|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Đi làm hay nghỉ tiếp: Câu hỏi làm đau đầu Trung Quốc thời dịch bệnh

13:22 | 13/02/2020
Chia sẻ
Hầu hết các công ty Trung Quốc sẽ hoạt động trở lại trong tuần này, nhưng virus corona (covid-19) vẫn đang hoành hành và cản trợ hoạt động của họ. Gián đoạn chuỗi cung ứng và các qui tắc mới tại nơi làm việc đều khiến triển vọng kinh tế ngắn hạn trở nên ảm đạm.
Đi làm hay nghỉ tiếp: Câu hỏi lớn dành cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Lo ngại về lây nhiễm virus corona dấy lên khi các công nhân Trung Quốc quay trở lại làm việc. Nhưng chính quyền nước này không thể mãi tạm ngừng các hoạt động sản xuất kinh doanh. Hình minh họa: Lau Ka-kuen/SCMP.

Đi làm hay không đi làm? Đây là câu hỏi quan trọng đối với chính quyền, doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc hiện nay. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này giờ đang phải vật lộn để cân bằng giữa mối nguy hiểm từ virus corona (covid-19) và sự cần thiết phải tiếp tục hoạt động kinh doanh. 

Theo South China Morning Post (SCMP), hầu hết các tỉnh thành trên khắp Trung Quốc đã khởi động lại công việc vào thứ Hai (10/2) sau kì nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Nhưng việc một lượng lớn công nhân quay trở lại quê nhà đang khiến các quan chức phải đau đầu.

Virus corona đã giết chết hơn 1.300 người và khiến hơn 60.000 người nhiễm bệnh. Hiện có rất ít dấu hiệu cho thấy dịch bệnh này đã được kiềm chế, làm dấy lên lo ngại về khả năng gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh khi mọi người quay trở lại làm việc.

Chính quyền trương ương Trung Quốc đã thể hiện rõ rằng ngăn chặn dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nước này biết rằng họ không thể đóng băng hoạt động sản xuất công nghiệp mãi mãi, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ. 

Nhưng qui mô của cuộc khủng hoảng y tế đất nước này phải đối mặt là vô cùng lớn. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho biết, trong tuần này sẽ có khoảng 160 triệu người từ quê lên thành phố để quay trở lại làm việc. 

Điều này gây áp lực lớn lên các chính quyền địa phương, đặc biệt là ở những khu vực ven biển phát đạt sử dụng nhiều lao động nhập cư. 

Ông Li Xunlei - nhà kinh tế trưởng tại Zhongtai Securities và một cố vấn chính phủ cho biết, các trung tâm sản xuất lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến và Đông Hoản là những nơi phải đối mặt với sức ép lớn nhất từ những người lao động nhập cư quay trở lại. 

Ông Li lưu ý: "Thâm Quyến là nơi có sự di chuyển dân cư lớn nhất, với nhiều khách du lịch và lao động nhập cư. Số dân thường trú mới tại thành phố này cũng tăng nhanh chóng trong vòng ba năm qua" .

"Cơ sở dân số của Thượng Hải là lớn nhất cả nước. Với vị thế là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại và vận tải, số dân di cư ở đây là rất lớn. Nhiều công nhân ở Thượng Hải đến từ hai tỉnh Hà Nam và An Huy - là những nơi tình hình dịch virus corona diễn ra nghiêm trọng".

Theo SCMP, chính quyền Thượng Hải cho biết sẽ ra lệnh cho những người di cư không có nơi cư trú hoặc công việc cụ thể trở về quê. Thành phố này cũng khuyến khích việc sắp xếp công việc linh hoạt với các ngành như công nghệ thông tin và nghiên cứu khoa học, để nhân viên có thể làm việc tại nhà.

Một cuộc khảo sát của chính phủ Trung Quốc cho biết 70% các nhà sản xuất và hơn 80% các công ty phần mềm tại Thượng Hải đã hoạt động trở lại trong tuần này, dù nhân viên chủ yếu làm việc tại nhà. 

Theo khảo sát 127 công ty của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, hầu hết các công ty Mỹ ở thành phố này cũng dự định yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. 

Mặc dù hầu hết chính quyền cấp tỉnh đã kêu gọi các công ty quay trở lại hoạt động trong tuần này, những quan chức ở cấp địa phương đang ra sức trì hoãn. Chẳng hạn, chính quyền thành phố Trung Sơn và Phật Sơn tại tỉnh Quảng Châu đã lùi thời hạn quay trở lại làm việc cho đến 1/3.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ - nền tảng cho việc làm và ổn định xã hội ở Trung Quốc - phải hứng chịu rủi ro lớn nhất từ những nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.

Một cuộc khảo sát gần đây từ các nhà nghiên cứu của đại học Thanh Hoa và Bắc Kinh cho thấy 67,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có đủ dự trữ tài chính để duy trì hoạt động trong hai tháng nếu doanh thu bị cạn kiệt. Khảo sát 995 công ty cũng cho thấy 30% công ty dự kiến doanh thu sẽ giảm ít nhất một nửa so với năm 2019.

Nhưng ngay cả khi các doanh nghiệp muốn khởi động lại công việc thì cũng phải được chính quyền cấp phép, nếu không doanh nghiệp sẽ bị phạt.

Ở Thâm Quyến, hai công ty điện tử đã bị đình chỉ hoạt động hơn một tháng. Người quản lí của một công ty công nghệ ở Hàng Châu đã bị giam giữ, doanh nghiệp của ông bị đình chỉ hoạt động vì che giấu thông tin với chính phủ để được chấp thuận cho hoạt động trở lại. 

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn

Ông Hua Changchun, nhà kinh tế trưởng của Guotai Junan Securities cho biết kể cả những công ty được phép hoạt động vẫn có thể cần tới một đến hai tháng nữa để đạt được công suất tối đa. Một phần là do vấn đề về chuỗi cung ứng.

Đi làm hay nghỉ tiếp: Câu hỏi lớn dành cho Trung Quốc - Ảnh 2.

Giao thông tại Vũ Hán, Hồ Bắc bị phong tỏa để ngăn chặn virus corona lây lan. Ảnh: AP.

Trong một hội nghị, ông Hua nói: "Về phía nguồn cung, nếu dịch bệnh kéo dài lâu thì có thể gây tổn hại đến chuỗi cung ứng và kênh xuất khẩu. Điều này sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế trong trung hạn".

Tỉnh Hồ Bắc có vai trò quan trọng đối với ngành công nghệ thông tin và xe hơi, và là trung tâm vận chuyển đối với nền kinh tế Trung Quốc. Việc phong tỏa tỉnh này lâu dài có thể gây ra tác động lớn đến chuỗi cung ứng quốc gia.

Ông Johnny Sze Chun-hong, Phó tổng giám đốc của hãng sản xuất đồ chơi Eastcolight ở một thành phố phía bắc tỉnh Quảng Đông - cho biết ông sẽ không khởi động lại sản xuất trước ngày 24/2 để chờ các nhà cung cấp.

Ông Sze nói: "Chúng tôi nghĩ nên chờ đợi một tuần nữa cho an toàn. Một số nhân viên vẫn chưa thể quay lại nhà máy vì gặp khó khăn trong giao thông. Chúng tôi cũng phải chờ các nhà máy chuỗi cung ứng khác hoạt động trở lại, vì hoạt động của công ty chúng tôi ở gần cuối dây chuyền sản xuất".

Ảnh hưởng tới các công ty đa quốc gia

SCMP cho biết một loạt các công ty đa quốc gia bao gồm Adidas, chuỗi thức ăn nhanh Yum China và KFC đã đóng cửa văn phòng và các cửa hàng ở Trung Quốc. Nhưng những công ty khác đang dần khởi động lại sản xuất.

Ngày 10/2, Foxconn Technology Group đã nối lại hoạt động sản xuất tại cơ sở lắp ráp iPhone chính ở thành phố Trịnh Châu, sau khi được phê duyệt.

Đi làm hay nghỉ tiếp: Câu hỏi lớn dành cho Trung Quốc - Ảnh 3.

Một số dây chuyền sản xuất của Huyndai phải tạm ngừng hoạt động. Ảnh: Teller Report

Hyundai và Kia Motors cho biết họ sẽ dần dần tăng sản lượng tại Hàn Quốc trong tuần này, khi các bộ phận quan trọng của những nhà cung cấp Trung Quốc quay trở lại hoạt động.

Trong khi đó, CNOOC - công ty mua khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất của Trung Quốc - nói với các nhà cung cấp rằng họ sẽ không thể thực hiện một số hợp đồng vì một số hoàn cảnh không lường trước được, ám chỉ đến dịch virus corona.

Các công ty có thể hoạt động lại vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản, từ cách li nhân viên cho đến kiểm tra sức khỏe.

Ông Arthur Lee Kam-hung - Giám đốc điều hành của Hong Kong X’tals, một công ty sản xuất thiết bị điện tử, cho biết sau khi trở về nhà máy tại Huệ Châu, Quảng Đông, ông đã bất ngờ nhận được thông báo rằng các nhân viên phải cách li trong kí túc xá từ 7 đến 14 ngày.

Ông Lee nói: "Đây thực sự là một mớ hỗn độn lớn. Ban đầu chúng tôi đã lên kế hoạch cho 1/4 số công nhân quay lại làm việc vào ngày 10/2, và những người còn lại sẽ tiếp tục từ ngày 12."

"Chúng tôi thực sự bị bất ngờ bởi phải chờ đợi thêm 7 ngày nữa. Điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên rất khó khăn. Các khách hàng quốc tế của chúng tôi đang phàn nàn về việc chậm giao hàng".

Ông Lee cho biết bản thân không quá lo lắng về việc lây truyền virus corona khi nhà máy được hoạt động, vì đã có các biện pháp phòng ngừa. Công nhân sẽ được đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ hai lần một ngày, và nhân viên bị sốt sẽ được cho về nhà. Chính phủ Trung Quốc cũng đang giúp đỡ đào tạo y tế và giám sát công nhân nhà máy.

"Mọi chuyện vẫn ổn miễn là chúng tôi có khẩu trang. Nhưng khẩu trang cũng lại là một mối lo ngại khác, vì số lượng chúng tôi có chỉ đủ dùng trong hai tuần nữa".

Giang