|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Dịch vụ chia sẻ xe có thực sự là đáp án cho bài toán giao thông?

12:46 | 09/05/2019
Chia sẻ
Các dịch vụ chia sẻ xe đã khiến tổng lượng thời gian chậm trễ giao thông ban ngày tăng 40% khi các cư dân quay sang nói "Không" với dịch vụ xe buýt công cộng.

"Cái gì cũng có hai mặt," câu nói bất hủ này có vẻ đúng trong mọi trường hợp. Và mới đây nhất, dịch vụ xe đi chung Uber và Lyft đã được chứng minh không nằm ngoài quy luật này khi một nghiên cứu chỉ ra những dịch vụ từng được chào đón như phương thức mới giúp giảm áp lực giao thông này hóa ra lại làm tình trạng giao thông thêm rắc rối tại chính đại bản doanh của các công ty xe đi chung nổi tiếng ở San Francisco (Mỹ).

Nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Science Advances chỉ ra không những chưa từng "chạm tay" tới mục tiêu giảm lưu lượng giao thông, các dịch vụ chia sẻ xe đã khiến tổng lượng thời gian chậm trễ giao thông ban ngày tăng 40% khi các cư dân quay sang nói "Không" với dịch vụ xe buýt công cộng hoặc đi bộ đi tìm các xe dịch vụ đã được đặt trên ứng dụng đi chung xe.

Nghiên cứu được thực hiện bằng cách so sánh các số liệu về thời gian di chuyển và tình trạng đường sá tại San Francisco ở thời điểm năm 2010 khi những công ty chia sẻ xe chưa ra nở rộ so với năm 2016 - khi những thương hiệu như Uber hay Lift trở nên quá đỗi quen thuộc trên mọi nẻo đường của thành phố này.

Trong giai đoạn kể trên, dân số San Francisco, nơi đặt trụ sở của Uber và Lyft, tăng từ mức 805.000 người lên 876.000 người trong khi 150.000 việc làm cũng được tạo ra và mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông có nhiều cải thiện.

Đưa những dữ liệu này vào một mô hình máy tính cùng với câu hỏi "Mọi thứ sẽ ra sao nếu không có sự xuất hiện của các công ty cung cấp dịch vụ đi chung xe?" - các tác giả nghiên cứu tới từ Đại học Kentucky và Cơ quan Giao thông San Francisco đã thu được những kết quả đáng chú ý.

Mô hình cho thấy xe tư nhân thay thế cho các xe của mạng lưới chia sẻ xe (TNC) và số lượng xe lái chung có tăng nhẹ.

Dịch vụ chia sẻ xe có thực sự là đáp án cho bài toán giao thông? - Ảnh 1.

Dịch vụ xe đi chung Lyft ở San Francisco. (Nguồn: KUT)

Tuy nhiên, khi cân đối lại các tác động thì nghiên cứu chỉ ra có tới 2/3 số xe được các TNC sử dụng là xe mới bổ sung vào các tuyến đường, mà đáng lẽ đã không xuất hiện nếu không có những dịch vụ này.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra số giờ chậm chễ vì ùn tắc giao thông ban ngày (sự chênh lệnh về thời gian di chuyển khi giao thông ùn tắc và khi thông thoáng) tăng tới 62% trong giai đoạn 2010-2016.

Trong mô phỏng, số giờ chậm chễ tại San Francisco có thể sẽ chỉ tăng 22% nếu không có sự xuất hiện của TNC. Điều này đồng nghĩa với việc Uber, Lyft và các hãng cung cấp dịch vụ xe đi chung khác phải chịu trách nhiệm tới 40% số giờ chậm trễ gia tăng còn lại.

Trước đây, các công ty giới thiệu dịch vụ chia sẻ xe với lập luận rằng hoạt động giao thông diễn ra chủ yếu ngoài khung cao điểm như khi mọi người ra ngoài vào buổi tối và trở về nhà từ các quán bar.

Tuy nhiên, nghiên cứu trên lại chỉ ra hoạt động giao thông nhộn nhịp nhất là vào khoảng 7-8 giờ sáng và sau đó là từ 17-18 giờ chiều.

Việc các xe của TNC dừng đỗ để đón và trả khách cũng được chứng minh là một trong số các hoạt động gây cản trở giao thông nhất. Và các tác giả nghiên cứu cũng chỉ ra TNC góp phần gia tăng lưu lượng giao thông bởi có những thời điểm các lái xe vẫn phải đi lòng vòng tìm kiếm khách mới và tạo ra những chặng di chuyển "không đáng có."

Lyft ngay lập tức phản bác nghiên cứu này và cho rằng nghiên cứu chưa tính tới các yếu tố như hoạt động vận chuyển hàng hóa và giao hàng thương mại nở rộ khi những "đế chế" mua sắm trực tuyến như Amazon liên tục mở rộng trong những năm gần đâu.

Trong khi đó, Uber cho rằng cần có cái nhìn khái quát hơn do lâu nay, các nghiên cứu chưa bao giờ tìm được tiếng nói chung về nguyên nhân gây tắc nghẽn giao thông.

Chưa biết kết quả nghiên cứu này đáng tin cậy hay chính xác tới đâu nhưng cũng gây ít nhiều ảnh hưởng tới mạng lưới TNC và đặc biệt là với Uber hay Lyft khi mà Uber đang chuẩn bị lên sàn chứng khoán Phố Wall còn Lyft đã chào sàn từ tháng 3 vừa qua.

Lê Ánh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.