ĐHĐCĐ Ngân hàng OCB: Giá cổ phiếu 'rẻ như rau' làm sao có thể niêm yết?
Trong năm 2017, OCB không có kế hoạch niêm yết nhưng có dự kiến tăng vốn thêm 1.000 lên 5.000 tỷ đồng, đây vốn là kế hoạch của năm 2016 vẫn chưa được hoàn thành. Theo kế hoạch được đại hội thông qua, OCB sẽ phát hành 5% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu (không bao gồm cổ phiếu quỹ) khoảng 195 tỷ đồng, còn lại 805 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc.
Nguồn vốn tăng thêm được dùng để đầu tư cơ sở vật chất hơn 180 tỷ đồng, bổ sung vốn để đầu tư và cho vay 819 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đại hội ủy quyền cho HĐQT ngân hàng quyết định.
Cổ đông thắc mắc việc thị giá cổ phiếu OCB hiện dưới mệnh giá với mức khoảng 7.000 đồng/cp (thấp hơn rất nhiều so với giá cổ đông mua cách đây nhiều năm), liệu có ảnh hưởng đến kế hoạch tăng vốn của OCB trong năm nay, kế hoạch niêm yết từ nhiều năm trước đến nay vẫn chưa thực hiện. Mặt khác, cổ đông cũng chưa hài lòng với mức cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% như hiện nay.
Chủ tịch OCB Trịnh Văn Tuấn cho rằng mức cổ tức này không phải ngân hàng nào cũng có được. Ban lãnh đạo phải cân đối chiến lược đầu tư dài hạn với quyền lợi của cổ đông trước mắt để chia cổ phiếu bằng tiền mặt hay cổ phiếu.
Sau 6 năm gắn bó, ông Tuấn đánh giá OCB đã có nhiều thay đổi vượt bật; điển hình như xếp hạng doanh thu thuần của Ngân hàng tăng từ bậc 26 lên 17, lợi nhuận lên bậc 15 và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ (ROE) ở mức trên 10%. OCB trở thành một trong 10 ngân hàng có suất sinh lời tốt nhất thị trường hiện nay, điều này phản ánh nỗ lực của hàng nghìn cán bộ công nhân viên của Ngân hàng trong những năm qua, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngân hàng muốn tồn tại và phát triển cần phải nâng cao năng lực tài chính. Kế hoạch tăng vốn năm qua không thể thực hiện được bởi thị trường còn khó khăn do khủng hoảng kéo dài, OCB cũng không nằm ngoại lệ, ông Tuấn chia sẻ.
Trấn an cổ đông về giá cổ phiếu “rẻ như rau”, ông Tuấn lạc quan trong 1 đến 2 năm tới, thị giá cổ phiếu OCB sẽ không dưới 10.000 đồng/cp. Với tỷ suất ROE 2016 là 10%, kế hoạch 2017 là 14% thì điều này sẽ tạo giá trị thực cho cổ phiếu. “OCB đang có tín hiệu tốt, xu hướng tốt, cần thêm thời gian ngắn nữa thì cổ đông sẽ không quá buồn chuyện giá cổ phiếu dưới mệnh giá, chia cổ tức cũng sẽ ở mức trung bình trên thị trường”, ông Tuấn nói.
'Niêm yết với mục đích huy động vốn chứ không theo trào lưu'
Năm 2017, OCB đặt kế hoạch dư nợ tín dụng tăng 13%, lên lần lượt 43.942 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 40%, lêm 60.480 tỷ đồng. Tăng mạnh nhất là hoạt động đầu tư với 98%, lên 27.334 tỷ đồng. Tổng tài sản ước tăng 33%, lên 85.100 tỷ đồng.
Lãi trước thuế mục tiêu đạt 780 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với năm 2016. ROE và ROA lần lượt là 14,4% và 0,8%. Nợ xấu (bao gồm nợ bán cho VAMC) từ 2,5% về mức 1,97%. Đồng thời, OCB chuyển dịch cơ cấu tài sản theo hướng giảm tỷ trọng nợ trung dài hạn về mức 64%, nâng tỷ lệ thu phí dịch vụ trên tổng thu thuần trên 12%.
(Nguồn: OCB). |
OCB muốn tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, thành lập công ty tài chính và công ty quản lý nợ | |
Moody's lần đầu xếp hạng tín nhiệm mức B2 cho Ngân hàng Phương Đông |
Về việc “lỡ hẹn” kế hoạch niêm yết, ông Tuấn cho hay, OCB đang có những chiến lược phát triển của ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thị trường còn nhiều xấu tốt lẫn lộn. Để phân biệt OCB với những ngân hàng khác, ngoài lợi nhuận thì việc trải qua thời kỳ khủng hoảng tác động lên cổ phiếu ngân hàng không được phản ánh đúng nghĩa.
Ông Tuấn nhìn nhận, để huy động vốn dễ thì giá trị cổ phiếu OCB phải cao, muốn tăng trưởng thì phải tăng vốn. “Thời gian qua OCB không lên UPCoM bởi giá cổ phiếu “như mớ rau” thì không có ý nghĩa”, ông Tuấn chia sẻ. Bên cạnh đó, niêm yết với mục đích huy động vốn chứ không theo trào lưu. Do đó, ông Tuấn cho rằng niêm yết cần thời gian phù hợp nhưng cũng không để cổ đông đợi quá lâu.
ĐHĐCĐ thường niên 2017 của OCB. (Ảnh: Tiến Vũ). |
Xu hướng tài chính tiêu dùng sẽ tăng trưởng nhanh
Liên quan đế việc thành lập công ty tài chính (vốn 500 tỷ đồng) và công ty công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc Ngân hàng (vốn 100 tỷ đồng), Tổng Giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho hay ba năm trước, OCB đã có chủ trương hoạt động ở mảng cho thuê tài chính. Hiện nay Ngân hàng có một ban chuyên hoạt động trong tài chính tiêu dùng và năm 2017 bắt đầu có lợi nhuận. Theo ông Tùng, xu hướng chung hoạt động này sẽ tăng trưởng nhanh.
OCB xét thấy một công ty tài chính trực thuộc ngân hàng sẽ không phải lo về vấn đề nguồn vốn nhưng gặp khó khăn với lãi suất cho vay cao và bằng tín chấp. Khi tình hình kinh tế biến đổi sẽ tác động đến ngân hàng mẹ, do đó OCB muốn tách ra thành công ty độc lập, ông Tuấn cho biết.
Mặt khác, ngành ngân hàng đang trong giai đoạn tái cấu trúc nên việc thành lập công ty tài chính cũng không dễ dàng, theo đó, OCB đưa ra thêm phương án mua công ty tài chính hiện có trên thị trường, mục tiêu sẽ tách ra từ khối kinh doanh tài chính tiêu dùng OCB.
Đối với việc thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản nhằm tách riêng một số hoạt động như quản lý tài sản, giám sát nợ liên quan đến kinh doanh bất động sản, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước các ngân hàng thương mại không được phép hoạt động kinh doanh bất động sản.
Định hướng đến 2020, ROE bình quân 14%/năm
Đối với dự án Basel II đang được OCB triển khai và hoàn tất tuân thủ vào tháng 9/2017. Ngoài ra, trong năm nay Ngân hàng đưa vào hoạt động thêm 9 phòng giao dịch, nâng tổng số giao dịch lên 116 điểm. Ngoài ra, OCB cũng lên kế hoạch xin phép mở thêm 8 phòng giao dịch trong năm 2017 để nâng tổng số lên 124 điểm.
Định hướng đến năm 2020, OCB duy trì quy mô tăng trưởng số lượng khách hàng 40%/năm, hệ số CAR trên 9,5%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Khả năng sinh lời phấn đấu ROE đạt trên 14%/năm.