|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Điểm danh tất cả startup công nghệ Châu Á nhăm nhe thực hiện IPO trong năm 2021

07:30 | 12/06/2021
Chia sẻ
Thị trường đại chúng luôn rất hấp dẫn với các startup nhờ nguồn vốn dồi dào từ các nhà đầu tư.

Giấc mơ của nhiều startup là thực hiện IPO thành công. Điều này cho phép doanh nghiệp kêu gọi được nhiều vốn hơn nữa so với nguồn vốn đến từ các nhà đầu tư tư nhân và nhà đầu tư mạo hiểm. Dĩ nhiên, các startup Châu Á cũng không phải một ngoại lệ.

Dưới đây là danh sách tổng hợp 41 startup công nghệ tại Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ có thể sẽ sớm thực hiện IPO trong năm 2021. Trong số này, 22 startup có thể kêu gọi được tổng cộng 27,39 tỷ USD.

Điểm danh tất cả startup công nghệ Châu Á nhăm nhe thực hiện IPO trong năm 2021 - Ảnh 1.

Các startup công nghệ Châu Á có thể IPO trong năm 2021. (Dữ liệu: Tech in Asia, Đồ hoạ: Lê Minh)

Dù vậy, con số nói trên có thể sẽ vượt qua mốc 50 tỷ USD bởi những cái tên sừng sỏ nhất như Gojek, Tokopedia (hiện đã sáp nhập thành ToGo Group), Bukalapak hay ByteDance hiện vẫn chưa công bố mục tiêu gọi vốn thông qua IPO của mình.

Điểm danh tất cả startup công nghệ Châu Á nhăm nhe thực hiện IPO trong năm 2021 - Ảnh 2.

Startup đang tính đến kế hoạch IPO phân theo khu vực. (Dữ liệu: Tech in Asia, Đồ hoạ: Lê Minh)

Ngoài các siêu ứng dụng như Grab và Gojek, phần lớn các startup Châu Á đang tìm kiếm cơ hội Đông Nam Á hoạt động trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, tài chính, logistics và gọi xe.

Điểm danh tất cả startup công nghệ Châu Á nhăm nhe thực hiện IPO trong năm 2021 - Ảnh 3.

Startup đang tính đến kế hoạch IPO phân theo lĩnh vực hoạt động. (Dữ liệu: Tech in Asia, Đồ hoạ: Lê Minh)

Phân tích của Tech in Asia cũng cho thấy Mỹ là điểm đến được nhiều startup công nghệ Châu Á lựa chọn để thực hiện IPO nhất. Điều này không quá ngạc nhiên khi Sea, công ty công nghệ Đông Nam Á, từng có màn "chào sân" sàn giao dịch chứng khoán New York cực kỳ thành công và hiện đang có giá trị vốn hoá trên dưới 120 tỷ USD.

Điểm danh tất cả startup công nghệ Châu Á nhăm nhe thực hiện IPO trong năm 2021 - Ảnh 4.

Điểm đến IPO được các startup Châu Á quan tâm nhất. (Dữ liệu: Tech in Asia, Đồ hoạ: Lê Minh)

Hầu hết các công ty Ấn Độ muốn thực hiện IPO tại chính sân nhà, ngoại trừ một số cái tên như sàn thương mại điện tử Flipkart, nền tảng công nghệ tài chính Pine Labs và công ty công nghệ quảng cáo InMobi. Những công ty này đang có mục tiêu niêm yết sàn Mỹ. Theo sau thị trường Mỹ và Ấn Độ là Sàn giao dịch chứng khoản Hong Kong.

Một xu hướng đáng chú ý là nhiều startup đang chọn một con đường IPO khác thông qua các công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC).

Niêm yết thông qua SPAC giúp các startup tiết kiệm thời gian hơn đáng kể so với IPO theo cách truyền thống. Tech in Asia nói rằng việc sử dụng SPAC chỉ mất 6 tháng để niêm yết thành công. Con số này của IPO theo cách truyền thống là từ 6 đến 9 tháng. Bên cạnh đó, dùng SPAC cũng giúp các startup có được độ thanh khoản cao hơn trước IPO đồng thời có cơ sở đảm bảo được định giá kỳ vọng của mình hơn.

Điểm danh tất cả startup công nghệ Châu Á nhăm nhe thực hiện IPO trong năm 2021 - Ảnh 5.

IPO thông qua sáp nhập với SPAC còn khá mới mẻ ở Châu Á song lại được nhiều "ông lớn" như Grab hay GoTo lựa chọn. (Dữ liệu: Tech in Asia, Đồ hoạ: Lê Minh)

Hiện tại, thống kê cho thấy chỉ có 5 startup công nghệ Châu Á đang tính đến phương án IPO thông qua SPAC. Tuy nhiên, các startup này đều là những cái tên lớn, bao gồm Grab, Traveloka, Bukalapak, Gojek – Tokopedia (hiện là GoTo).

Nam Khánh