Điều gì giúp thị trường hàng hóa khởi sắc trong thời gian qua?
WTO: Trung Quốc và Mỹ đứng đầu thế giới về thương mại hàng hóa | |
[Infographic] Bản đồ hàng xuất khẩu chủ lực của các nước trên thế giới |
Kim loại công nghiệp
Phần bù rủi ro (risk premium) ngắn hạn đã được tính vào thị trường kim loại công nghiệp do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga. Sàn Kim loại London (LME) bắt đầu từ chối giao dịch nhôm do tập đoàn Rusal (Nga) sản xuất sau ngày 17/4 nếu chủ sở hữu không thể chứng minh nó không vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.
Reuters gần đây đưa tin, Rusal hiện đang tích trữ một lượng lớn nhôm tại một trong những cơ sở của tập đoàn tại vùng Siberia do không thể đem nhôm ra thị trường tiêu thụ.
Tác động gián tiếp là việc các ngân hàng cấp vốn cho Rusal đang tìm cách “cắt đứt” quan hệ tài chính với tập đoàn này để tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này đang tạo sức ép lên các khoản vay công nghiệp của Rusal tại thị trường thứ cấp ở châu Âu.
Tùy vào thời hạn của lệnh trừng phạt mà nó có thể tác động dai dẳng lên Rusal và có thể mang đến các nhà sản xuất kém hiệu quả hơn cơ hội cung cấp hàng hóa ra thị trường với mức giá cao và ổn định hơn.
Thú vị thay, Trung Quốc là nhà cung cấp nhôm lớn nhất thế giới. Năm 2017, nước này chiếm 57% sản lượng nhôm toàn cầu, trong khi Nga bị bỏ xa ở vị trí thứ hai với chỉ 6%. Dù Nga chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nguồn cung toàn cầu, giá nhôm vẫn tăng hơn 20% trong vòng hai tuần từ ngày 6 – 20/4 sau khi Mỹ tuyên bố trừng phạt Rusal.
Trong khi đó, giá nickel trên sàn LME cũng ghi nhận đợt tăng mạnh trong cùng giai đoạn, phần lớn do lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ có thể mở rộng đến cả nhà sản xuất nickel Nornickel.
Và cuối cùng, giá palladium – kim loại quý được dùng phổ biến trong ngành công nghiệp ô tô, cũng tăng mạnh những tuần vừa qua. Nga hiện là nhà cung cấp palladium lớn nhất thế giới, kế đến là Nam Phi.
Ảnh minh họa. Nguồn: Stringer/Reuters. |
Dầu mỏ
Giá dầu hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2014, phần lớn nhờ căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông cũng như cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh – Pháp tại Syria vào ngày 14/4 làm dấy lên lo ngại về khả năng nguồn cung bị gián đoạn.
Tổng thống Donald Trump ngày 8/5 đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và dự định tái áp đặt trừng phạt lên một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới này. Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm mạnh, kéo theo nguồn cung toàn cầu bị “bóp nghẹt”.
Tuy nhiên, vẫn có những lý do để thị trường lạc quan về giá dầu trong thời gian tới.
Đầu tiên là thành công của Tổ chức các Quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong việc cắt giảm sản lượng nội khối và tại các nước đối tác, trong đó có Nga. Từ đầu năm 2017, thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã phát huy hiệu quả trong việc giảm kho dự trữ toàn cầu.
Thứ hai, dù sản lượng dầu đá phiến của Mỹ rõ ràng đang giúp nước này tiến tới khả năng tự chủ về năng lượng, chúng ta vẫn đang chứng kiến mức chiết khấu sâu đối với dầu WTI giao tại West Texas so với giá giao tại Cushing, bang Oklahoma. Ngoài ra, công suất vận chuyển của các ống dẫn dầu đang trở thành “nút thắt cổ chai” trong ngành dầu khí Mỹ. Điều này có thể buộc các nhà sản xuất phải vận chuyển dầu bằng các phương tiện thay thế như xe tải hoặc xe lửa, thậm chí là các giải pháp căn cơ hơn vốn sẽ khiến sản lượng dầu đi xuống.
Ảnh minh họa. Nguồn: Haidar Mohammed Ali/AFPGetty Images. |
Tác động kinh tế vĩ mô
Có một số cơ sở cho phép chúng ta kỳ vọng giá hàng hóa sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2018.
Thứ nhất là cải cách thuế ở Mỹ. Đây là nhân tố chính giúp thị trường tăng kỳ vọng về lợi nhuận doanh nghiệp và chúng ta cũng kỳ vọng việc này sẽ chuyển hóa thành nhu cầu tiêu thụ năng lượng và hàng hóa công nghiệp mạnh mẽ hơn tại Mỹ. Nhiều chuyên gia cho rằng tăng trưởng nhu cầu cuối chu kỳ kinh doanh đã vượt tốc độ sản xuất và điều này dẫn đến nguồn cung hạn hẹp và giá cả tăng.
Các loại hàng hóa đang tận dụng rất tốt lý thuyết kinh tế này bởi có thể mất nhều năm để công suất mới được đưa vào vận hành – đặc biệt là trong lĩnh vực kim loại – nhằm đáp ứng nhu cầu cao hơn.
Thứ hai là tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tăng trưởng khả quan và đây chính là cơ sở quan trọng để ước tính tăng trưởng nhu cầu hàng hóa từng năm. Hãng nghiên cứu BCA Research (Canada) gần đây công bố báo cáo cho thấy, dù các yếu tố tích cực đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu đang chạm đỉnh, vẫn chưa có nguy cơ gần kề đe dọa đến tăng trưởng.
Tương tự, các biên bản từ cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hồi cuối tháng 3 cho thấy ngân hàng trung ương này lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Mỹ.
Tăng trưởng đồng bộ trên toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế tiêu thụ nhiều hàng hóa, đang tạo ra nhu cầu lớn hơn, trong khi năng lực sản xuất vẫn hạn chế - kết quả của chi phí vốn thấp trong bối cảnh khủng hoàng thiếu hàng hóa.
Trong khi chi phí vốn bắt đầu đi lên khi kho dự trữ sụt giảm – đặc biệt trong ngành năng lượng, rất có khả năng giá cả và đầu tư tăng là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu thế giới. Hơn nữa, hầu như mỗi nền kinh tế lớn đều đang tăng trưởng vượt tiềm năng, giúp tăng trưởng toàn cầu có khả năng tự duy trì tốt hơn và ít nhạy cảm hơn với các cú sốc.
Thứ ba là đồng USD suy yếu. Giá hàng hóa tăng luôn đi kèm với đồng USD suy yếu. Tỷ giá nhân dân tệ hiện đang ở mức cao nhất kể từ đợt giảm giá năm 2015 và điều này tiếp tục nâng đỡ giá hàng hóa.
Theo một số chuyên gia, đầu tư vào hàng hóa là một điều khá hợp lý vào thời điểm này trong chu kỳ kinh tế. Lý do là, hàng hóa vẫn đang rẻ so với chứng khoán, chi phí vốn trong ngành hàng hóa xuống thấp từ năm 2010 và thâm hụt hai con số tại Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên đồng bạc xanh nhưng điều này lại có lợi cho hàng hóa.