|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Thép Nam Kim: 'Quý II chắc chắn hoàn thành kế hoạch năm'

13:47 | 24/04/2021
Chia sẻ
Dù đặt kế hoạch cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây và đã bao gồm sự thận trọng, nhưng ban lãnh đạo Nam Kim vẫn khẳng định chắc chắn hoàn thành kế hoạch 600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2021.
ĐHĐCĐ Thép Nam Kim: 'Quý II chắc chắn hoàn thành kế hoạch năm' - Ảnh 1.

Ban quản trị của Nam Kim. (Ảnh: Minh Hằng).

Sáng 24/4, CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2021 với  127 cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 111 triệu cổ phiếu, tương ứng 67,39% số cổ phần có quyền biểu quyết. Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

'Chắc chắn hoàn thành kế hoạch 600 tỷ đồng lợi nhuận'

Đại hội đã trình cổ đông kế hoạch doanh thu dự tính 16.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 600 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 38% và 103% so với thực hiện năm trước.

NKG - Ảnh 1.

Nguồn: M.H tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của NKG.

Theo ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc công ty, kế hoạch doanh thu được đặt ra đầu năm khi giá thép đang ở mức 700 - 750 USD/tấn, thấp so với mức hiện tại là 900 - 950 USD/tấn. Ông Vũ cho biết doanh thu năm nay của công ty có thể đạt tới 19.000 - 20.000 tỷ đồng.

Còn ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) khẳng định kế hoạch hiện tại của công ty đã bao gồm sự thận trọng trong đó. Đến quý II sẽ hoàn thành kế hoạch năm. "Con số mục tiêu lợi nhuận 600 tỷ đồng công ty sẽ kiểm soát được và chắc chắn hoàn thành", ông Quang khẳng định.

Về kế hoạch cổ tức, công ty dự kiến trả tối đa 10% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Năm 2020, Nam Kim đã tạm ứng cổ tức đợt 1 bằng tiền mặt tỷ lệ 3% (300 đồng/cp). Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đề xuất trả tiếp cổ tức đợt cuối năm 2020 với giá trị bằng 7% lợi nhuận sau thuế và thanh toán bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Nam Kim đã trình cổ đông thông qua phương án thưởng bằng cổ phiếu tỷ lệ 13%, nguồn vốn lấy từ thặng dư cổ phần.

HĐQT cũng đề nghị đại hội phê chuẩn phương án chào bán tối đa 1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Đối tượng được mua là các cán bộ quản lý, không bao gồm Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc.

Giá chào bán dự kiến bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp, bằng 38% giá NKG chốt phiên 23/4. Thời gian phát hành trong năm 2021, cổ phiếu ESOP không bị hạn chế chuyển nhượng.

*Phần thảo luận:

Câu hỏi: Kế hoạch năm 2021 có đang cao quá khi rủi ro giá thép đảo chiều?

Tổng Giám đốc Nam Kim khẳng định kế hoạch hiện tại đã bao gồm yếu tố thận trọng. Hiện tại các doanh nghiệp thép khác đang hưởng lợi và có hiệu quả nhờ việc giá thép tăng. Quan trọng là vấn đề quản trị rủi ro của mỗi công ty như thế nào.

ĐHĐCĐ Thép Nam Kim: 'Quý II chắc chắn hoàn thành kế hoạch năm' - Ảnh 3.

Ông Võ Hoàng Vũ, Tổng Giám đốc Nam Kim đang phát biểu trước cổ đông. (Ảnh: Minh Hằng).

Hiện tại, NKG đã chốt các hợp đồng trước nên công ty có thể kiểm soát được nếu giá thép quay đầu đảo chiều.

Ông Vũ thông tin thêm, giá thép vẫn có thể xoay chiều rất bất ngờ. Nhưng cần nhìn lại năm 2020, tình hình sản xuất tiêu thụ đình đốn. Chắc chắn trong ngắn hạn, năm 2022 - 2023, kinh tế sẽ khôi phục và sản lượng tiêu thụ thép theo đó sẽ tăng lên.

Chưa kể, thị trường Mỹ và châu Âu đang thiếu cung, trong khi số lượng các lò cao để sản xuất tại khu vực này không đáp ứng đủ nhu cầu. Trong 10 năm qua, các lò cao tập trung ở Trung Quốc nhưng Hiện Trung Quốc đang siết chặt nguồn cung thép khi hoạt động sản xuất thép tại thủ phủ nước này đang gây ô nhiễm.

Do đo, Nam Kim có thế chuyển giá tăng nguyên liệu vào giá xuất khẩu ngay. Với thị trường nội địa, giá nguyên liệu và giá bán vẫn còn độ trễ nhưng không quá chênh lệnh, doanh nghiệp cho biết vẫn đang kiểm soát tốt.

Câu hỏi: Xin công ty chia sẻ thêm về kế hoạch đầu tư nhà máy Chu Lai?

Năm 2019, do Nam Kim không khai thác và bán hàng hết công suất nhà máy nên công ty chuyển một phần hoạt động ra miền Trung. Song hiện tại, theo đánh giá của Tổng Giám đốc công ty, mảng bán hàng của Nam Kim hiện rất tốt và thị trường miền Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Do đó, Nam Kim cho biết sẽ ưu tiên phát triển các dịch vụ tại khu vực miền Nam, mà cụ thể là Bình Dương để nâng cao hiệu quả hoạt động cho công ty.

Ông Vũ cũng nói thêm nếu đầu tư ở nhà máy Chu Lai thì nguyên liệu không đủ để cung cấp cho thị trường ở đây, do đó công ty đang làm chậm lại ở khu vực này. Với nhà máy ở Chu Lai, Nam Kim mới dừng ở việc nhận đất, chi phí bỏ ra khoảng 1 triệu USD nên việc làm chậm lại không ảnh hưởng nhiều đến công ty.

Câu hỏi: Công ty có kế hoạch chuyển nhượng đất ở Mỹ Xuân, Bà Rịa - Vũng Tàu không?

Chủ tịch HĐQT trả lời, định hướng của Nam Kim là hoàn thiện tối đa công suất của các nhà máy hiện tại thông qua việc mua thêm máy móc thiết bị. Cho tương lai, hiện công ty đã mua để dành 3 ha đất tại Mỹ Xuân bởi giá đất ở Mỹ Xuân đã tăng gấp ba lần và quỹ đất khu công nghiệp ngày càng khan hiếm. 

Trong vòng 1, 2 năm tới, công ty chưa có kế hoạch đầu tư thêm nhà máy nhưng nếu thị trường tốt lên, công ty sẵn sàng xây dựng nhà máy và thậm chí có thể chuyển qua miếng đất khác rộng hơn để đáp ứng nhu cầu.

Câu hỏi: Xin công ty chia sẻ thêm nhà máy bột giấy Dae Myung Paper Việt Nam mới mua?

Theo chia sẻ của ban lãnh đạo, bản chất việc mua nhà máy bột giấy từ Hàn Quốc là mua đất để xây dựng kho bãi và nhà máy ống thép hàn.

Hiện tại công suất của các nhà máy của Nam Kim đang quá tải. Công ty có kế hoạch tách và di dời các hoạt động liên quan đến kho hàng cho thị trường nội địa và nhà máy ống thép hàn ra khỏi nhà máy tôn mạ để tập trung sản xuất hiệu quả hơn.

Câu hỏi: Năm 2020, công ty đã mua 10 triệu cổ phiếu quỹ, công ty có kế hoạch bán cổ phiếu quỹ vào năm 2021 không?

Chủ tịch trả lời, do giá thép tăng và tình hình tài chính công ty đang tốt nên chúng tôi chưa có kế hoạch bán ra cổ phiếu quỹ. Ông Quang khẳng định, công ty sẽ bán nhưng sẽ bán thời điểm đảm bảo lợi ích cho cổ đông.

Ông Quang trấn an, Nam Kim vẫn sẽ kiểm soát được giá thép đến quý III nên cổ đông hãy yên tâm về giá bán. Tới quý IV thì chắc chắn nhu cầu vẫn còn cao.

Câu hỏi: Dự báo giá thép cán nóng (HRC) trong thời gian tới?

Hiện tại giá HRC đã 960 USD/tấn, vẫn còn thấp so với thị trường châu Âu Mỹ (1.100 USD/tấn). Do đó nhiều khẳ năng giá thép sẽ vượt mốc 1.000 USD/tấn.

Câu hỏi: Nam Kim có kế hoạch nâng công suất nhà máy và có dự định tăng vốn không?

Ban lãnh đạo chia sẻ, với tình hình hiện tại, công ty sẽ không nâng công suất các nhà máy nhưng sẽ mua thêm thiết bị để tối ưu công suất.

Về việc tăng vốn, công ty chưa có chủ trương. Nhưng nếu thị trường tốt lên, ban lãnh đạo sẽ xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn.

Minh Hằng