|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nguyên nhân khiến tự doanh đảo chiều bán ròng gần 800 tỷ đồng

09:20 | 29/10/2023
Chia sẻ
Kỳ vọng VN-Index cân bằng quanh mốc 1.100 điểm bị phá vỡ bởi phiên bán tháo ngày thứ Năm (26/10). Trong diễn biến tiêu cực, tự doanh đảo chiều bán ròng gần 780 tỷ đồng cổ phiếu tuần 23 – 27/10.

Nhìn tổng quan, điểm sáng nhất của chứng khoán Việt Nam đến từ cây nến rút chân cuối tuần khi lực cầu gia nhập phiên chiều ngày 27/10 giúp VN-Index đảo chiều tăng. Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.060,62 điểm, mất 4,3% so với tuần trước. Quan sát cho thấy chỉ số đã trở về vùng điểm thấp nhất kể từ tháng 5 và chỉ còn tăng hơn 5% so với thời điểm đầu năm.

Ba cổ phiếu “họ Vin” và MSN là tâm điểm tuần đỏ lửa. VHM của Vinhomes tác động tiêu cực nhất, góp 12,31% vào số điểm giảm của VN-Index, tương đương 5,83 điểm. Cùng chiều, hai mã VRE và VIC đóng góp 2,18 điểm và 1,69 điểm. Với việc mất giá 11.200 đồng/cp tuần này, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan kéo VN-Index tụt hơn 4 điểm. 

Chiều ngược lại, 4 cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ thị trường là BID, SSB, LPB và VCB. Trong tuần ngược dòng tăng mạnh, mã YEG của Yeah1 bất ngờ lọt Top10 mã ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số.

Thanh khoản tuần qua không nhiều biến động lớn ngoại trừ việc giá trị giao dịch được đẩy lên cao nhất một tháng trong phiên chứng khoán bị bán tháo ngày 26/10.

 

Trong tuần chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực và lọt nhóm giảm sâu nhất thế giới, dòng tiền tổ chức phát đi tín hiệu bi quan. Tổ chức nước ngoài và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục hành động đồng pha, cùng đảo chiều bán ròng.

Thống kê cho thấy tổ chức nước ngoài bán ròng hơn 1.400 tỷ đồng tuần này, trong khi mua ròng hơn 800 tỷ đồng tuần trước. Cùng chiều, khối tự doanh quay trở lại xu hướng rút ròng trên thị trường cổ phiếu với giá trị gần 780 tỷ đồng.

Giao dịch trên sàn HOSE, sau 4 phiên mua gom liên tiếp của tuần trước đó, tự doanh xả ngay phiên đầu tuần này với giá trị 583 tỷ đồng. Khối này mua 317 tỷ đồng ngày thứ Ba, sau đó quay trở lại bán 448 tỷ đồng phiên sau đó. Trong phiên chứng khoán bị bán tháo, giá trị bán ròng thu hẹp còn gần 87 tỷ đồng.

Tổng cộng, cổ phiếu niêm yết trên HOSE bị bán ròng gần 744 tỷ đồng, riêng kênh khớp lệnh là 653 tỷ đồng. Tuần trước đó, chênh lệch mua bán qua giao dịch khớp lệnh là 1.326 tỷ đồng.

Lũy kế từ đầu tháng 10, tự doanh công ty chứng khoán bán ròng 474 tỷ đồng cổ phiếu trên HOSE theo phương thức khớp lệnh và 553 tỷ đồng bằng thỏa thuận, tổng cộng gần 1.027 tỷ đồng.

Quyết định bán ròng dù thị trường không mấy khởi sắc của khối tự doanh trong tuần này một phần xuất phát từ việc hai ETF nội là DCVFMVN30 và DCVFMVN Diamond bị rút quỹ hai tuần gần đây.

Trong tuần trước, DCVFMVN Diamond bị rút ròng 6,7 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng giá trị rút ròng khoảng 170 tỷ đồng. Theo quy định lệnh rút quỹ được thực hiện trong khoảng thời gian T+4 (tức tối đa 4 ngày giao dịch sau khi nhà đầu tư có yêu cầu rút quỹ). Không ngoại trừ khả năng giao dịch đối ứng được thực hiện trong tuần này.

Sang tới tuần này, DCVFMVN30 bị rút ròng 10,1 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng số tiền khoảng 185 tỷ đồng. SSIAM VNFin Lead cũng giảm quy mô 1,5 triệu chứng chỉ quỹ.

Hệ quả là, dòng tiền tự doanh rút ra khỏi những mã trong rổ VN30, VN Diamond và VNFin Lead. Dữ liệu từ Algo Platform, cổ phiếu STB dẫn đầu ở chiều bán ra tuần này với gần 85 tỷ đồng, kế đến là FPT (81,2 tỷ đồng), GMD (65,6 tỷ đồng), HPG (60,4 tỷ đồng). Những mã còn lại bị bán dưới 40 tỷ đồng có EIB, CTG, VNM, PDR, VND, NVL.

Ở chiều mua vào, các mã đều ghi nhận giá trị dưới 30 tỷ đồng, dẫn đầu là MBB, POW, HDB. Còn lại lực mua dưới 20 tỷ đồng xuất hiện ở các cổ phiếu FRT, MWG, VIX, VCB, TCB, DGC và VHM.

Tại sở Hà Nội, tự doanh đảo chiều bán ròng gần 46 tỷ đồng trên HNX trong khi mua ròng 10,7 tỷ đồng cổ phiếu giao dịch trên UPCoM. Giao dịch bán ròng đột biến ghi nhận ngày 25/10 khi tự doanh bán ra 1 triệu cổ phiếu GKM của Gạch Khang Minh với giá trị 37,8 tỷ đồng. Ngoài ra, khối này đẩy mạnh giao dịch hai mã cổ phiếu dầu khí là PVS và BSR.

Thu Thảo