ĐHĐCĐ KDF: KIDO muốn gom KDF, TAC, Vocarimex về một mối
Theo báo cáo của ban điều hành, trước thực trạng cạnh tranh ngày càng cao của ngành kem, công ty đã thực hiện việc qui hoạch lại sản phẩm ở cả phân khúc cao cấp và trung cấp, tập trung vào các sản phẩm lõi nhằm cải thiện chất lượng, gia tăng lợi nhuận và giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường kem.
Trong năm 2019, các dòng sản phẩm được KIDO Foods tung ra thị trường khá thành công như kem dưa hấu, kem trà sữa,... bắt kịp trào lưu ăn vặt của giới trẻ, kéo lại thị phần ăn vặt cho ngành kem và xây dựng nền tảng để từng bước mở rộng thâm nhập vào các nước Đông Nam Á.
Đối với ngành thực phẩm đông lạnh, do diễn biến giá nguyên liệu tăng liên tục, công ty đã tạm hoãn kế hoạch mở rộng qui mô, thay vào đó, KDF thử nghiệm nhập khẩu một số sản phẩm, tập trung giữ vững thị trường chờ thời điểm thích hợp để mở rộng trong tương lai.
Đối với ngành sữa chua, do sự cạnh tranh khốc liệt trong phân khúc sữa chua hũ, do đó, trong thời gian tới công ty sẽ tập trung sang phân khúc cao cấp theo hướng đông lạnh như sữa chua ăn và đông lạnh để gia tăng doanh số.
Nhìn chung, trong năm 2019, công ty đã tập trung vào các ngành hàng, sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao cấp, tập trung phát triển thị trường trọng điểm giúp đẩy mạnh cả doanh thu và lợi nhuận.
Kết thúc năm 2019, KIDO Foods ghi nhận doanh thu tăng 1.383 tỉ đồng, tăng 10%; lợi nhuận trước thuế đạt 185 tỉ đồng, gần gấp 5 lần so với năm 2018.
Năm 2020, HĐQT KIDO Foods muốn trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu 1.600 tỉ đồng, tăng 15,7%; lợi nhuận trước thuế 200 tỉ đồng, tăng 7,9% so với năm 2019.
Đáng chú ý, KDF dự kiến sẽ thực hiện phương án chi trả cổ tức đặc biệt năm 2020, tỉ lệ 30% mệnh giá, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 3.000 đồng. Thời gian thực hiện sẽ trước việc hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập vào KDC. Với cổ tức năm 2019, KDF thống nhất trả cổ tức tiền mặt 14%.
Ngoài ra, KDF cũng sẽ thực hiện bầu ra HĐQT nhiệm kì mới kéo dài đến 2025, các ứng viên bao gồm ông Trần Kim Thành, ông Trần Lệ Nguyên, ông Trần Quốc Nguyên, ông Nguyễn Quốc Bảo và bà Nguyễn Thị Thanh Vân.
Sáp nhập KDF vào KDC
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh và cổ tức, Hội đồng quản trị KIDO Foods cũng trình lên cổ đông phương án sáp nhập vào CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC). Việc sáp nhập được ban lãnh đạo công ty kì vọng sẽ tạo ra các giá trị cộng hưởng mạnh mẽ, đem lại lợi ích cho cổ đông, cũng như nâng cao năng lực tài chính, quản lí, điều hành.
Cụ thể, KDF sẽ được sáp nhập vào KDC với tỉ lệ hoán đổi 1:1,3, tức mỗi cổ phiếu KDF đổi 1,3 cổ phiếu KDC. Phía Tập đoàn KIDO sẽ phát hành thêm 23,1 triệu cổ phiếu để hoán đổi với gần 17,8 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,79% tổng số cổ phần đang lưu hành của KIDO Foods.
Việc tăng tỉ lệ hoán đổi sau khi HĐQT xem xét yếu tố giá thị trường và cho KDF nhận một khoản thặng dư tăng thêm.
Sau khi thực hiện hoán đổi, KDF sẽ thuộc sở hữu toàn bộ của KDC, cổ phiếu công ty KDF sẽ bị hủy niêm yết 56 triệu đơn vị trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và hủy đăng kí trên Trung tâm Lưu kí Chứng khoán (VSD).
Trong tờ trình phương án sáp nhập, HĐQT KDF muốn miễn thủ tục chào mua công khai trong quá trình thực hiện giao dịch.
Theo đại diện KDF, dù liên tục tăng trưởng về lợi nhuận trong những năm qua, song KDF vẫn ở qui mô doanh số quá nhỏ. KDF cũng chưa đủ nguồn lực để mở rộng ngành hàng mới. Do đó, KDF cần một tập đoàn lớn đứng sau hỗ trợ.
Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, cho rằng sau khi sáp nhập, KDF sẽ thừa hưởng toàn bộ giá trị mà KIDO xây dựng hàng chục năm. Việc gia tăng qui mô tập đoàn sau khi sáp nhập giúp KDF có nhiều lợi thế để làm việc với các đối tác lớn, các tổ chức tín dụng.
Dẫn chứng về hiệu quả từ sự hậu thuẫn của KIDO, theo ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc KIDO cho biết, Tường An đang tăng trưởng mạnh kể từ khi KIDO tham giam đầu tư vào doanh nghiệp, hỗ trợ về quản trị, chiến lược, bán hàng...
Ông Tùng cũng cho biết, ngành hàng dầu ăn đã có mức tăng trưởng mạnh trong 5 tháng đầu năm, ước tính tăng 20% so với cùng kì. Trong đó, các nhóm sản phẩm thuộc dòng cao cấp như dầu ăn cho trẻ em tăng trưởng mạnh.
Bắt tay Vinamilk lập liên doanh nước giải khát mang thương hiệu Vibev
Nói về liên doanh nước giải khát mang thương hiệu Vibev (Vietnam Beverage) được thành lập bởi Vinamilk và KIDO trong thông báo phát đi cùng ngày, đại diện KIDO cho biết, Vinamilk và KIDO cùng là hai thương hiệu quốc gia, có sự tương đồng về sản xuất kinh doanh và có hệ thống quản trị
Ngành nước là ngành hàng rất lớn của Việt Nam. Tổng qui mô ngành năm 2019 là 123.558 tỉ đồng, tăng 8,4%; dự kiến năm 2020, qui mô ngành hàng nước giải khát dự kiến đạt 134.302 tỉ đồng, tăng 6,3% so với năm trước.
Vậy thì lợi thế của liên doanh Với hai thế mạnh của KIDO và Vinamilk là gì? Theo đại diện KIDO, liên doanh được thành lập có thể khai thác trên 1 triệu điểm bán, năng lực R&D, năng lực sản xuất, nguồn lực tài chính, thị trường xuất khẩu, logistics,...
Ngoài việc thành lập liên doanh ngành nước, Vinamilk và KIDO sẽ tiếp tục hợp tác phát triển ngành hàng kem hiện nay. Hiện hai công ty hợp lại có thể nắm đến 50% thị phần kem, với việc Vinamilk đang có hệ thống phân phối quốc tế, hai bên hi vọng có thể phát triển ngành kem sang thị trường thế giới.
Một thông tin khác được đại diện KIDO tiết lộ, dự kiến từ quí III năm nay, sau khi hết hạn giao ước "đứng ngoài cuộc chơi" theo hợp đồng với Mondelez cách đây 5 năm, ban lãnh đạo KIDO cho biết sẽ khởi động lại mảng bánh kẹo với tham vọng trở lại vị trí đầu ngành trong vòng hai năm sau với dòng sản phẩm snacking (sản phẩm ăn hàng ngày).
Theo ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KIDO cho biết, sau KDF, sắp tới Tường An cũng sẽ sáp nhập vào KDC trong năm nay; với Vocarimex (VOC), sau khi nhà nước thoái vốn 36% còn lại, KIDO sẽ tiếp tục sáp nhập nhằm tạo thành một nhóm công ty có đủ độ lớn, thanh khoản cho cổ phiếu KDC cũng được kì vọng sẽ lớn hơn.
"Trên thị trường chứng khoán, các công ty hàng tiêu dùng ngoại trừ Vinamilk và Masan, hiện chưa có công ty nào có đủ qui mô để các nhà đầu tư quan tâm. Cổ phiếu KDC hiện chưa thể hiện đúng tiềm năng. Nếu chúng ta sáp nhập xong, qui mô tăng lên thì các quĩ đầu tư họ mới quan tâm nhiều hơn", ông Nguyên nói.
Sau khi sáp nhập, KIDO dự kiến Tập đoàn sẽ đạt khoảng 8.234 tỉ đồng doanh thu hợp nhất và 330 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2020. Đến năm 2025, KIDO kì vọng doanh thu sẽ tăng trưởng 241% và lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng đến 800% so với năm 2020.