|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Digitimes: Rút chân khỏi nhiều mảng kinh doanh, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang tất tay với xe điện

07:53 | 21/01/2022
Chia sẻ
Tập đoàn Vingroup đã từ bỏ nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng không, điện thoại di động,... thậm chí từ bỏ cả xe xăng để tập trung phát triển thương hiệu xe điện VinFast.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng kỳ vọng giành được sự công nhận toàn cầu với thương hiệu xe điện VinFast - Ảnh 1.

Một mẫu xe điện mới được ra mắt gần đây của VinFast. (Ảnh: VinFast).

Ráo riết đưa VinFast bước vào cuộc đua xe điện

Mới đây trên tờ Digitimes đã có bài bình luận về tham vọng xe điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup.

Tập đoàn Vingroup là công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản và bán lẻ, hiện đang thúc đẩy các khoản đầu tư vào lĩnh vực xe điện với VinFast. Trong thời gian gần đây, hãng xe của tập đoàn Vingroup đã tuyên bố sẽ dừng sản xuất xe xăng để tập trung hoàn toàn cho lĩnh vực xe điện.

Vào cuối tháng 7/2021, hãng xe Việt đã bổ nhiệm cựu Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Volkswagen của Mỹ, ông Michael Lohscheller làm Giám đốc điều hành toàn cầu và bắt đầu thiết lập các địa điểm tại thị trường châu Âu và Mỹ. 

Vào tháng 8, tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập Công ty Giải pháp Năng lượng VinES, trong đó Vingroup góp 51% vốn. Mục đích của VinES là đáp ứng nhu cầu độc lập về pin trong tương lai cho xe điện VinFast. 

Đến cuối năm 2021, VinFast đã tung ra thị trường 5 mẫu xe điện hoàn toàn mới. Ngay sau đó, vào đầu năm 2022, bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành mới được bổ nhiệm của VinFast toàn cầu, tuyên bố sẽ ngừng sản xuất ô tô chạy bằng nhiên liệu vào cuối năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền mới đây, ông Phạm Nhật Vượng cho biết đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của VinFast. Tuy nhiên, ông cho biết đại dịch cũng đã cung cấp cho công ty động lực cần thiết để chuyển đổi và phát triển xe điện.

Công ty đã có 6 tháng để tập trung vào nghiên cứu và phát triển xe điện tại Nha Trang khi các đối thủ của họ buộc phải tạm dừng hoạt động do đại dịch. Theo lãnh đạo Vingroup, đó là cách VinFast có thể tung ra 5 mẫu xe điện vào năm 2021 và nhận được sự chấp nhận của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.

Từ bỏ nhiều mảng kinh doanh để tập trung vào ô tô

Quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực xe điện của ông Phạm Nhật Vượng được thể hiện rõ ràng khi vị tỷ phú này quyết định chuyển hướng đầu tư tại các dự án khác. Ông Phạm Nhật Vượng chỉ mới thành lập hãng hàng không Vinpearl Air vào cuối năm 2019 và đã được rót vốn thành công.

Tuy nhiên, vào tháng 1/2020, ông thông báo kế hoạch phát triển ngành hàng không đã bị loại bỏ. Vào thời điểm đó, triển vọng của ngành hàng không Việt Nam rất hứa hẹn, theo Digitimes.

Ngay sau đó, vào tháng 5/2020, lãnh đạo Vingroup tiếp tục tuyên bố VinSmart sẽ ngừng sản xuất điện thoại di động và bắt đầu giúp VinFast phát triển xe điện. VinSmart được thành lập vào năm 2018 và đứng thứ ba trên thị trường điện thoại di động phổ thông của Việt Nam. Mới nhất, VinFast đã thông báo ngừng sản xuất ô tô chạy bằng xăng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết Vingroup nhanh chóng nhận ra rằng xe điện mới là tương lai của thế giới. Ông nhấn mạnh rằng ở giai đoạn hiện tại, việc cần làm là nên đi thẳng vào thị trường xe điện hơn là tham gia vào xe điện hybrid. 

Tất nhiên, VinFast vẫn phải tìm ra cách tốt nhất để làm được điều này mà không làm tổn hại đến quyền lợi của các khách hàng hiện tại. Ông nói thêm, chừng nào dịch vụ và chất lượng phục vụ vẫn giữ nguyên, mức giá xe ô tô niêm yết đã bán sẽ không giảm.

Để xoa dịu tâm lý của những khách hàng mua xe xăng, VinFast cho biết sẽ giữ nguyên cam kết dịch vụ ban đầu, thậm chí kéo dài thời hạn bảo hành lên 10 năm, tăng dịch vụ bảo dưỡng lưu động và tăng lượng hàng tồn kho linh kiện lên 50%.

Cơ hội nào cho VinFast?

Tỷ phú Vượng ước tính VinFast sẽ phải chịu lỗ trong 5 năm và đến nay hãng xe này đã đi được nửa quãng đường ấy. Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, hai năm nữa VinFast sẽ có lãi. 

Tuy nhiên, lợi nhuận này sẽ đến từ thị trường quốc tế. Thị trường nội địa vẫn sẽ thâm hụt do tại Việt Nam, VinFast cũng phải trả các chi phí liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng xe điện.

Cho đến nay, VinFast đã thiết lập 40.000 trạm sạc tại Việt Nam, dự kiến sẽ tăng lên 150.000 vào cuối năm 2022. Đây là một khoản đầu tư đáng kể nhưng lãnh đạo Vingroup vẫn quyết tâm thực hiện.

Khi được hỏi tại sao lại có xe điện, ông Phạm Nhật Vượng nhấn mạnh Việt Nam phải có ít nhất một thương hiệu được công nhận trên toàn cầu. Vingroup đã thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau và nhận thấy VinFast và xe điện có tiềm năng nhất, ngay cả khi quá trình này không hề dễ dàng.

Năm 2019, tổng doanh thu từ tất cả các lĩnh vực của Vingroup đạt 130.000 tỷ đồng (5,7 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế đạt 7.700 tỷ đồng và tổng cộng 67.000 ô tô và xe máy điện được bán ra. 

Năm 2020, tổng doanh thu giảm xuống 110.000 tỷ đồng do đại dịch COVID-19, với lợi nhuận sau thuế đạt 4.500 tỷ đồng. Công ty đã bán được 31.000 ô tô và 45.000 xe máy điện vào năm 2020. Vingroup vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2021, nhưng số liệu gần nhất cho thấy, doanh thu trong quý III/2021 lên tới 3.300 tỷ đồng.

Quốc Anh