|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Điểm danh các ngành có nhiều doanh nghiệp lỗ

10:12 | 11/05/2017
Chia sẻ
Trong số những doanh nghiệp báo lỗ quý I, có không ít cái tên gây bất ngờ với giới đầu tư.

Cho tới thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn đã công bố kết quả kinh doanh quý I. Bên cạnh nhiều doanh nghiệp có bức tranh kinh doanh khởi sắc trong ba tháng đầu năm nay, vẫn có nhiều doanh nghiệp báo lỗ từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng.

Theo thống kê của Báo Đầu tư Chứng khoán, ngành vận tải biển, điện và dầu khí “đóng góp” nhiều đại diện nhất.

Trong nhóm doanh nghiệp vận tải biển, CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS) báo lỗ 84 tỷ đồng, CTCP Vận tải Biển Bắc (NOS) ghi nhận khoản lỗ 57 tỷ đồng trong quý I. Tình trạng lỗ lớn của hai doanh nghiệp vận tải biển không có gì đáng bất ngờ, bởi khó khăn của ngành này đã tồn tại từ vài năm qua.

Sự sụt giảm của thương mại toàn cầu khiến nhu cầu vận tải biển sụt giảm mạnh, giá cước vận tải đi xuống, công suất dư thừa, vụ phá sản của hãng vận tải biển số 1 thế giới Hanjin (Hàn Quốc) vào cuối năm 2016 đã phản ánh khó khăn chung của ngành vận tải biển toàn cầu.

Ngành điện “đóng góp” tới 3 doanh nghiệp vào danh sách thua lỗ, gồm CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Thủy điện Miền Nam (SHP), Điện lực Khánh Hòa (KHP).

Cụ thể, BTP lỗ 45,8 tỷ đồng, trong đó lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 40,13 tỷ đồng, lỗ sản xuất - kinh doanh là 5,67 tỷ đồng do sản lượng điện chỉ bằng 30% sản lượng cùng kỳ năm trước khi nhu cầu hệ thống điện quốc gia huy động thấp.

Còn SHP lỗ 12,14 tỷ đồng, đây là trường hợp thua lỗ hiếm hoi của nhóm doanh nghiệp thủy điện trong quý I. Trong khi đó, KHP bất ngờ lỗ gần 36 tỷ đồng khi giá vốn tăng cao (đáng kể nhất là chi phí mua điện tại Tổng công ty Điện lực Miền Trung tăng 10% so với quý I/2016).

Ngoài các nhóm trên, một số doanh nghiệp như CTCP Công nghiệp Gốm sứ Taicera (TCR), CTCP Ô tô TMT (TMT), CTCP Vinacafe Biên Hòa (VCF) thua lỗ gây không ít bất ngờ. TCR lỗ ròng gần 31 tỷ đồng trong quý I/2017, trong khi cùng kỳ 2016 có lãi hơn 10 tỷ đồng.

Với TMT, quý I vừa qua là quý đầu tiên trong vòng gần 4 năm qua (từ quý II/2013), doanh nghiệp kinh doanh xe tải này báo lỗ. Điều này đáng nói trong bối cảnh TMT lên kế hoạch tham vọng cho năm 2017.

Doanh thu trong kỳ của Công ty đạt 570 tỷ đồng và lãi gộp 33 tỷ đồng, lần lượt giảm 23% và 63% so với cùng kỳ 2016. Lãi gộp giảm mạnh không bù đắp được chi phí là nguyên nhân khiến TMT lỗ ròng 11,7 tỷ đồng, trong khi quý I/2016 lãi gần 18 tỷ đồng.

Ngược lại, tại VCF, dù lãi gộp tăng so với cùng kỳ nhưng việc nâng chi phí quảng cáo và khuyến mãi đã khiến doanh nghiệp này lỗ ròng hơn 37 tỷ đồng. Cùng lý do này, năm ngoái, VCF có quý lỗ đầu tiên từ khi niêm yết, nhưng số lỗ chỉ hơn 2 tỷ đồng.

Tiếp tục kinh doanh kém khả quan, CTCP Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC lỗ hơn 10 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 5 liên liên tiếp thua lỗ; CTCP Gỗ Trường Thành (TTF) lỗ 25 tỷ đồng, CTCP Thuận Thảo (GTT) báo lỗ 25 tỷ đồng…

Quý I/2017, tức quý II theo niên độ tài chính, CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) lỗ xấp xỉ 29,5 tỷ đồng, dù năm nay Công ty đặt kế hoạch lãi trước thuế 400 tỷ đồng. Doanh thu trong kỳ giảm 45,8% so với cùng kỳ 2016. Đáng chú ý, theo HVG giải trình, kết quả thua lỗ này do Công ty chủ động “găm hàng” để chờ ký những hợp đồng giá cao khi giá xuất khẩu cá fillet có xu thế tăng mạnh.

Tạm dẫn đầu danh sách thua lỗ trong quý I/2017 là Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD) (hiện còn một số doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính như CTCP Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, CTCP Quốc Cường Gia Lai - PV) với khoản lỗ sau thuế 200,9 tỷ đồng.

Kết quả này ít nhiều gây bất ngờ với đầu tư, bởi giá dầu thô, căn cứ quan trọng với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp thượng nguồn ngành dầu khí này đã cao hơn so với cùng kỳ 2016, hiện ở gần mức 50 USD/thùng.

Cùng kỳ năm ngoái, PVD lãi ròng 56,2 tỷ đồng. Theo lãnh đạo PVD, khoản lỗ này chủ yếu do trích lập dự phòng nợ khó đòi gần 100 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số lượng giàn khoan hoạt động trung bình trong quý I là 1,4 giàn, giảm so với 2,0 giàn cùng kỳ; hiệu suất sử dụng giàn khoan năm nay chỉ đạt 28% và đơn giá thuê giàn khoan giảm 55 - 60% so với cùng kỳ.

Một doanh nghiệp khác cùng ngành dầu khí cũng ghi nhận lỗ lớn trong quý I là Tổng công ty Dung dịch khoan và hóa phẩm Dầu khí - CTCP (PVC). PVC báo lỗ hợp nhất gần 17,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 5 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ được giải trình là do diễn biến xấu của giá dầu dẫn tới nhu cầu dịch vụ dung dịch khoan giảm, đồng thời Công ty cũng giảm giá thành cho các nhà thầu để đảm bảo cạnh tranh.

Nguyễn Gia