|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lộ diện nhóm NĐT chi nghìn tỷ đỡ giá cổ phiếu 'họ Vin', Masan

19:30 | 29/10/2023
Chia sẻ
Trong tuần chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư cá nhân quay đầu mua ròng 2.433 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gom ròng 3.132 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Cá nhân trong nước giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra cổ phiếu "họ Vin" từ khối ngoại.

Cá nhân trong nước đảo chiều mua ròng

VN-Index kết tuần tại 1.060,62 điểm, giảm 47,41 điểm tương đương 4,28% so với tuần trước, tiếp tục xu hướng điều chỉnh trong gần hai tháng qua. Giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần ở mức 16.461 tỷ đồng, giảm 11% so với tuần trước và 18,4% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Thanh khoản giảm ở hầu hết các ngành chủ chốt, bao gồm chứng khoán, ngân hàng, xây dựng, thép, hóa chất, dầu khí, cảng biển, bán lẻ. Bất động sản là ngành có thanh khoản tăng nhưng chịu áp lực bán mạnh trong tuần vừa qua, đặc biệt là cổ phiếu “họ Vin” là VIC, VHM, VRE.

Trong bối cảnh thị trường kém sắc, NĐT cá nhân là bên mua ròng duy nhất qua kênh khớp lệnh, trong khi bộ phận tự doanh công ty chứng khoán, tổ chức trong nước và khối ngoại gia tăng áp lực bán. Tổng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chủ yếu đến từ cá nhân trong nước.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Xét theo nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản được mua ròng nhiều nhất 1.064 tỷ đồng. Theo sau, dòng tiền cá nhân tìm đến nhóm dịch vụ tài chính (650 tỷ đồng), ngân hàng (572 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (319 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (205 tỷ đồng).

Chiều ngược lại, giao dịch bên bán tập trung ở nhóm xây dựng & vật liệu với quy mô 57 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở hai ngành hóa chất, bảo hiểm với các giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Cá nhân trong nước chi hàng nghìn tỷ đồng đỡ giá cổ phiếu "họ Vin", Masan

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, mã VHM của Vinhomes được cá nhân trong nước mua ròng nhiều nhất với giá trị hơn 686 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân trong nước đối lập với hành vi của khối ngoại. Cùng chiều, hai cổ phiếu “họ Vin” khác là VIC và VRE cũng được mua ròng lần lượt 223 tỷ đồng và 193 tỷ đồng. Như vậy, cá nhân trong nước đã chi ra hơn 1.100 tỷ đồng đỡ giá ba cổ phiếu "họ Vin" này.

Top 10 mua ròng còn có sự góp mặt của các mã như MSN, MWG, VPB, SSI, HPG, VND, FPT với quy mô 130 - 280 tỷ đồng. Trong tuần giao dịch với hai phiên giảm sàn, cổ phiếu MSN của Masan cũng được cá nhân mua ròng hơn 279 tỷ đồng.

Tại chiều bán, giao dịch tập trung mạnh nhất ở cổ phiếu DGC với 228 tỷ đồng. Vừa qua, Tập đoàn Hoá chất Đức Giang công bố nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30% bằng tiền mặt, tức 1 cổ phần được nhận 3.000 đồng. Ngày chốt danh sách cổ đông hưởng cổ tức là 20/12, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/12.

Với hơn 379,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính DGC sẽ chi gần 1.140 tỷ đồng để trả cổ tức. Thời gian dự kiến thực hiện 18/1/2024. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tại ngày 30/9, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của DGC hơn 6.417 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền của cá nhân trong nước cũng rút ròng dưới trăm tỷ đồng tại các mã KBC, FRT, VCB, HAG, BSI, PC1, BID, HDG, GVR.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước bán ròng VHM cùng khối ngoại

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng hơn 430 tỷ đồng trên HOSE, trong đó rút ròng khớp lệnh gần 54 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng diễn ra ở 8/18 ngành, lớn nhất là nhóm ngân hàng với 71 tỷ đồng, theo sau lần lượt là nhóm cổ phiếu bán lẻ (54 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (34 tỷ đồng), hóa chất (31 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (24 tỷ đồng). Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước rút khỏi hai ngành bất động sản (90 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (78 tỷ đồng).

Tại chiều mua, tổ chức trong nước tập trung gom cổ phiếu DGC với 62 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng STB (60 tỷ đồng), MWG (58 tỷ đồng), HAG (51 tỷ đồng), GVR (32 tỷ đồng), …

Ở bên bán, cổ phiếu VHM đứng vị trí số 1 khi bị xả ròng hơn 83 tỷ đồng. Như vậy, không chỉ khối ngoại, tổ chức trong nước cũng bán ròng hàng triệu cổ phiếu của nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam. Sau VHM, FPT cũng nằm trong top rút ròng với 51 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục cổ phiếu bị bán ròng còn có VND (45 tỷ đồng), VPB (40 tỷ đồng), DCM (40 tỷ đồng).

Linh Chi