Điều gì khiến đồng rupiah của Indonesia mất giá
Indonesia chi gần 797 triệu USD chặn đà trượt giá của đồng nội tệ | |
Indonesia đang cân nhắc đổi tiền |
Người dân kiểm đồng rupiah tại Malang, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết của tác giả Marchio Irfan Gorbiano, trong đó nhận định giá trị đồng rupiah của Indonesia đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ qua vào giữa tuần trước, xuống còn 14.940 rupiah (Rp) đổi 1 USD do điều kiện thanh khoản bị thắt chặt trên toàn cầu đã ảnh hướng xấu đến các thị trường mới nổi, trong đó có Indonesia.
Giá trị đồng rupiah hiện tại là thấp hơn so với hồi đầu năm, khi đồng tiền này được giao dịch trong khoảng 13.300 Rp-13.400 Rp/USD, và thấp hơn các giả định về ổn định kinh tế vĩ mô trong ngân sách quốc gia Indonesia năm 2018 khi chính phủ nước này giả định tỷ giá hối đoái của đồng rupiah ở mức trung bình 13.400 Rp/USD.
Có hai yếu tố giải thích sự mất giá của đồng rupiah đối với USD. Từ bên ngoài, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ đã gây ra sự suy yếu của đồng rupiah cũng như các đồng tiền ở các thị trường mới nổi khác. Cho đến nay Fed đã nâng lãi suất chủ chốt hai lần trong năm nay và dự kiến sẽ có thêm hai đợt tăng nữa trước khi kết thúc năm 2018.
Lập trường của Fed đã thúc đẩy sự điều chỉnh luồng vốn khi các nhà đầu tư bán phá giá tài sản ở các thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các nền kinh tế phát triển. Đối với Indonesia, điều này có nghĩa là các nhà đầu tư nước ngoài đã chọn cách bán đồng rupiah hoặc trái phiếu chính phủ để tìm kiếm nơi đầu tư tốt hơn ở các nền kinh tế phát triển.
Ở trong nước, Indonesia hiện đang đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai (CAD) lớn hơn trong quý II/2018, tăng lên 8 tỷ USD tương đương 3% GDP, từ mức 5,7 USD tỷ của quý I.
Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) cho biết CAD của Indonesia vẫn ở mức an toàn nếu nó không vượt qua ngưỡng 3% GDP. CAD cho thấy một quốc gia đang chi tiêu vượt quá khả năng thanh khoản ngoại hối, do đó nước này sẽ dễ bị tổn thương bởi những cú sốc bên ngoài.
Chính phủ Indonesia cho biết CAD là “gót chân Achilles” của nền kinh tế, trong bối cảnh nước này ghi nhận các chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực như lạm phát nằm trong tầm kiểm soát và tăng trưởng kinh tế bền vững ở mức khoảng 5% trong vài năm qua.
Đầu tháng 9 năm nay, đồng rupiah giao dịch ở mức 14.815 Rp/USD, tức là đã mất giá 11% so với cùng kỳ năm trước - với mức giao dịch 13.345 Rp/USD trong tháng 9/2017. Còn trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, mức giảm giá đồng rupiah là 254% trong giai đoạn từ tháng 9/1997 đến tháng 9/1998.
Các dữ liệu khác cũng chỉ ra những nguyên tắc cơ bản về nền kinh tế hiện nay khả quan hơn nhiều so với năm 1998. Dự trữ ngoại hối của Indonesia hiện ở mức 118,3 tỷ USD tính đến tháng 7/2018 trái ngược với con số 23,61 tỷ USD vào năm 1998.
Lạm phát cũng trong vùng kiểm soát, vào khoảng 3,2% trong tháng Tám, nằm trong mục tiêu của chính phủ và trái ngược so với mức lạm phát 78,2% của năm 1998.
BI cho đến nay đã tăng lãi suất cơ bản lên 5,5%. Ngân hàng trung ương duy trì quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ nhằm bảo vệ đồng rupiah khỏi những biến động của thị trường tiền tệ quốc tế, trong khi tăng lãi suất cũng nhằm duy trì tính cạnh tranh của thị trường tài chính trong nước, hy vọng có thể thu hút dòng vốn nước ngoài vào nước này.
BI cũng đã can thiệp mạnh vào thị trường trái phiếu thứ cấp và thị trường ngoại hối để ổn định đồng rupiah - một chính sách được gọi là “can thiệp kép”.
Chính phủ Indonesia cũng đang tích cực áp dụng các biện pháp để giảm CAD. Gần đây, chính phủ nước này đã ban hành một quy định mới, sẽ có hiệu lực vào trong tuần này, nhằm hạn chế việc nhập khẩu 1.147 hàng tiêu dùng có mức tương đương sản xuất trong nước hoặc được coi là có giá trị gia tăng tối thiểu cho nền kinh tế.
Indonesia gần đây đã mở rộng việc sử dụng dầu diesel sinh học hỗn hợp 20% (B20) cho lĩnh vực dịch vụ phi công cộng (PSO), một chính sách nhằm giảm nhập khẩu nhiên liệu. Chính sách này dự kiến sẽ tiết kiệm tới 2,3 tỷ USD.
Nói một cách đơn giản, tác động trực tiếp của sự mất giá đồng rupiah là hàng hóa nhập khẩu sẽ có giá cao hơn nếu chính phủ điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng khấu trừ của một số hàng hóa nhập khẩu.
Các nhà sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu hoặc hàng hóa trung gian cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự mất giá của đồng rupiah vì họ phải đối phó với chi phí gia tăng phát sinh từ chi phí nhập khẩu cao hơn. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu vẫn được hưởng lợi từ sự mất giá khi khả năng cạnh tranh của sản phẩm được nâng lên do đồng rupiah yếu đi.