|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điểm lại những ứng dụng có dấu hiệu hoạt động đa cấp trái phép trong thời gian qua

11:44 | 22/04/2021
Chia sẻ
Trước khi ứng dụng Coolcat "sập" khiến nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng tiền, hàng loạt ứng dụng với mô hình gần tương tự từng bị cơ quan chức năng điểm mặt có dấu hiệu hoạt động đa cấp trái phép

My Aladdinz - ứng dụng thanh toán hộ, hoàn tiền 80%

Rất nhiều cơ quan báo đài, thậm chí là cơ quan công an đã lên tiếng cảnh báo ứng dụng My Aladdinz có dấu hiệu đa cấp, lừa đảo. Ứng dụng hoạt động bằng cách yêu cầu người dùng nạp tiền vào app để mua gem với số tiền ít nhất là 100 USD. 

Sau đó, người dùng có thể sử dụng gem để thanh toán tiền điện nước, các loại phí,... và có thể được hoàn lại tới 80% giá trị hóa đơn bằng gem. Càng sử dụng ứng dụng để thanh toán càng nhiều thì tỷ lệ hoàn tiền càng cao. 

Ngoài ra, ứng dụng còn cho phép người dùng kêu gọi thêm người tham gia và sẽ nhận được chiết khấu hoa hồng theo từng cấp, khá giống với mô hình đa cấp.

Lọat ứng dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi - Ảnh 1.

Ứng dụng My Aladdinz chưa được cấp phép kinh doanh (Ảnh: My Aladdinz)

Crowd1 - ứng dụng đa cấp lừa đảo

Theo phản ánh của VTV, ứng dụng Crowd1 gần đây đang tích cực mở rộng, kêu gọi người tham gia. Về phương thức hoạt động, người chơi (nhà đầu tư) khi tham gia Crowd1 sẽ nạp tiền để mua 2 cổ phiếu ảo của Affilgo và Miggster (là công ty con của “Crowd1”, hoạt động game online và casino) với lời hứa lợi nhuận cao. 

Ngoài ra, nhà đầu tư cần phải mời thêm 4 người nữa tham gia mới có thể rút được tiền về. Việc mời gọi người chơi cũng có thể nhận được hoa hồng. Về mặt bản chất, Crowd1 hoạt động không khác gì mô hình đa cấp và từng được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cảnh báo.

Lọat ứng dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi - Ảnh 2.

Ứng dụng đa cấp Crowd1 (Ảnh: Crowd1).

Edunetwork - ứng dụng bán khóa học theo mô hình đa cấp

Với việc mua và bán lại các khóa học kinh doanh của Edunetwork, người tham gia sẽ được nhận về hoa hồng lên tới 80% . Các khóa học của Edunetwork có giá trị từ 50, 200, 500, 1000, 2000 USD.

Đánh vào tâm lý muốn gỡ lại tiền của người mua, Edunetwork có chính sách bán lại khóa học, đồng nghĩa với việc người trước sẽ bán cho người sau để thu hồi vốn. Hình thức hoạt động này tương đói giống đa cấp và có yếu tố lừa đảo.

Lọat ứng dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi - Ảnh 3.

Các khóa học của Edunetwork (Ảnh: Edunetwork)

Mô hình đầu tư lợi nhuận cao Emas Fintech

Tháng 3/2021, sự kiện sàn giao dịch lãi khủng Emas Fintech bị sập khiến nhiều người hoang mang. Dù trước đó, bộ Công Thương cùng VTV đã nhiều lần cảnh báo nhưng với lời giới thiệu mức lãi khủng từ Emas Fintech, nhiều người đã sập bẫy. 

Emas Fintech hoạt động như một sàn giao dịch ngoại hối, tuy nhiên khác với giao dịch ăn chênh lệch truyền thống, sàn này áp dụng giao dịch ghép nối, cho phép ghép nhiều cặp với nhau trong cùng một lúc. 

Emas Fintech thuyết phục người tham gia rằng họ có công nghệ và nhờ đó có thể nâng khoản chênh lệch trong giao dịch Forex lên mức cao. Họ quảng cáo rằng người không có kiến thức cũng có thể dễ dàng kiếm được mức lãi 30% mỗi tháng mà chẳng cần làm gì.

Lọat ứng dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi - Ảnh 4.

(Ảnh: Emas Fintech)

PCHome - ứng dụng đặt đơn ảo

PCHome là ứng dụng đặt đơn ảo trên các sàn thương mại điện tử, xuất hiện từ tháng 12/2020 và vừa bị sập vào ngày 17/4 vừa rồi. Sau khi lôi kéo được số lượng lớn thành viên, người đứng sau app đã dừng hoạt động hệ thống và biến mất.

Lọat ứng dụng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người chơi - Ảnh 5.

Ứng dụng lừa đảo PCHome vừa sập hôm 17/4 sau khi đã gom đủ "mẻ cá lớn" (Ảnh: YouTube)

PCHome yêu cầu người chơi phải nạp tiền để nâng VIP, giúp hoàn thành các nhiệm vụ tốt hơn, nếu không nạp thì số đơn mỗi ngày tạo được là rất ít, kéo theo thu nhập giảm. Ngoài ra, app còn có chính sách kêu gọi người tham gia và hưởng hoa hồng cao.

 Lợi nhuận hoa hồng chi trả cho người tham gia với lãi suất khoảng 3% - 5% tổng số tiền nạp vào ứng dụng mỗi ngày, PCHome đã thực hiện cú chốt hạ sau 6 tháng hoạt động, tung ra hàng loạt chính sách khuyến mãi để người chơi nạp thêm tiền rồi bất ngờ đóng cửa ứng dụng, ôm tiền bỏ trốn. 

Hiện rất nhiều người chơi của PCHome đang có nguy cơ mất trắng. Cơ quan công an đang tiếp nhận đơn thư tố cáo hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của PCHome.

Thùy Trang