cuộc chiến chống tham nhũng đang được Tổng Bí thư và cả hệ thống chính trị đẩy mạnh. Nhưng mặt khác, lý do cụ thể hơn nằm ở vấn đề “quá trình chuyển đổi” đã diễn ra quá lâu mà chưa biết khi nào kết thúc.

Cũng rất có thể do thể chế đầu tư công vốn đã có chất lượng thấp và chậm được cải thiện. Quá trình lựa chọn các dự án đầu tư đã không thể đạt chất lượng cao, kéo theo việc thẩm định dự án cũng kém. Giám sát tài sản vốn đã kém, cộng thêm chiến lược ngành quốc gia về phát triển cũng kém làm cho tính minh bạch của đầu tư, tài khóa cũng không có chất lượng cao. IMF đã đánh giá như vậy.

Từ những lý do như thế, trong tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu DNNN được coi là một nhiệm vụ trọng tâm. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành trong quá trình này. Từ việc thoái vốn, cổ phần hóa đến việc xử lý các dự án thua lỗ.

Cân đối lại nguồn lực

Nhưng dường như đang có cách làm ngược ở đây. Bởi nguyên lý cơ bản mà bất kể ai có chút kiến thức về đầu tư kinh doanh cũng có thể thấy: đó là đồng vốn chỉ có thể sinh lời nếu được “ném” vào những nơi hiệu quả. Nhưng trong suốt nửa nhiệm kỳ, có vẻ việc xử lý các dự án, DNNN thua lỗ, kém hiệu quả được đặt lên hàng đầu thay vì phải tập trung đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển. Đây có thể là “hệ quả” do sự thất bại của các “quả đấm thép” gây ra. Bởi sau hàng loạt sự thất bại của các công ty mang thương hiệu “Vina…”, thì sự can thiệp hành chính của nhà nước dường như được tăng cường đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNN. Trong khi đó, lẽ ra việc cần phải làm là phải thiết kế một sân chơi thị trường đầy đủ. Ở đó, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được tôn trọng tuyệt đối.

Tái cơ cấu kinh tế, vì thế, bên cạnh các cải cách vĩ mô khác, thì tái cơ cấu DNNN và thể chế đầu tư là rất quan trọng. Nó sẽ cho phép nguồn lực xã hội, nguồn lực nhà nước được phân bổ thị trường hơn. Bởi từ trước tới nay, thị trường vốn đang bị méo mó bởi những “quan hệ thân hữu”. Đất đai, hay còn gọi là “quyền sử dụng đất” chưa trở thành thị trường mà đôi khi là hệ quả của ban phát. Chính sách thì “sớm nắng chiều mưa” khiến doanh nghiệp và người dân không thể “tiên lượng”.

Tái cơ cấu kinh tế, vì thế, cần phải có những trọng tâm về thể chế đầu tư và khuyến khích liêm chính. Khi đó, “xin - cho” sẽ vắng bóng, “sân trước, sân sau” sẽ không còn là vấn nạn, minh bạch sẽ lên ngôi và công khai sẽ là động lực cho cả nền kinh tế.

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM: Tạo động lực bền vững để tái cơ cấu thành công

Để tái cơ cấu nền kinh tế thành công, tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, chúng ta phải thay đổi tư duy, phải đổi mới pháp luật… Đặc biệt, dứt khoát cần phải có nhà nước kiến tạo. Hơn nữa, để tạo động lực cho tăng trưởng, chúng ta cần phải sử dụng vốn một cách có hiệu quả, đồng thời dứt khoát phải có lao động tay nghề có kỹ năng.

Thêm vào đó, chúng ta cần tạo môi trường kinh doanh thật tốt để khuyến khích, tận dụng tối đa trí tuệ của người Việt trong nước. Điều này là việc cần làm ngay trước khi chúng ta hô hào, kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài về nước đóng góp xây dựng quê hương.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng: Cần cơ quan độc lập đánh giá hiệu quả tái cơ cấu

Trong chỉ tiêu tái cơ cấu, cần làm rõ chúng ta đã phải bỏ ra chi phí bao nhiêu để tái cơ cấu, số tiền là bao nhiêu. Cái này rất quan trọng và cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, cũng làm rõ chi phí cơ hội của tái cơ cấu, chuyển đổi. Làm rõ nếu chúng ta chậm ban hành hoặc không sửa đổi chính sách thì sẽ kéo giảm sự phát triển đất nước như thế nào? Chúng ta cũng cần làm rõ 4 điểm so sánh với thế giới là: Chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực kinh doanh, đổi mới sáng tạo và chi phí logistics, để từ đó làm rõ khoảng cách của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.

Huyền Trang ghi

Xem thêm

Đại Dương