|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga chưa từng bán Alaska cho Mỹ với giá 7,2 triệu USD?

12:41 | 24/10/2022
Chia sẻ
Ngày 18/10 vừa qua, người dân Alaska đã làm lễ kỷ niệm 155 năm ngày tiểu bang này được Nga chuyển giao cho Mỹ. Nhiều người đã đặt câu hỏi: Lịch sử thế giới sẽ thay đổi như thế nào nếu Alaska vẫn thuộc Nga? Tờ Newsweek đã liên hệ với một số nhà sử học và một số câu trả lời có thể khiến bạn ngạc nhiên.

Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower ký tuyên bố thừa nhận Alaska là tiểu bang thứ 49 vào ngày 3/1/1959. (Ảnh: AP) 

Vào tháng 3/1867, Mỹ đã trả cho Nga 7,2 triệu USD (tương đương khoảng 145 triệu USD hiện nay) để mua Alaska. Ngày 18/10/1867, Mỹ chính thức nắm quyền kiểm soát khu vực rộng hơn 1,7 triệu km2 này, song đến năm 1959, Alaska mới chính thức trở thành bang có diện tích lớn nhất của Mỹ.

Sau khi sở hữu Alaska, Mỹ phát hiện vùng đất lạnh lẽo này có các mỏ vàng, than, dầu, khí đốt khổng lồ, trị giá nhiều tỷ USD.

Theo các nhà sử học, nếu Nga không bán Alaska cho Mỹ, Alaska có thể đã trở thành vùng đất tranh chấp giữa Nga và Anh và nếu người Nga duy trì quyền kiểm soát Alaska trong Chiến tranh Lạnh, vùng đất này có thể trở thành một căn cứ hạt nhân của Liên Xô và làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. 

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Anh

Về vụ mua bán năm 1867, bà Jo Antonson của Hiệp hội Lịch sử Alaska cho biết trước tâm lý thù địch của Nga đối với Anh, sự hiện diện của Mỹ tại Alaska ngày càng tăng. 

Trả lời tờ Newsweek, bà Antonson nói: "Nga không muốn bán Alaska của mình cho người Anh sau Chiến tranh Crimea (1853-1856). Song, Nga cũng không muốn tiếp tục đầu tư vào Alaska”. 

Giáo sư Songho Ha, một chuyên gia lịch sử tại Đại học Alaska Anchorage, nói với tờ Newsweek rằng nếu không có vụ mua bán năm 1867, việc Alaska nằm dưới sự kiểm soát của Anh là điều chưa chắc sẽ xảy ra.

Khi được hỏi về kịch bản Alaska có thể gây ra chiến tranh giữa Nga và Anh, nếu Nga không bán vùng đất này cho Mỹ, ông Ha nói: “Tôi không chắc một trong hai quốc gia cho Alaska là đủ quan trọng để khởi động một cuộc chiến. Nếu Alaska quan trọng đến thế, Nga đã không bán cho Mỹ với cái giá rẻ mạt như vậy.”

Alaska là bang có diện tích lớn nhất nước Mỹ.

Kho vũ khí hạt nhân 

Trong trường hợp Alaska vẫn thuộc Nga, cả bà Antonson và ông Ha đều nhất trí rằng Alaska có thể trở thành kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. 

Theo ông Ha, một Alaska của Nga được quân sự hóa có thể sẽ củng cố chủ nghĩa dân tộc của Mỹ. 

Bà Antonson nói: “Alaska quan trọng đối với Mỹ vì đường bờ biển của vùng đất này nằm trên Bắc Băng Dương và nắm vị trí chiến lược trong Chiến tranh Lạnh”. 

Nếu Alaska trở thành kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô, Mỹ sẽ đổ tiền để xây dựng đường biên giới Canada-Alaska bằng quân đội và vũ khí hạt nhân để đề phòng Liên Xô. Mỹ đã từng có hành động tương tự tại các khu vực khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Giáo sư Ha nhấn mạnh Mỹ có thể phản ứng "mạnh mẽ" trước một Alaska do Liên Xô kiểm soát trong Chiến tranh Lạnh, làm tăng khả năng xảy ra một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Washington và Moscow. 

Ông Ha nói: "Trong lịch sử, Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ với những gì mà nước này coi là nguy hiểm đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, như việc Mỹ tham gia vào nhiều cuộc chiến tranh với người dân bản địa hay can dự vào Cách mạng Mexico, Cuba. Nếu Nga duy trì quyền kiểm soát Alaska trong suốt thế kỷ 20, Mỹ có thể sẽ đáp trả mạnh mẽ như đã làm ở những nơi khác." 

Nga gần biên giới bang Alaska của Mỹ. (Ảnh: The Economist)

Nga cần Alaska? 

Trả lời một cuộc phỏng vấn năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này không quan tâm đến việc giành lại bang lớn nhất của Mỹ dù điều này có thể khiến người Nga thấy vui. 

Theo The Washington Post, ông Putin cho biết Nga đã bán Alaska cho Mỹ trong thế kỷ 19, Pháp cũng bán Louisiana cho Mỹ trong cùng thời gian. Hơn 1,7 triệu km2 đã được bán với giá 7,2 triệu USD, Ông Putin đánh giá con số này không phải là một cái giá đắt đỏ và người dân không nên tỏ ra quá hứng thú với Alaska. 

Tuy nhiên vào tháng 7/2022, hai quan chức Nga đã nêu ra khả năng đòi lại Alaska. Ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, cho biết Moscow có thể lấy lại lãnh thổ để đáp trả các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt sau cuộc xung đột tại Ukraine. 

Trả lời hãng tin AP, ông Volodin nói: “Khi các nhà lập pháp Mỹ cố gắng thu giữ tài sản của chúng tôi ở nước ngoài, họ nên biết rằng chúng tôi cũng có một số thứ để đòi lại.”

Trước đó, ông Volodin đã gợi ý rằng Moscow có thể thu giữ tài sản Nga của các quốc gia "thù địch" để trả đũa việc Mỹ bán tài sản bị tịch thu của các nhà tài phiệt Nga để tái thiết Ukraine.

Trà My