ĐHĐCĐ Vinaconex: Đầu tư dự án Splendora đến cùng, trừ trường hợp đối tác đưa ra giá quá tốt
Lợi nhuận sau thuế quý I của công ty mẹ Vinaconex gần 140 tỷ đồng
Sáng ngày 17/4, Tổng công ty Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.
Năm 2018, Vinaconex đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất hơn 4.490 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 491 tỷ đồng, giảm 54%. Tuy nhiên nếu loại trừ doanh thu và lợi nhuận từ việc thoái vốn 100% tại công ty con Viwasupco thì kế hoạch doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi tăng 20,8% và 7%.
Với hại trụ cột chính sau tái cơ cấu của Vinaconex, Công ty TNHH Vinaconex Xây dựng (Vinaconex CM) kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 1.917 tỷ và 24 tỷ đồng; Công ty TNHH Vinaconex Đầu tư (Vinaconex Invest) lần lượt là 761 tỷ và 10,6 tỷ đồng.
Ông Đỗ Trọng Quỳnh - TGĐ Vinaconex cho biết, kế hoạch lợi nhuận hai công ty con chưa cao do đây đều là các doanh nghiệp mới, đầu tư ban đầu lớn, chưa phản ánh được lợi nhuận, mà sẽ dồn lại vào các năm sau.
Trong quý I, công ty mẹ Vinaconex ước doanh thu 438 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 138 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch năm.
Đại hội cổ đông Vinaconex ngày 17/4 |
Vinaconex sẽ đầu tư dự án Bắc An Khánh đến cùng, trừ trường hợp đối tác đưa ra giá quá tốt
Đầu năm 2018, Posco E&C đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại dự án khu đô thị Bắc An Khánh (Splendora), tương ứng 50% vốn điều lệ An Khánh JVC cho Công ty CP Địa ốc Phú Long - thành viên thuộc Tập đoàn Sovico với giá 680 tỷ đồng/340 tỷ đồng phần vốn góp của Posco E&C tại An Khánh JVC. Số tiền này gấp 2 lần giá trị vốn góp ban đầu, trong đó chưa bao gồm nghĩa vụ tài chính khác mà Phú Long sẽ phải thanh toán thay cho Posco E&C.
Đánh giá về đối tác đầu tư Sovico Phú Long, đại diện Vinaconex cho biết, đối tác có tiềm lực mạnh và đang triển khai nhiều dự án lớn tại TP HCM, tổng số gần 10 dự án, Sovico hiện nắm 76% vốn Phú Long. Trong quá trình đầu tư, Vinaconex yêu cầu Sovico không được giảm tỷ lệ sở hữu tại Phú Long.
Từ khi nhận chuyển nhượng dự án, Phú Long đóng góp nhiều ý tưởng, tuy nhiên quan điểm của Vinaconex là ý tưởng mới nhưng phải triển khai nhanh dự án, đem doanh thu về trả nợ.
Theo kế hoạch dòng tiền của dự án Bắc An Khánh, hết năm 2019 sẽ có lãi. Đến năm 2022, sẽ trả hết nợ cũ sau đó là sinh lời.
Liên quan đến việc có bán thêm cổ phần cho Phú Long không, ông Chi cho biết Vinaconex chưa có kế hoạch. Quan điểm của Vinaconex là doanh nghiệp sẽ đi đều bằng hai chân, một chân xây dựng, một chân bất động sản. Dự án Bắc An Khánh chính là chân bất động sản của công ty.
Vinaconex sẽ đầu tư đến cùng, trừ trường hợp đối tác đưa dược giá quá tốt, hiệu quả hơn tự triển khai, Vinaconex sẽ xem xét.
Theo cập nhật của ông Chi, hiện toàn bộ thự trong tiểu thu BT5 dự án Bắc An Khánh xây dựng gần như hoàn thành, và có khách hàng mua hết.
SCIC lên hai phương án thoái vốn Vinaconex
Năm 2017, SCIC đấu giá 22% vốn Vinaconex nhưng kết quả không đạt. Năm 2018, theo Quyết định 1001 của Thủ tướng Chính phủ thì Vinaconex vẫn nằm trong danh sách thoái toàn bộ vốn Nhà nước, hạn cuối là năm 2020.
Nếu trong 2018 mọi thứ thuận lợi,SCIC sẽ tiến hành thoái vốn, lãnh đạo Công ty cho hay. Hiện SCIC lên hai phương án, một là tiếp tục thoái nốt 22% của năm 2017 chưa hoàn thành, hai là thoái toàn bộ, quan trọng là tìm được nhà đầu tư và có người quan tâm.
Cần huy động tối thiểu 1.700 tỷ đồng vốn đầu tư trong năm 2018
Trong năm 2018, Vinaconex cho biết cần khoảng 1.000 tỷ đồng để triển khai dự án Bắc An Khánh (Splendora), thực hiện hợp đồng hứa mua hứa bán giá trị 3.514 tỷ đồng. Công ty cũng đang nghiên cứu triển khai các dự án BT, BOO, BOT đặc biệt là dự án Đường cao tốc Bắc – Nam, theo quy định phải có 30% vốn tự có đối ứng để thực hiện dự án. Do đó nhu cầu sử dụng vốn trong năm 2018 của Vinaconex tối thiểu là 1.700 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vinaconex dự kiến góp gần 27 tỷ đồng tăng vốn tại Vinaconex P&C lên 570 tỷ đồng; góp thêm 50 tỷ đồng vào Công ty Xây dựng Vinaconex nâng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng; 298 tỷ đồng vào Công ty Đầu tư Vinaconex tăng vốn điều lệ lên 300 tỷ đồng. Theo đề án thành lập, năm 2018 VCG dự kiến tăng vốn điều lệ Vinaconex Invest lên ít nhất 400 tỷ đồng để nhận toàn bộ vốn đầu tư tại CTCP BĐS Vinaconex và Công ty TNHH Thủy tinh Pha lê Bohemia Hà Nội và tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác.
Tổng công ty đang mua vốn công ty dự án với giá trị vốn đầu tư khoảng 128 tỷ đồng để có quỹ đất đầu tư bất động sản tại Bắc Ninh. VCG có thể mua trực tiếp hoặc thông qua Vinaconex Invest.
Năm 2018, Vinaconex sẽ thành lập thêm một số công ty để thực hiện quản lý các nguồn lực hiện có như CTCP quản lý hệ thống trường Lý Thái Tổ, CTCP Thực hiện đầu tư, xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao Hòa Lạc…
Về kế hoạch sắp xếp, Vinaconex chia hệ thống các công ty con thành 3 nhóm. Cụ thể, Vinaconex giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 51% vốn điều lệ tại 8 công ty gồm Vinaconex 1, Vinaconex 17, Vinaconex 25, Vimeco, Vinahud, Vinasinco, Vinaconex Mec, Viwaco. Giữ nguyên vốn tại Vinaconex P&C, NEDI 2 và An Khánh JVC, đầu tư thêm vốn theo lộ trình phát triển. Nhóm thoái vốn toàn bộ và các đơn vị yếu kém sẽ dừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.
Năm 2021, hai công ty con Vinaconex CM và Vinaconex Invest dự kiến đạt doanh thu 18.000 tỷ đồng
Định hướng trong giai đoạn 2017 – 2022, Vinaconex tập trung phát triển hai công ty nòng cốt Vinaconex CM và Vinaconex Invest.
Vinaconex CM được thành lập năm 2017 vốn 200 tỷ đồng, dự kiến tăng vốn lên 500 tỷ đồng vào năm 2021. Doanh thu trong năm 2021 đạt 8.000 tỷ đồng và lợi nhuận 165 tỷ đồng.
Vinaconex Invest sẽ tăng lên 1.000 tỷ đồng vào năm 2021. Sản lượng đầu tư theo kế hoạch là 11.870 tỷ đồng, doanh thu 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận 500 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với ông Nguyễn Minh Quang (lý do nghỉ công tác tại Viettel, đã có đơn xin từ nhiệm). Cổ đông Viettel bầu ông Bùi Anh Vũ lên thay thế.