|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì sao quân đội Mỹ bị đánh giá là 'yếu', khó thắng nổi xung đột lớn?

07:02 | 23/10/2022
Chia sẻ
Theo báo cáo mới nhất từ Quỹ Di sản (Heritage Foundation), một viện nghiên cứu nổi tiếng có trụ sở tại Washington, quân đội Mỹ đang trở nên yếu đi khi không kịp hiện đại hóa, duy trì thiết bị, nhân lực và thiếu hụt ngân sách.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tham gia tập trận với Hải quân Hàn Quốc hôm 29/9. (Ảnh: AP).

Theo Wall Street Journal, người Mỹ tin rằng quân đội của họ là bất bại nếu các chính trị gia không can thiệp. Sự thật là quyền lực cứng của Washington đã không còn như xưa. Chỉ số Sức mạnh Quân đội Mỹ 2023 vừa được Quỹ Di sản (Heritage Foundation) công bố đã mô tả một xu hướng đáng lo ngại với Washington. 

Theo tổ chức này, Mỹ có thể sẽ không chiến thắng nổi một cuộc xung đột với Trung Quốc và Nga khi Lầu Năm Góc gặp khó khăn trong việc trang bị đầy đủ cho lực lượng quân đội. Nhiều năm thiếu ngân sách và “xác định ưu tiên kém” đã khiến cho quân đội Mỹ trở nên “yếu tương đối so với yêu cầu cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia trên trường quốc tế”.

“Quân đội Mỹ hiện nay đang đối mặt với rủi ro đáng kể trong việc không thể đáp ứng nổi nhu cầu của một cuộc xung đột khu vực lớn”, báo cáo cho biết. “Lực lượng Mỹ nhiều khả năng sẽ không thể làm nhiều hơn và chắc chắn không đủ trang bị để xử lý đồng thời [hai xung đột lớn]”.

Đồng thời báo cáo cho biết, khả năng Mỹ phải chiến đấu ở hai mặt trận ngày càng tăng lên khi Nga vẫn tiếp tục giao tranh ở Ukraine và Trung Quốc đang gây nhiều áp lực tại Thái Bình Dương. “Nhìn chung, thế trận quốc phòng của Mỹ có thể được đánh giá là ‘yếu’”, báo cáo kết luận.

Quỹ Di sản đã hạ xếp hạng quân đội Mỹ từ mức “trung bình” xuống còn “yếu”. Đây là lần đầu tiên trong 9 năm tồn tại của chỉ số này, quân đội của Washington bị hạ xuống hạng “yếu”.

Hai lực lượng quan trọng nhất với khả năng tác chiến ở xa của Mỹ là Hải quân và Không quân đang bị đánh giá ở mức "yếu" và "rất yếu". 

Hai lực lượng quan trọng nhất với khả năng viễn chinh của Mỹ là Hải quân và Không quân đang bị đánh giá ở mức "yếu" và "rất yếu".

Sức mạnh suy yếu

Theo Quỹ Di sản, ngân sách của Lầu Năm Góc đang không theo kịp với lạm phát, và các nhánh của quân đội đang phải lựa chọn giữa việc hiện đại hóa, duy trì quân số cao hoặc sẵn sàng chiến đấu. Sự suy yếu đặc biệt trầm trọng với Hải quân và Không quân.

Hải quân

Trong nhiều năm, Hải quân đã tuyên bố cần mở rộng hạm đội lên 350 tàu, và tăng thêm nhiều nền tảng không người lái khác nhau. Tuy vậy, theo báo cáo, Hải quân Mỹ "từ lâu đã bất lực trong việc ngăn cản và đảo ngược quá trình suy giảm của hạm đội”. 

Một phân tích cho thấy Hải quân Mỹ đã không đạt mục tiêu đóng 10 tàu chiến mỗi năm trong suốt 5 năm qua. 

Hải quân Nga và Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Mỹ về số tàu chiến từ năm 2005, và ngày càng nới rộng khoảng cách.

Từ năm 2005 tới 2020, hạm đội của Mỹ tăng từ 291 tàu lên 296 tàu. Cùng thời gian đó, Trung Quốc tăng từ 216 tàu lên 360. Lợi thế công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ cũng đang bị thu hẹp. Bắc Kinh đã làm chủ hệ thống phóng máy bay điện từ, tương tự như tàu sân bay tối tân lớp Gerald R. Ford của Mỹ.

Hải quân Mỹ muốn đóng ba tàu ngầm lớp Virginia mỗi năm, và Mỹ vẫn có ưu thế hơn so với Bắc Kinh ở những loại tàu tấn công nhanh.

Tuy vậy, ngành công nghiệp đóng tàu của Washington đã suy yếu khi nhu cầu giảm. Các xưởng bảo dưỡng của Hải quân đang trong tình trạng quá tải. Vận hành hạm đội ở cường độ quá cao đã dẫn tới tình trạng chậm trễ và tồn đọng tại các xưởng bảo dưỡng.

Vào tháng 6, khoảng 1/3 trong số 298 tàu đã được triển khai, gấp đôi so với mức trung bình thời Chiến tranh Lạnh. Đến năm 2037, dự kiến hạm đội của Mỹ sẽ bị thu hẹp chỉ còn 280 tàu.

Không quân

Theo báo cáo, tình trạng của Không quân còn tồi tệ hơn. Nhánh quân đội này được đánh giá “rất yếu”. “Phi đội già cỗi và tình trạng đào tạo, duy trì phi công kém” đã tạo ra một Không quân “sẽ gặp khó khăn lớn với các đối thủ ngang hàng”.

Lực lượng máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đang thu hẹp lại chỉ còn 40% so với phi đội của Mỹ vào những năm 1980.

Không quân đã chậm trễ trong việc mua sắm các máy bay F-35 nhằm hiện đại hóa và bù đắp cho phi đội nhỏ hơn. Khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng tương đối thấp, chỉ khoảng 50% với máy bay F-22.

Tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của máy bay Mỹ không đạt mục tiêu 80%.

Quỹ Di sản cho biết Không quân đã “từ bỏ ảo tưởng” hướng tới mục tiêu 80% máy bay sẵn sàng chiến đấu. Kho đạn dược cũng “nhiều khả năng không đủ để chống lại các đối thủ ngang hàng trong vài tuần”. Các loại đạn thay thế có thể cần tới 24 đến 36 tháng để sản xuất.

Tình trạng thiếu phi công “tiếp tục ảnh hưởng tới [Không quân]” và “thế hệ phi công hiện tại, những người tích cực bay trong 7 năm qua, vẫn chưa đạt được tỷ lệ bay tốt”.

Vào năm 2021, số giờ bay của các phi công Mỹ chỉ là 10 giờ, tăng hơn so với con số 8,7 giờ của năm 2020. Tuy vậy, những con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu là 200 giờ bay/năm (17 giờ bay/tháng) để đương đầu với các đối thủ đáng gờm.

Số giờ bay của phi công Mỹ đang sụt giảm mạnh trong hai năm qua do đại dịch COVID.

Lục quân

Lục quân Mỹ cũng không khá hơn nhiều so với các nhánh khác. Do lạm phát và ngân sách không tăng, sức mua của nhánh này sẽ giảm đi 59 tỷ USD trong giai đoạn từ 2021 đến 2023. Việc Lục quân Mỹ suy giảm số lượng binh sĩ không phải là lựa chọn có chủ đích, mà do không thể tuyển đủ binh sĩ. Vào năm 2022, Lục quân đang thiếu khoảng gần 20.000 người.

 

Trong năm 2023, Lục quân Mỹ được đánh giá là “trung bình”. Nhánh này đã cam kết sẽ hiện đại hóa lực lượng để đối đầu với các cường quốc. Tuy vậy, các chương trình vẫn trong quá trình phát triển và cần vài năm nữa để sẵn sàng.

Lục quân đang “già đi” nhanh hơn tốc độ hiện đại hóa. Về lực lượng, nhánh này vẫn ở mức “yếu” do chỉ có 62% quân số. Tuy vậy, mức độ sẵn sàng của Lục quân được đánh giá là “rất mạnh”.

Thủy quân lục chiến

Thủy quân lục chiến (lính thủy đánh bộ) có điểm số cao nhất, tăng từ “trung bình” lên "mạnh" vào năm 2022 và tiếp tục giữ vững phong độ trong năm 2023. Thủy quân lục chiến là nhánh duy nhất có kế hoạch thay đổi, tái tổ chức cho một cuộc chiến tại Thái Bình Dương.

Tuy vậy, quy mô của lực lượng này đang giảm xuống chỉ còn 21 tiểu đoàn, so với 27 tiểu đoàn vào năm 2011. Hoạt động của Thủy quân lục chiến cũng phải phụ thuộc vào loại tàu đổ bộ mới mà Hải quân có thể sẽ không cung cấp được.

Không gian và hạt nhân

Lực lượng Không gian được đánh giá là “yếu” khi không đủ khả năng để theo dõi và kiểm soát sự phát triển bùng nổ của các hệ thống thương mại và quốc gia đối thủ trên quỹ đạo Trái Đất.

Phần lớn các thiết bị của lực lượng này đã vượt quá tuổi thọ, các nỗ lực hiện đại hóa đang diễn ra chậm chạp. Lực lượng này cũng thiếu khả năng phòng thủ và phản công trong không gian.

Năng lực hạt nhân của Mỹ được Quỹ Di sản đánh giá là “mạnh”. Các quan chức cao cấp tiếp tục đảm bảo sự sẵn sàng và tin cậy của lực lượng hạt nhân của Mỹ. Lưỡng đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng có những cam kết nhằm hiện đại hóa toàn bộ lĩnh vực này.

Với ngân sách 800 tỷ USD, tại sao Lầu Năm Góc vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu của quân đội. Hiện Mỹ đang chi 3% GDP cho quốc phòng, so với 5-6% vào những năm 1980. 

Wall Street Journal cho rằng báo cáo của Quỹ Di sản là một lời cảnh báo rằng Mỹ không thể răn đe, hoặc chiến thắng xung đột nếu không chi tiêu mạnh tay.

Minh Quang

Bách Hoá Xanh lên tiếng vụ nhập hàng từ cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hoá chất
Bách Hoá Xanh cho biết đã lập tức thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp này cũng như tiến hành kiểm nghiệm lại tất cả sản phẩm giá đỗ đang cung cấp cho chuỗi.