|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Dịch do virus corona: Nếu khống chế được dịch, quí I/2020, tăng trưởng GDP dự báo là 6,25%

06:56 | 13/02/2020
Chia sẻ
Trong trường hợp khống chế được dịch do virus corona trong quí I/2020, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.
Dịch do virus Corona: Nếu khống chế được dịch, quý I/2020, tăng trưởng GDP dự báo là 6,25% - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp đánh giá về ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Chiều 12/2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (COVID-19); cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020 và các giải pháp chỉ đạo, điều hành để thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Từ các ảnh hưởng của dịch COVID-19, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020; trong đó, quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn. Kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và thiệt hại có thể lớn gấp từ 3-4 lần so với dịch SARS, khoảng 160 tỷ USD.

Dịch đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cũng ảnh hưởng tới tăng trưởng của khu vực và toàn cầu. 

Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc thì chắc chắn cũng sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% của năm 2019; trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN, tiếp đến là Hong Kong (Trung Quốc) và Việt Nam.

Các ngành được đánh giá là ảnh hưởng gồm: nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp điện - điện tử, da giày, dệt may. Hoạt động đầu tư cũng sẽ ngay lập tức bị tác động khi nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, số lượng khách du lịch từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch. 

Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD. Nếu dịch kéo dài hết quý II, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD, kéo theo là các ngành vận tải, các ngành dịch vụ khác cũng bị ảnh hưởng.

“Như vậy, để năm 2020 đạt mức tăng trưởng GDP 6,8% trong bối cảnh dịch bệnh kép, hạn hán, xâm nhập mặn là rất khó khăn”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát và khống chế ngay trong quý I, quý II phải đạt mức tăng trưởng như Nghị quyết 01/NQ-CP đặt ra; quý III và IV phải đạt được mức tăng trưởng vượt trội so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Cụ thể, quý I tăng 4,52%, thấp hơn 2,0 điểm %; quý II tăng 6,66%, cao hơn 0,01 điểm %; quý III tăng 7,67%, cao hơn 0,56 điểm % và quý IV tăng 7,5%, cao hơn 0,69 điểm % so với mục tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Theo đó, dịch tả lợn Châu phi phải được khống chế hoàn toàn, người chăn nuôi tái đàn thành công, sản lượng thịt lợn tăng cao khoảng 10-14% ở quý III và IV. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo quý III tăng 13,17%, quý IV tăng 11,76%; trong đó, các ngành dệt may, da giày, điện tử, ô tô … được cung cấp đầy đủ nguyên vật liệu phục vụ sản xuất....

Nhằm hỗ trợ, ổn định đời sống nhân dân, tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh trong thời gian dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch.

Đó là, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay….

Đồng thời, giao Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020.

Cùng đó, Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch. 

Cụ thể là, gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…

Bên cạnh đó, miễn, giảm tiền thuê đất của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch trong thời gian diễn ra dịch; kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát; giảm giá thuê đất, mặt bằng cho các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa, tiêu thụ nông lâm thủy sản, thúc đẩy và tăng cầu nội địa trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất Chính phủ giao các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu.

Các ngành có giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc; đồng thời, có các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch.

Cùng với việc kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp, các ngành chức năng tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.

Ngoài ra, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020 cho từng dự án làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư. 

Các bộ, ngành và địa phương cũng nghiên cứu, tạo điều kiện cụ thể về chính sách để các công trình lớn đã được hoàn thành trong năm 2019 được phát huy tối đa công suất thiết kế, tạo thêm động lực tăng trưởng cho năm 2020.


Thúy Hiền