|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ rút khỏi NAFTA?

08:00 | 20/01/2018
Chia sẻ
Tổng thống Donald Trump tiếp tục đe dọa hai “người láng giềng” Canada và Mexico rằng Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Và khi các vòng đàm phán ngày càng bế tắc, nguy cơ này có thể sớm trở thành hiện thực.
dieu gi se xay ra neu my rut khoi nafta NAFTA trước nguy cơ đổ vỡ
dieu gi se xay ra neu my rut khoi nafta Reuters: Canada tin Mỹ sẽ rút khỏi NAFTA

Khả năng Mỹ rút khỏi NAFTA cũng đồng nghĩa với việc hiệp định thương mại tự do ba bên này có nguy cơ sụp đổ. Mexico từng dọa sẽ rời khỏi bàn đàm phán NAFTA nếu ông Trump kích hoạt tiến trình dài 6 tháng để rút khỏi hiệp định này.

dieu gi se xay ra neu my rut khoi nafta
Tổng thống Donald Trump dọa rút Mỹ khỏi NAFTA. Nguồn: J. Scott Applewhite/AP.

Kể từ khi chính thức có hiệu lực từ năm 1994, NAFTA đã giúp kim ngạch thương mại giữa Mỹ với Canada và Mexico tăng hơn ba lần, tăng nhanh hơn so với kim ngạch thương mại giữa Mỹ với bất kỳ quốc gia nào khác. Mexico và Canada hiện là quốc gia xuất khẩu lớn thứ hai và thứ ba vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc. Hai quốc gia láng giềng này cũng là nhà nhập khẩu hàng đầu các sản phẩm của Mỹ.

Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích NAFTA tạo ra sân chơi bất bình đẳng, tạo điều kiện cho Mexico “cướp” việc làm của người Mỹ và mở cửa cho các loại hàng hóa giá rẻ tràn vào Mỹ.

Tuy nhiên, rút khỏi hiệp định thương mại tự do này có thể khiến Mỹ phải hứng chịu nhiều hậu quả khôn lường. Trong 1/4 thế kỷ qua, NAFTA đã tái định hình nền kinh tế Mỹ và nếu hiệp định này sụp đổ sẽ gây nhiều thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.

Thuế quan tăng, có thể lên đến 150%

Trong khuôn khổ NAFTA, ba quốc gia Bắc Mỹ không phải chịu thuế quan đối với hầu hết các loại hàng hóa trao đổi qua biên giới của nhau. Nếu Mỹ rút khỏi hiệp định này, thuế quan mà Mexico và Canada áp lên hàng Mỹ sẽ tăng, có thế lên đến 150%. Việc này sẽ khiến giá cả tăng vọt và làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Hiện thuế quan giữa ba nước trong khuôn khổ NAFTA là 0% đối với phần lớn hàng hóa.

Nếu Mỹ rút khỏi NAFTA, thuế quan giữa Mỹ và Mexico sẽ về lại mức quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Thuế xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp vào Mexico sẽ tăng cao, trong đó lúa mì chịu thuế suất 15%, thịt bò 25% và 75% đối với thịt gà và khoai tây. Ngược lại, hàng hóa Mexico xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu thuế suất trung bình 3,5%.

Trong khi đó, giới chuyên gia đang tranh luận liệu Canada và Mỹ có quay trở lại hiệp định thương mại tự do song phương trước khi NAFTA ra đời hay không. Nếu không, các doanh nghiệp xuất khẩu Mỹ sẽ chịu thuế suất trung bình theo quy định của WTO là 4,2%, trong đó thuế suất đối với thịt bò và hàng may mặc lần lượt là 27% và 18%.

Đồng bạc xanh đánh mất vị thế

Chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có thể trở thành thách lức lớn đối với đồng bạc xanh.

Ông Jens Nordvig - CEO của Exante Data, cho biết nếu Mỹ rút khỏi NAFTA, đồng peso Mexico có thể rớt giá đến 10%, nhưng đồng USD cũng sẽ chịu cùng cảnh ngộ so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Các chiến lược gia tiền tệ cho rằng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ là một trong những mối đe dọa lớn nhất với đồng USD và cũng là nguồn gốc chính khiến đồng tiền này biến động mạnh.

dieu gi se xay ra neu my rut khoi nafta
Cả ba đồng tiền Bắc Mỹ sẽ mất giá nếu NAFTA đổ vỡ. Nguồn: M-Pact Solutions LLC.

Reuters từng dẫn lời các quan chức chính phủ Canada cho biết họ ngày càng tin rằng Tổng thống Donald Trump sẽ rút khỏi NAFTA. Vòng đàm phản tiếp theo trong khuôn khổ hiệp định này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 23/1 tại Canada. Giá peso Mexico và dollar Canada lần lượt giảm 0,9% và 1% ngay sau khi thông tin này được công bố.

Ông Nordvig cho biết dollar Canada giảm mạnh như vậy là điều bất thường bởi đồng tiền này trước đó chưa từng phản ứng mạnh với các lo ngại liên quan đến NAFTA. Nếu hiệp định này “chết”, ông cho rằng dollar Canada sẽ giảm thêm nhưng không giảm đến 5 – 10% như đồng peso Mexico.

Các chuỗi cung ứng ‘chao đảo’

Nhiều doanh nghiệp phải bỏ ra hàng thập kỷ để xây dựng các chuỗi cung ứng đồ sộ nhằm kết nối thị trường ba quốc gia Bắc Mỹ để tận dụng lợi thế về nguồn lực và chi phí của mỗi nước, trong đó các hãng sản xuất ô tô của Mỹ đặc biệt phụ thuộc vào nguồn linh kiện từ nước ngoài. Tuy nhiên, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, năng lượng và bán lẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các mối liên kết thương mại này giúp giá hàng hóa Bắc Mỹ có thể cạnh tranh với “đối thủ” từ các trung tâm sản xuất lớn khác của thế giới như châu Á và châu Âu.

Ngành công nghiệp ô tô giữa Canada, Mỹ và Mexico liên kết vô cùng chặt chẽ, xuất nhập khẩu hàng tỷ USD linh kiện mỗi năm. Trong năm ngoái, Mỹ nhập khẩu 1,6 triệu ô tô từ Mexico, nhưng khoảng 40% giá trị linh kiện trong những chiếc xe này đến từ Mỹ.

dieu gi se xay ra neu my rut khoi nafta
Xe bán tải Ford F-150 tại nhà máy Dearborn của Ford. Nguồn: Bill Pugliano/Getty Images.

Trong khi đó, theo Hội đồng Quốc gia các Tổ chức Dệt may của Mỹ, các công ty dệt may nước này xuất khẩu hơn 11 tỷ USD hàng hóa đến Canada và Mexico trong năm ngoái. Thuế quan mà ba nước áp dụng lên hàng may mặc theo quy định của WTO khá cao, dao động trong khoảng 18 – 20%.

Người tiêu dùng Mỹ phải thắt chặt hầu bao

Thuế quan cao hơn sẽ khiến giá nhiều mặt hàng tăng vọt. Nhiều loại ô tô phổ biến tại Mỹ được sản xuất tại Mexico như xe bán tải Ram Heavy Duty và dòng sedan Ford Fusion, trong khi Dodge Challengers và Chevrolet Equinoxes được lắp ráp tại Canada. Giá trái cây và rau củ nhập khẩu từ Mexico cũng sẽ tăng mạnh.

Nhà Trắng lý luận rằng một thỏa thuận thương mại tốt hơn sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tại Mỹ, từ đó tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động nước này. Điều này có thể đúng trong một vài trường hợp. Mỹ là một thị trường rộng lớn, vì thế một số doanh nghiệp có thể chuyển cơ sở sản xuất vào nước này để “né” thuế xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác có thể cho rằng chuyển hoạt động ra khỏi nước Mỹ sẽ giúp họ tiết kiệm nhiều hơn. Theo đó, các công ty này có thể sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc và chấp nhận nộp thuế xuất khẩu cho Mỹ. Mỹ chỉ áp thuế 2,5% đối với ô tô chở khách nên các doanh nghiệp sẽ có lợi hơn nếu sản xuất tại châu Á rồi xuất khẩu sang Mỹ.

Trường Giang

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.