|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Điểm tên doanh nghiệp ngoài ngành đang đầu tư chứng khoán nhiều nhất

11:20 | 01/11/2023
Chia sẻ
Tại thời điểm cuối tháng 9, nhiều doanh nghiệp cổ phần đang phải trích lập hàng chục tỷ đồng giảm giá đầu tư chứng khoán, kể đến như Nhà Đà Nẵng, Coteccons, Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi, Thuduc House, CTCP SCI...

Những doanh nghiệp có giá trị đầu tư chứng khoán khủng

Đầu tư chứng khoán (TTCK) không phải hoạt động mới đối với các doanh nghiệp cổ phần. Xu hướng rót tiền vào thị trường rộ lên vào giai đoạn 2020 - 2021 và kéo dài đến nay.

Hoạt động đầu tư có thể đem lại nguồn thu tài chính cho các doanh nghiệp. Điều này càng thực sự có ý nghĩa nếu đặt trong bối cảnh hoạt động kinh doanh cốt lõi đang gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, khi TTCK đảo chiều, cổ phiếu giảm giá sẽ khiến doanh nghiệp phải thực hiện cắt lỗ hoặc trích lập dự phòng, qua đó ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh.

Dữ liệu đến hết tháng 10, một số đơn vị có danh mục chứng khoán kinh doanh đạt trên nghìn tỷ tại cuối quý III kể đến như Pan Group (Mã: PAN), Tập đoàn Gelex (Mã: GEX), Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (Mã: TVC), Hàng tiêu dùng Masan (Mã: MCH) hay REE Corp (Mã: REE). Điểm chung của các đơn vị này là có quy mô tài sản lớn (trừ Trí Việt) và mô hình doanh nghiệp là holdings. Do đó, đầu tư chứng khoán không đơn thuần là đầu tư tài chính, có thể là nắm giữ cổ phần công ty trong hệ sinh thái hoặc chuẩn bị cho một thương vụ M&A.

 Giá trị chứng khoán kinh doanh của một số công ty tại 30/9. Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý III. Đơn vị: Tỷ đồng.

Pan Group đang có danh mục chứng khoán lên đến 6.676 tỷ đồng tại cuối tháng 9, song không thuyết minh cụ thể. Tại báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, công ty cho biết đang nắm đến 6.670 tỷ đồng là chứng chỉ tiền gửi.

Chứng khoán kinh doanh cuối kỳ của Tập đoàn Gelex bao gồm 490 tỷ đồng trái phiếu và 1.558 tỷ đồng cổ phiếu. So với cuối quý II, khoản cổ phiếu giảm 9%.

Quản lý Tài sản Trí Việt là tổ chức chuyên đầu tư tài chính. Danh mục chứng khoán tại cuối tháng 9 có giá trị 1.315 tỷ đồng, toàn bộ là cổ phiếu. Công ty đang ghi lỗ 95 tỷ đồng so với giá gốc, chủ yếu từ khoản đầu tư HPG của Tập đoàn Hòa Phát (lỗ 93 tỷ đồng). Trí Việt cũng lỗ tại các cổ phiếu TDH, MBB, ngược lại đang lãi đối với FPT, MWG, NKG hay DDV.

Thuyết minh chứng khoán kinh doanh của Trí Việt tại 30/9. Nguồn: BCTC quý III. 

Trường hợp Hàng tiêu dùng Masan hay Vinhomes (mã: VHM), danh mục chứng khoán toàn bộ là trái phiếu, với giá trị cuối kỳ lần lượt đạt 1.217 tỷ đồng và 598 tỷ đồng.

Giá trị đầu tư chứng khoán của REE Corp tại cuối quý III là 1.047 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay (đối với riêng đơn vị này). So với thời điểm cuối quý II, REE Corp không thay đổi giá trị đầu tư cổ phiếu VIB giá gốc 696 tỷ đồng; ngược lại thoái toàn bộ lượng cổ phiếu QTP với 23 tỷ đồng. Khoản đầu tư BID với giá gốc 76 tỷ đồng tại cuối tháng 6 không còn được thuyết minh, không loại trừ khả năng REE Corp đã bán ra mã ngân hàng này.

Cũng có mô hình holdings, Tổng công ty Sonadezi (Mã: SNZ) đang nắm danh mục 240 tỷ đồng. Đây là lượng cổ phiếu TID của Tổng Công ty Tín Nghĩa do Sonadezi Giang Điền (công ty con của Sonadezi) sở hữu với giá gốc 219 tỷ đồng. 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản, xây dựng trích lập dự phòng hàng chục tỷ đồng

Việc đầu tư trên thị trường cổ phiếu không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Diễn biến lao dốc trong năm 2022 đã khiến loạt doanh nghiệp “tay ngang” ôm lỗ.

TTCK năm 2023 đã diễn biến khả quan hơn, VN-Index tăng tích cực trong khoảng 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, diễn biến này đảo chiều trong hai tháng tiếp theo. Hệ quả là nhiều cổ phiếu đã giảm giá đáng kể.

Thời điểm cuối tháng 9, nhiều đơn vị phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán hàng chục tỷ đồng, trong đó nổi bật là hàng loạt đại diện đến từ lĩnh vực bất động sản, xây dựng như Nhà Đà Nẵng (Mã: NDN), Hodeco (Mã: HDC), Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (Mã: CCI), Thuduc House (Mã: TDH) hay Coteccons...

Đầu tư Phát triển Công nghiệp Thương mại Củ Chi (Mã: CCI) vẫn nắm lượng cổ phiếu VAB của Ngân hàng TMCP Việt Á. Giá trị hợp lý cuối tháng 9 là 56 tỷ đồng. Doanh nghiệp bất động sản công nghiệp đang trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 32 tỷ đồng do xu hướng đi xuống của VAB.

Nhà Đà Nẵng thường xuyên duy trì danh mục cổ phiếu hàng trăm tỷ đồng. Giá trị danh mục cổ phiếu đạt mức 495 tỷ đồng tại cuối quý III, tăng 24% so với cuối quý II, tương đương với tăng 95 tỷ đồng. Khoản đầu tư HPG đi ngang ở mức 109 tỷ đồng; khoản đầu tư STB gấp đôi lên 198 tỷ đồng. Công ty còn có khoản đầu tư vào DGC 50 tỷ đồng và MWG 20 tỷ đồng...

Công ty ghi lãi tại DGC, HPG, MWG, STB, ngược lại đang lỗ đối với GEG, QTP và các cổ phiếu khác. Cổ phiếu Vinhomes (VHM) với giá trị 109 tỷ đồng vào cuối quý II không còn được thuyết minh tại nhóm khoản đầu tư lớn cuối kỳ. Nhà Đà Nẵng đang trích lập dự phòng giảm giá 37 tỷ đồng. Tuy nhiên, về tổng quan, toàn danh mục đang lãi 6%, tương đương với hơn 26 tỷ đồng so với giá gốc.  

  Thuyết minh cổ phiếu đầu tư của Nhà Đà Nằng tại 30/9. Nguồn: BCTC quý III. 

Trường hợp Thuduc House, giá trị hợp lý khoản đầu tư cuối kỳ chỉ đạt 4 tỷ đồng khi phải trích lập dự phòng đến 27 tỷ đồng. Trước đó, doanh nghiệp đã rót 31 tỷ đồng đầu tư vào 3 cổ phiếu PPI (22 tỷ đồng), SC5 (9 tỷ đồng) và STB (38 triệu đồng).

Hodeco đang có danh mục cổ phiếu trị giá 88 tỷ đồng. Công ty lỗ 24 tỷ đồng tại khoản đầu tư chủ lực CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (Mã: HUB). Thị giá HUB từng leo lên 38.000 đồng/cp vào tháng 4/2022, song sau đó đã giảm hơn 50% từ đỉnh, kết thúc cuối tháng 9/2023 tại 17.000 đồng/cp.

Khoản đầu tư tài chính của Coteccons ghi nhận 1.854 tỷ đồng tại cuối tháng 9. Trong đó bao gồm hơn 1.600 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 237 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh. Chi tiết hơn về danh mục, ông lớn xây dựng ghi nhận giá trị hợp lý khoản đầu tư chứng chỉ quỹ ETF KIM Growth VN30 46 tỷ đồng, CTCP FPT (Mã: FPT) 39 tỷ đồng, CTCP Thế Giới Di Động (Mã: MWG) 5 tỷ đồng và các công ty khác 149 tỷ đồng. Ngoài FPT, các khoản đầu tư khác đều đang lỗ, giá trị trích lập dự phòng tổng cộng hơn 15 tỷ đồng.

Với việc VN-Index giảm gần 11% trong tháng 10, nhiều cổ phiếu rớt sâu với tỷ lệ 30 - 40%, danh mục đầu tư chứng khoán của các công ty trên sàn sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn nếu duy trì quy mô đầu tư như tại báo cáo cuối tháng 9.

Xuân Nghĩa