|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Công ty chứng khoán nào đang tự doanh cổ phiếu nhiều nhất?

07:45 | 30/10/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường khởi sắc trong quý III, đa số phần danh mục tự doanh cổ phiếu của các công ty chứng khoán (CTCK) lớn đều gia tăng. Chứng khoán Vietcap tiếp tục dẫn đầu về danh mục cổ phiếu, trong khi SHS và VIX hoán đổi hai vị trí tiếp theo.

Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tương đối tích cực trong quý III, VN-Index từng có lúc tăng trên 23% so với đầu năm cùng thanh khoản sôi động. Cùng với nhà đầu tư, bộ phận tự doanh các CTCK cũng “hái quả ngọt” khi phân bổ vốn vào cổ phiếu. Vị thứ về giá trị đầu từ trong quý có những sự thay đổi, song xu hướng chung là gia tăng danh mục.

Theo thống kê, tổng giá trị tài sản tự doanh của 55 CTCK hàng đầu tại thời điểm cuối tháng 9 đạt xấp xỉ 170.425 tỷ đồng (khoảng 7,3 tỷ USD), gần như đi ngang so với cuối quý II (170.109 tỷ đồng).

Top10 CTCK có khoản tự doanh lớn nhất sở hữu danh mục hơn 125.316 tỷ đồng, chiếm 74% giá trị tự doanh toàn ngành và cũng xấp xỉ với thời điểm cuối quý II (125.386 tỷ đồng). So với thời điểm cuối tháng 6, các CTCK mở rộng giá trị đầu tư cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và trái phiếu; ngược lại thu hẹp đối với tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi.

Xét 10 đơn vị đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ nhiều nhất, tổng giá trị đạt gần 24.200 tỷ đồng tại cuối tháng 9, tăng 19%, tương đương tăng trên 3.900 tỷ đồng sau 3 tháng.

 

Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) đầu tư lớn nhất ngành với giá trị cổ phiếu đạt gần 7.200 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối quý trước. Trong tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), Vietcap nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 537 tỷ đồng, gồm HPG, CTG, VNM… Các khoản đầu tư đều đang lỗ không đáng kể.

Phần lớn tự doanh của Vietcap nằm tại tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) với giá trị 6.657 tỷ đồng cuối kỳ, toàn bộ là cổ phiếu. Các khoản đầu tư lớn nhất thuộc về IDP, KDH, PNJ, MSN hay NAP01. Danh mục AFS đang lãi trên 2.100 tỷ đồng so với giá gốc, chủ yếu nhờ khoản đầu tư chiến lược IDP (lãi 1.769 tỷ đồng), cùng với KDH, STB và NAP01, ngược lại ghi lỗ đối với khoản đầu tư PNJ và MSN.

Thuyết minh tự doanh của Vietcap tại 30/9. Nguồn: Báo cáo tài chính quý III của Vietcap.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (Mã: SHS) vươn lên vị trí thứ hai về đầu tư cổ phiếu. Giá trị danh mục tăng 14% so với cuối quý trước lên gần 3.300 tỷ đồng. SHS đang tập trung vào các mã EIB, MWG, FRT, SHB, TCD… Hầu hết các khoản đầu tư đều đang ghi nhận lãi, ngoại trừ TCD lỗ 54%.

 Thuyết minh tự doanh của SHS tại 30/9. Nguồn: Báo cáo tài chính quý III của SHS.

Chứng khoán VIX (Mã: VIX) đã bán ra đáng kể danh mục cổ phiếu cũng như trái phiếu trong quý III.  Giá trị đầu tư cổ phiếu giảm 14% về 3.053 tỷ đồng, đồng thời đánh rơi vị trí thứ hai vào tay SHS. Cơ cấu nắm giữ gồm 77% là cổ phiếu niêm yết và 23% chưa niêm yết.

Theo báo cáo tài chính quý III, VIX đã chốt lời 249 tỷ đồng khi bán ra lượng cổ phiếu trị giá gần 1.800 tỷ đồng; ngược lại cắt lỗ hơn 10 tỷ đồng khi bán lượng cổ phiếu trị giá 114 tỷ đồng. Lãi ròng từ hoạt động bán cổ phiếu trong kỳ đạt 135 tỷ đồng.

VIX chính là đơn vị duy nhất trong Top10 ghi nhận giá trị danh mục cổ phiếu giảm sau quý III. Với các đơn vị còn lại, danh mục “phình to” lên đến từ việc thị trường chứng khoán diễn biến tích cực và/hoặc tự doanh mua thêm cổ phiếu. Trong đó, danh mục đầu tư của ACBS và KIS Việt Nam tăng mạnh nhất.

Trường hợp Chứng khoán ACB (ACBS), lượng cổ phiếu ghi nhận đạt 1.477 tỷ đồng vào cuối kỳ, tăng 96%, tương đương với tăng 723 tỷ đồng, so với cuối quý II.  Khoản đầu tư cổ phiếu đang lỗ 6%, tương đương lỗ 93 tỷ đồng so với giá mua.

Chứng khoán KIS Việt Nam gấp đôi giá trị đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ so với cuối quý II, đạt 1.212 tỷ đồng. Danh mục bao gồm 75% là cổ phiếu niêm yết, 1% cổ phiếu niêm yết và chứng chỉ quỹ chiếm 23%.

Các đơn vị cũng đang sở hữu danh mục trên nghìn tỷ đồng gồm Chứng khoán SSI (Mã; SSI), VNDirect (Mã: VND), Chứng khoán Vietinbank (Mã: CTS), Chứng khoán Techcom (TCBS). Tuy nhiên, những công ty chứng khoán lớn như SSI, ACBS, HSC nắm giữ cổ phiếu một phần để làm tài sản đảm bảo khi phát hành chứng quyền.

Với việc nắm giữ hoặc gia tăng đầu tư cổ phiếu, nhiều công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh khởi sắc trong quý III khi thị trường thuận lợi, nhiều mã tăng trưởng khả quan.

Ví dụ, quyết định chốt lời lượng lớn cổ phiếu giúp VIX báo lãi trước thuế 248,4 tỷ đồng trong quý III, gấp hơn 2 lần cùng kỳ. Trong đó khoản lãi đã thực hiện của công ty quý vừa qua là hơn 400 tỷ đồng. Theo dõi hoạt động của VIX, đây là quý chốt lãi cổ phiếu đem lại lợi nhuận kỷ lục. Trước khi có được thành quả này, công ty liên tục phải cắt lỗ sau khi thị trường đảo chiều ở vùng đỉnh 1.500 điểm đầu quý II năm ngoái.

Cùng với VIX, Chứng khoán Thiên Việt (Mã: TVS) cũng là một tổ chức định hình tự doanh là mảng cốt lõi và hái “quả ngọt” từ mảng này quý vừa qua. Thiên Việt báo lãi 124 tỷ đồng từ chốt lời hàng triệu cổ phiếu như HPG, ACB, TCI và những mã khác.

Hai đơn vị theo sau có mức lãi tự doanh cổ phiếu trên 50 tỷ đồng là BSC (65,7 tỷ đồng) và VNDirect (63,8 tỷ đồng). Những công ty có mức lợi nhuận trong khoảng 10 – 30 tỷ đồng có SHS, DNSE, MBS, APEC, Thành Công, Bảo Minh, VietinBank Securites.

Song song với cơ hội “hái quả ngọt”, danh mục tự doanh cổ phiếu lớn cũng có thể đem đến rủi ro cho hiệu quả kinh doanh các CTCK khi thị trường đảo chiều đi xuống.

Xuân Nghĩa

Data Talk: Bản đồ tài sản 2025 - Chiến lược từ các quỹ lớn phát sóng 14h30 chiều nay
Data Talk số tháng 1/2025 với sự tham gia của các diễn giả đến từ những quỹ đầu tư hàng đầu Việt Nam hiện nay, mục tiêu giúp các nhà đầu tư có thêm thông tin tham khảo để tối ưu hóa tài sản trong năm mới. Đón xem vào lúc 14h30, Thứ Năm, ngày 9/1/2025.