CTCK nào lãi đậm nhất từ tự doanh cổ phiếu trong quý III?
Hiện ngành chứng khoán có góc nhìn trái phiếu về tự doanh cổ phiếu. Những công ty đầu ngành nắm giữ danh mục cổ phiếu chủ yếu phục vụ tạo lập chứng quyền, phái sinh, chứng chỉ quỹ hoặc giao dịch block deal (lô lớn), không tập trung hưởng lợi chênh lệch giá. Lập luận được một vị chủ tịch CTCK đưa ra, việc rút lui khỏi danh mục tự doanh để tránh xung đột lợi với khách hàng.
Trong khi đó, công ty chứng khoán vừa và nhỏ lựa chọn tự doanh cổ phiếu làm mảng chủ lực như một chiến lược ngách để cạnh tranh.
Tại đại hội cổ đông 2023, chủ tịch Chứng khoán Rồng Việt – ông Nguyễn Miên Tuấn đưa quan điểm “làm công ty chứng khoán không đầu tư thì chẳng biết tư vấn gì cho khách hàng”. Theo vị lãnh đạo này, pháp luật cho phép hoạt động tự doanh, đầu tư cổ phiếu giúp cải thiện hiệu quả ngắn hạn của công ty khi mảng môi giới, margin, ngân hàng đầu tư khá khiêm tốn.
Một số tổ chức tầm trung khác chủ yếu tự doanh cổ phiếu của những mắt xích nằm trong hệ sinh thái như Chứng khoán Asean, Chứng khoán Quốc Gia, Chứng khoán Apec.
Tuy nhiên, về tổng quan, các đơn vị top đầu không tập trung tự doanh cổ phiếu nên đây là sản phẩm đầu tư có tỷ trọng thấp nhất, chỉ đạt khoảng 16% danh mục đầu tư trị giá hơn 7,3 tỷ USD của ngành.
Hoạt động tự doanh cổ phiếu thăng trầm theo xu hướng chung thị trường. Thị trường khởi sắc, thanh khoản lớn trong quý III mở ra cơ hội chốt lời cho các công ty chứng khoán bán ra danh mục mua ở vùng giá thấp trước đó.
Thống kê tại 20 công ty lãi đậm nhất từ tự doanh cổ phiếu, tổng giá trị bán ra trong quý vừa qua đạt hơn 8.400 tỷ đồng, thu về hơn 610 tỷ đồng lợi nhuận.
Bốn đơn vị đã bán ra lượng cổ phiếu có giá trị thị trường đạt hơn 1.000 tỷ đồng là VIX, Thiên Việt, VNDirect và SHS. Dẫn đầu về hiệu quả hoạt động tự doanh cổ phiếu là VIX khi công ty này bán ra 1.900 tỷ đồng cổ phiếu và thu lãi gần 240 tỷ đồng.
Theo dõi hoạt động của VIX, đây là quý chốt lãi cổ phiếu đem lại lợi nhuận kỷ lục. Trước khi có được thành quả này, công ty liên tục phải cắt lỗ sau khi thị trường đảo chiều ở vùng đỉnh 1.500 điểm đầu quý II năm ngoái.
Giai đoạn thịnh vượng nhất với VIX là từ quý III/2020 cho đến quý đầu năm 2022, đây là thời điểm thị trường bùng nổ nhờ làn sóng F0 gia nhập, dòng tiền kinh doanh tìm đến cổ phiếu khi dịch Covid-19 xảy ra. Quý II/2021, công ty thu lãi gần 230 tỷ đồng từ tự doanh cổ phiếu.
Trước khi bước vào quý chốt lãi cao nhất lịch sử, thời điểm đầu tháng 7, VIX nắm giữ lượng lớn cổ phiếu EIB, VGC, NVL, GEX và nhiều mã khác. Tuy nhiên, báo cáo quý III không thuyết minh cụ thể những mã bị bán ra.
Cùng với VIX, Chứng khoán Thiên Việt (Mã: TVS) cũng là một tổ chức định hình tự doanh là mảng cốt lõi và hái “quả ngọt” từ mảng này quý vừa qua. Thiên Việt báo lãi 124 tỷ đồng từ chốt lời hàng triệu cổ phiếu như HPG, ACB, TCI và những mã khác.
Hai đơn vị theo sau có mức lãi tự doanh cổ phiếu trên 50 tỷ đồng là BSC (65,7 tỷ đồng) và VNDirect (63,8 tỷ đồng). Những công ty có mức lợi nhuận trong khoảng 10 – 30 tỷ đồng có SHS, DNSE, MBS, APEC, Thành Công, Bảo Minh, VietinBank Securites.
Mặc dù chủ tịch khẳng định tự doanh là mảng cốt lõi, song Rồng Việt đứng ngoài cơ hội vừa qua của thị trường, thậm chí công ty này phải bán cắt lỗ cổ phiếu. Trong quý III, Rồng Việt bán danh mục cổ phiếu có giá trị hơn 449 tỷ đồng và lỗ hơn 300 triệu đồng. Sau 9 tháng, số lỗ từ tự doanh cổ phiếu của công ty này gần 68 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 9, danh mục tự doanh cổ phiếu của Rồng Việt có giá trị thị trường hơn 690 tỷ đồng, lỗ khoảng 17 tỷ đồng so với giá mua. Công ty tập trung vào các mã như DBC, ACB, CTG, GEX, MBB, QNS, BSR.
Tồi tệ hơn Rồng Việt, các đơn vị có danh mục đầu tư cổ phiếu lỗ hơn 100 tỷ đồng thời điểm cuối tháng 9 có Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) (lỗ 126 tỷ đồng), Chứng khoán APEC (- 195 tỷ đồng), DNSE (-84,5 tỷ đồng). Hay với tổ chức có quy mô tự doanh nhỏ là Chứng khoán Hòa Bình, tỷ lệ lỗ tự doanh cổ phiếu thời điểm cuối tháng 9 là 22%.
Sang tới quý IV, chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực khi VN-Index giảm từ vùng đỉnh ngắn hạn 1.250 điểm, hiện lình xình quanh mốc 1.100 điểm. Diễn biến này không có lợi cho hoạt động tự doanh khi các công ty chứng khoán phải đánh giá lại, trích lập dự phòng giảm giá danh mục đầu tư. Một kịch bản có thể lặp lại cuối năm ngoái là thị trường có thể xuất hiện những đơn vị báo lỗ trước thuế quý IV dù ba quý trước đó có lãi.