|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ FPT Retail: Chuỗi Long Châu vẫn trong giai đoạn chịu lỗ, kỳ vọng sẽ có lãi sau 2 năm

20:01 | 29/04/2021
Chia sẻ
Năm 2021, Long Châu vẫn chưa thể có lãi, dự kiến lỗ 70 - 80 tỷ đồng, song FPT Retail kỳ vọng Long Châu sẽ bắt đầu có lãi vào năm 2023.
ĐHĐCĐ FPT Retail: Long Châu sẽ có lãi vào năm 2023 - Ảnh 1.

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông FPT Retail chiều 29/4. (Ảnh Minh Hằng).

Chiều 29/4, CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 với 24 đại biểu tham dự, 16 cổ đông được ủy quyền, đại diện cho hơn 40,7 triệu cổ phiếu, tương ứng với 51,6% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.

Thông báo về kết quả năm 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Nguyễn Bạch Điệp cho biết kết quả năm chưa đạt kế hoạch do đại dịch COVID-19 và đầu năm công ty đã đầu tư cho chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Bên cạnh đó, trong năm khoảng 30% chuỗi FPT Shop bị đóng cửa và doanh thu năm chưa đạt kế hoạch. Tuy nhiên doanh thu từng quý đã cho thấy đà hồi phục và cải thiện. Trong đó, doanh thu từ mảng laptop tăng trưởng đã bù lại sự suy giảm của các mặt hàng xa xỉ như điện thoại di động.

Với kết quả kinh doanh nêu trên, FRT đã trình cổ đông việc không chia cổ tức năm 2020. Năm 2021, công ty trình cổ đông phương án cổ tức 5% bằng tiền mặt (500 đồng/cp). Thời gian dự kiến chi trả do HĐQT quyết định. 

Đáng chú ý, HĐQT và Ban Kiểm soát cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc các cá nhân làm việc tại hai vị trí này sẽ không nhận thù lao trong năm 2020 và 2021.

Dồn sức cho chuỗi Long Châu

Năm 2021, FRT đề ra kế hoạch đạt 16.400 tỷ đồng doanh thu thuần và 120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 12% và 3,2 lần so với thực hiện 2020. Dù vậy, mức lợi nhuận này vẫn thấp hơn mức bình quân giai đoạn 2016 - 2019.

ĐHĐCĐ FPT Retail: Long Châu sẽ có lãi vào năm 2023 - Ảnh 2.

Nguồn MH tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán.

Chi tiết, với FPT Shop, bà Diệp chia sẻ sẽ đưa FPT Shop duy trì vị thế thứ hai trong ngành ICT. Trong đó công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm mới như sim đồng thương hiệu, mở thêm 68 trung tâm laptop mới, đưa ra các sản phẩm mới (đồng hồ, surface,…).

Đồng thời công ty sẽ tập trung xây dựng và phát triển cửa hàng theo hướng tăng trải nghiệm và tăng chức năng bán hàng các hoạt động trải nghiệm, tương tác của khách hàng tại khu trưng bày, hình thành trung tâm laptop, các chính sách giá, chính sách bảo hành,…

Đối với chuỗi nhà thuốc Long Châu, bà Diệp xác định đây là năm tăng trưởng mạnh mẽ của chuỗi nhà thuốc này. Do đó công ty đề ra chiến lược phải tiếp tục mở rộng độ phủ và quy mô bằng cách mở mới 150 cửa hàng mới với mục tiêu doanh thu nhân đôi. 

Lãnh đạo FRT nhận định đây là một thị trường tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong thời gian dài. Hiện ngành bán lẻ dược phẩm chia làm ba kênh kênh bệnh viện, kênh phòng khám và kênh nhà thuốc.

Do đó, FRT kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong hai năm tới. Dự kiến, mảng này sẽ đóng góp khoảng 25% tổng doanh thu của công ty ở mức hơn 5.000 tỷ đồng.

Phần thảo luận

Chia sẻ cách ứng dụng công nghệ trong mảng bán lẻ dược phẩm

Đại diện FRT chia sẻ, công ty xuất thân là công ty công nghệ và việc tham gia vào mảng nhà thuốc chắc chắn sẽ ưu tiên sử dụng công nghệ để quản trị. Ngoài việc phân tích dữ liệu, công ty sẽ kiểm soát bằng công nghệ real time... để không bỏ lỡ cơ hội bán hàng.

Bà Diệp giải thích thêm, riêng mảng dược phẩm của công ty có 4.000 - 5.000 sản phẩm, chưa kể việc kiểm soát hạn sử dụng thuốc khá phức tạp, do đó việc ứng dụng công nghệ là điều rất cần thiết.

Kết quả, từ mức phải thanh lý thuốc quá hạn 400 triệu đồng/tháng cho 4 nhà thuốc Long Châu ban đầu, đến hiện tại, FRT chỉ còn thanh lý thuốc vài chục triệu đồng/tháng cho 200 cửa hàng Long Châu. Có thể thấy ứng dụng công nghệ đã phát huy được vai trò.

Kế hoạch bán lẻ dược phẩm tại kênh bệnh viện như thế nào khi các bệnh viện đều có nhà thuốc riêng?

Nguyễn Bạch Điệp khẳng định, "trước mắt, Long Châu chưa có kế hoạch phân phối thuốc tại kênh bệnh viện".

Giải thích thêm bởi nhiều khách hàng mua thuốc ở bệnh viện thông qua bảo hiểm y tế, nhưng cũng tương đối nhiều khách hàng không sử dụng bảo hiểm y tế và có xu hướng ra nhà thuốc bên ngoài mua với giá phải chăng hơn nhà thuốc trong bệnh viện.

Do đó, "nhiệm vụ của Long Châu bây giờ là mở gần nhất khu dân cư, gần nhất với khách hàng", bà Diệp cho hay.

ĐHĐCĐ FPT Retail: Long Châu sẽ có lãi vào năm 2023 - Ảnh 3.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Bạch Điệp. (Ảnh FRT).

Lợi thế cạnh tranh của Long Châu với nhà thuốc truyền thống khác như thế nào?

Theo Chủ tịch HĐQT, lợi thế cạnh tranh của Long Châu là việc ứng dụng công nghệ, ngoài ra có kinh nghiệm về quản trị chuỗi và khả năng tìm kiếm mặt bằng. Đồng thời, công ty cũng dễ dàng luân chuyển những thành viên thiện chiến từ công ty mẹ qua Long Châu để đẩy mạnh hoạt động của chuỗi.

Còn so với các chuỗi nhà thuốc khác, nhờ ứng dụng công nghệ nên chúng tôi biết khách hàng cần mua gì, mua tại đâu và như thế nào.

Kế hoạch lợi nhuận của Long Châu trong ba năm tới?

Đại diện FRT trả lời, Long Châu vẫn đang trong quá trình tăng trưởng và đầu tư. Mục tiêu của FRT sẽ tập trung đầu tư và mở rộng vùng phủ, xây dựng Long Châu phát triển bền vững, và công ty sẽ tận dụng cơ hội để Long Châu vươn lên đứng đầu thị trường.

Năm 2021, Long Châu vẫn chưa thể có lãi, dự kiến lỗ 70 - 80 tỷ đồng, nhưng bằng khoảng 1/3 mức lỗ của các nhà thuốc khác. Long Châu được kỳ vọng bắt đầu có lãi vào năm 2023.

Giá thuê mặt bằng hợp đồng mới, thời hạn thuê chốt mặt bằng mới trong bao lâu?

Với FPT Shop, thời hạn thuê 6 - 10 năm, tùy thuộc vào đàm phán. Với Long Châu là 6 năm.

Bà Diệp tiết lộ, giá thuê mặt bằng năm 2021 và 2020 tương đối dễ thở hơn các năm trước. Thậm chí, chúng tôi đã đàm phán được một số chủ nhà hạ giá thuê nhờ tận dụng cơ hội mặt bằng trống trong dịch COVID-19.

Lợi thế cạnh tranh của FRT với Thế Giới Di Động và nhà thuốc An Khang là gì?

Theo đại diện FRT, do là đơn vị đi sau nên công ty chúng tôi đã dùng mọi sức để đi nhanh nhất, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Thực tế sau 6 năm, FRT đã vươn lên vị trí thứ hai trong ICT.

Lợi thế cạnh tranh của FRT đến từ việc am hiểu trong ngành công nghệ thông tin, đồng thời việc đi sau sẽ học được những bài học của đối thủ.

"Khi chúng ta cùng điểm xuất phát và làm tập trung nhất thì sẽ có cơ hội vươn lên vị trí số một", đại diện FRT nói. Long Châu đang dần đang tạo sự uy tín và dẫn đầu trên thị trường dù số lượng cửa hàng mới bằng 1/3 so với đối thủ cạnh tranh là Pharmacity.

Tại sao biên lợi nhuận gộp của Long Châu không tăng tương xứng với mức tăng doanh thu?

Trước của cổ đông, Chủ tịch FRT chia sẻ, đặc thù ngành thuốc khác với những ngành khác khi phải phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia. Trong đó, lượng thuốc bán ra thị trường cho các nhà thuốc khoảng 30%, 70% bán vào bệnh viện và phòng khám. Nên dù công ty tăng quy mô doanh thu cỡ nào đi nữa thì công ty vẫn không thể có lợi thế áp đảo tác động đến các nhà cung cấp.

Yếu tố thứ hai, trong quá trình mở rộng chuỗi nhà thuốc ra nhiều vùng miền, chúng tôi gặp phản ứng qua lại của các nhà thuốc truyền thống lâu đời tại địa phương. Do đó chúng tôi không thể tăng giá bán được.

Trên báo cáo năm 2020, Long Châu có 15 sản phẩm thuốc độc quyền, năm 2021 dự kiến sẽ tăng lên 50 sản phẩm độc quyền, khi con số này nhiều thêm thì lợi nhuận sẽ được cải thiện.

Minh Hằng