|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ PV Power: Tập trung thu hồi công nợ, ưu tiên phát triển dự án cung cấp khí LNG

23:16 | 13/06/2020
Chia sẻ
Bên cạnh việc đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được giao, PV Power đặt mục tiêu trong năm nay tập trung thu hồi công nợ, đẩy nhanh công tác thoái vốn, đồng thời phấn đấu trở thành đơn vị đầu tiên vận hành nhà máy cung cấp khi LNG tại Việt Nam.
ĐHĐCĐ PV Power: - Ảnh 1.

Ảnh: Thu Thảo

Sáng ngày 12/6, Tổng CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, Mã: POW) đã tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020 tại Hà Nội.

ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần 35.350 tỉ đồng, giảm nhẹ so với thực hiện 2019; lợi nhuận sau thuế giảm 28% còn 2.044 tỉ đồng. Mức trả cổ tức năm 2020 là 3% bằng tiền mặt.

Tại đại hội, cổ đông công ty đã thông qua dự án đầu tư xây dựng hai nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 tại tỉnh Đồng Nai với tổng công suất khoảng 1.300 - 1.760 MW. Mức đầu tư dự kiến hơn 32.400 tỉ đồng, trong đó 75% huy động từ vốn vay, 25% từ vốn chủ sở hữu.

Dự án này được kì vọng góp phần giảm thiếu hụt điện năng trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng cường nguồn điện cho trung tâm phụ tải phía Nam và giảm tổn thất truyền tải do nhà máy nằm trong khu vực trung tâm phụ tải, bên cạnh đó thúc đẩy việc đầu tư xây dựng kho cảng LNG và hệ thống cung cấp bù khí cho các nhà máy điện khí miền Nam.

Chia sẻ thêm về dự án, Đại diện Power cho biết hai dự án dự kiến sẽ được phê duyệt vào tháng 6/2020 và vận hành thương mại lần lượt vào quí IV/2023 (NMĐ Nhơn Trạch 3) và quí II/2024 (NMĐ Nhơn Trạch 4).

ĐHĐCĐ PV Power: - Ảnh 2.

Các bên tham gia dự án NMĐ Nhơn Trạch 3&4. Ảnh: Thu Thảo

Ba bên chính tham gia vào dự án bao gồm: PV Gas đóng vai trò kho cảng LNG, PV Power là chủ đầu tư, còn EVN là bên mua điện.

Từ đó, hình thành nên hai hợp đồng chính là hợp đồng mua bán khí (GSA) và hợp đồng mua bán điện (PPA). Về cơ bản, cơ chế đã được Chính phủ cũng như Bộ Công thương cho phép chuyển ngang giá khí từ hợp đồng GSA sang hợp đồng PPA.

Liên quan đến nguồn khí đầu vào, cổ đông công ty đã thông qua phương án mua bổ sung thêm nguồn khí của Petronas để bổ sung thêm nguồn khí cho nhà máy điện Cà Mau 1&2. Theo Ban lãnh đạo PV Power, giải pháp duy nhất để các nhà máy không phải dừng hoạt động là mua khí từ các đường ống sẵn có đưa về, cần phải mua khí để bù đắp lượng thiếu hụt...

Công nợ tồn đọng hơn 5.000 tỉ đồng của EVN/EPTC

Theo ông Vũ Quốc Hải, nợ phải thu quá hạn tại PV Power tại thời điểm 31/12/2019 lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Do đó, thời gian qua, tổng công ty đã tập trung làm việc với các Bộ ngành để giái quyết tình trạng trên. Tính đến thời điểm hiện tại, nợ phải thu tại EVN/EPTC chỉ còn hơn 5.000 tỉ đồng, giảm 2.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm.

Chia sẻ thêm về các khoản nợ tồn đọng, Chủ tịch HĐQT PV Power Hồ Công Kỳ cho biết nợ xấu giữa tổng công ty và EVN từng có giai đoạn lên tới hơn 13.000 tỉ đồng. Còn khoản công nợ mới phát sinh từ tháng 2/2018 do EVN đơn phương giữ lại phí công suất trong NMĐ Cà Mau hiện đã lên tới gần 1.500 tỉ đồng.

Theo hợp đồng, đơn giá công suất được xác định là 5,275 USD/KWh kèm điều kiện thanh toán theo tỉ giá tại thời điểm thanh toán. Do EVN tự động thanh toán theo tỉ giá năm 2008 (tỉ giá phê duyệt trong tổng mức đầu tư dự án) dẫn đến con số chênh lệch nêu trên.

Cho đến thời điểm hiện tại, Tổng công ty đã báo cáo lên PVN, Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước (SCIC) và Thủ tướng, đồng thời chờ đợi quyết định cuối cùng từ phía cơ quan quản lí.

Đối với kế hoạch thoái vốn, ông Kỳ cho biết công tác thoái vốn tại một số đơn vị gặp khó khăn do đặc trưng ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, luật pháp hiện nay chưa có luật thoái vốn ở các công ty cổ phần chưa đại chúng mà các cổ đông là công ty cổ phần đã đại chúng.

"Thoái vốn phải đảm bảo minh bạch, bảo toàn phát triển vốn và đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp và cho cổ đông, do đó chúng tôi không dám thoái vốn dưới mệnh giá khi hành lang pháp lí chưa đủ", ông Kỳ khẳng định.

Trả lời cổ đông về việc hai nhà máy thủy điện Hủa Na và Đakđrinh chưa vận hành tối ưu và có chiến lược chào giá vào thời điểm giá cao, ông Hồ Công Kỳ khẳng định hai nhà máy đã có 6-7 năm hoạt động, có kinh nghiệm chào giá và đã được vận hành tối ưu. Tuy nhiên, việc việc vận hành các nhà máy thủy điện cần cân đối giữa việc vận hành lên hồ chứa và đảm bảo nước cho hạ du cấp nước để sản xuất và phục vụ đời sống dân sinh.

"Hiện Hủa Na đã có lãi tích lũy nhưng hiện nay đang tập trung trả nợ, do đó khoảng 2-3 năm tới đây, nhà máy này sẽ trở thành con gà đẻ trứng vàng cho các cổ đông. Còn Đakđrinh vẫn trong quá trình quyết toán và đàm phán lại giá điện với EVN."

Giảm tỉ trọng đầu tư vào dự án Luang Prabang

Trước thắc mắc của cổ đông về việc công ty đầu tư vào dự án Luang Prabang trong khi hàng loạt nhà máy thủy điện đang do Lào, Trung Quốc, Camphuchia xây dựng đã chết trên dòng sông Mekong của cố đô này, ông Lê Như Linh - Tổng Giám đốc PV Power cho biết công ty đã nhiều lần xin phép không tham gia dự án Luang Prabang.

Tuy nhiên sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, bao gồm mối quan hệ giữa chính phủ hai bên và các cam kết trước kia, PV Power đề xuất được tham gia góp vốn với tỉ lệ 10% - 12% thay vì khoảng 38% như dự định ban đầu.

"Phương án của chúng tôi là sử dụng hiệu quả của dự án để thế chấp vay vốn chứ không mang một xu nào của mình sang Luang Prabang, thay vào đó, các ngân hàng sẽ cho vay", ông Linh khẳng định.

Liên quan đến mảng đầu tư năng lượng sạch, cổ đông cho ý kiến cơ hội đầu tư điện mặt trời của PV Power đã qua, trong khi điện gió thì đang chậm chân hơn các doanh nghiệp khác.

"Điện mặt trời có thể hết cơ hội ở đâu đó chứ không hết cơ hội đối với các mặt hồ của chúng tôi, không hết cơ hội với các giàn khai thác dầu ở ngoài biển và càng không hết cơ hội trên các mái nhà trong toàn tập đoàn. Năm nay, giá điện triển khai rất cao, khoảng 1.900 đồng/kWh điện", ông Linh cho hay.

Theo đánh giá của Tổng giám đốc PV Power, mảng điện gió rất hấp dẫn tuy nhiên hiện tại tổng công ty sẽ ưu tiên đầu tư phát triển dự án cung cấp khí LNG. "Điện gió rất ngon nhưng phải từ từ rồi tính. Không thể cùng một lúc ăn rất nhiều miếng ngon được, lúc đó sẽ thành không ngon."

Đến thời điểm hiện tại, PV Power là đơn vị duy nhất tại Việt Nam hoàn thành lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện khí LNG, do đó mục tiêu tới đây của Tổng công ty là trở thành doanh nghiệp đầu tiên vận hành nhà máy sử dụng điện khí LNG.

ĐHĐCĐ PV Power: Tập trung thu hồi công nợ, ưu tiên phát triển dự án cung cấp khí LNG - Ảnh 3.

Cổ đông thảo luận tại cuộc họp. (Ảnh: Thu Thảo

Trả lời chất vấn của cổ đông về việc một số công ty con thành viên hoạt động chưa thật sự hiệu quả trong khi vai trò kiểm soát của Tổng công ty chưa thực sự rõ ràng. Đơn cử như việc PV Machino đầu tư vào mảng ô tô trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp và nhiều đại lí ô tô lớn có kinh nghiệm còn đang chịu cảnh lao đao.

Phản biện lại ý kiến trên, ông Linh cho biết ở các đơn vị công ty cổ phần, Tổng công ty tôn trọng các cổ đông bên ngoài, tôn trọng qui chế riêng của các công ty con. Đồng thời vẫn sẽ đảm bảo công ty con và tổng công ty hoàn thành đúng kế hoạch được giao.

"Với riêng PV Machino, chúng tôi kì vọng đơn vị này sẽ trở thành cánh tay đắc lực, tham gia cung cấp và giúp chúng tôi quản lí máy móc, vật tư thiết bị đầu vào. Machino không chỉ sống nhờ thương mại, Machino phải sống nhờ đầu tư, vì thực tế đơn vị này đang được nuôi sống chủ yếu nhờ cổ tức từ đầu tư.

Và tôi cũng hi vọng trong thời gian tới Machino tiếp tục đầu tư. Đầu tư thì phải đi trước đón đầu, khi mọi người cùng nhận ra cơ hội thì đã muộn. Do đó, việc đầu tư vào ô tô trong bối cảnh khó khăn này có thể đến từ mong muốn đi tắt đón đầu của Machino", ông Linh nhận định.

Thu Thảo