|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ Dầu Tường An: Thiếu hụt container không ảnh hưởng đến công ty, tham vọng chiếm lĩnh thị trường phía Bắc

18:06 | 17/06/2021
Chia sẻ
Với việc tích hợp mô hình kinh doanh với Tập đoàn KIDO, Tường An đặt mục tiêu tham vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường phía Bắc và sẽ vươn lên vị trí dẫn đầu ngành dầu ăn Việt Nam.
ĐHĐCĐ Tường An: Thiếu hụt container không hề ảnh hưởng đến công ty, đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường phía Bắc - Ảnh 1.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Tường An. (Ảnh: TAC).

Chiều 17/6, CTCP Dầu thực vật Tường An (Mã: TAC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 với 35 cổ đông tham dự, đại diện cho 31 triệu cổ phần, tương ứng 92% số cổ phần có quyền biểu quyết. 

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với 5.266 tỷ đồng doanh thu thuần và 232 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 0,36% và 5% so với thực hiện 2020. Công ty dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 20%.

Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Tường An cho biết thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang và sẽ tác động lớn đến nguồn cung nguyên vật liệu.

Tổng Giám đốc TAC thông tin, hiện giá nguyên liệu đã tăng 67% so với cùng kỳ và đạt đỉnh cao nhất trong 10 năm. Cộng với đợt dịch bùng phát trong nước khiến hoạt động 6 tháng đầu năm của công ty chưa được thực thi đúng hướng và phải chuyển hướng kinh doanh.

Do đó, kế hoạch 6 tháng cuối, đại diện Tường An cho biết công ty sẽ thận trọng hơn về nguồn cung nguyên liệu cũng như cân nhắc về giá.

Theo kế hoạch, hướng đi sắp tới của của công ty cần rất nhiều sự hỗ trợ từ Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) về hoạt động cung ứng cũng như phân phối. Công ty sẽ cố gắng bám sát định hướng trở thành nhà sản xuất dầu ăn lớn nhất thị trường nội địa và mở rộng sang các ngành hàng thực phẩm khác theo định hướng của Tập đoàn.

Tại đại hội, ĐHĐCĐ TAC cũng đã thông qua kế hoạch đầu tư mở rộng nhà máy Dầu Phú Mỹ và nhà máy Dầu Vinh với vốn đầu tư lần lượt 625 tỷ đồng và 292 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ vốn tự có, vốn vay và vốn phát hành thêm cổ phiếu.

*Thảo luận:

ĐHĐCĐ Tường An: Thiếu hụt container không hề ảnh hưởng đến công ty, đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường phía Bắc - Ảnh 3.

Ông Bùi Thanh Tùng, Tổng Giám đốc kiếm Thành viên HĐQT của Tường An. (Ảnh: TAC).

Sau khi chuyển đổi mô hình kinh doanh, chi phí bán hàng và quảng bá thương hiệu sẽ do KIDO hay Tường An đảm nhận?

Đại diện Tường An khẳng định, khi chuyển đổi mô hình, phía KIDO sẽ chịu trách nhiệm về quản lý bán hàng, marketing. Còn Tường An sẽ tập trung vai trò là nhà sản xuất dầu ăn.

Công ty có kế hoạch sáp nhập vào KIDO hay không?

Ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT cho biết, hiện Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex - Mã: VOC) đang sở hữu 27% tại Tường An. Tuy nhiên, SCIC đang nắm 36% vốn nhà nước tại VOC và đang có dự định thoái vốn.

Do đó, Chủ tịch Trần Lệ Nguyên khẳng định một khi SCIC hoàn tất thoái vốn khỏi VOC thì phía KIDO sẽ mời tư vấn làm thủ tục sáp nhập Tường An.

Việc thiếu hụt vỏ container có tác động gì đến Tường An?

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT giải thích phía Tường An có những nhà cung cấp chuyên biệt ở Indonesia và Malaysia và những nhà cung cấp này sử dụng tàu chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa. Do đó bà Liễu khẳng định việc thiếu hụt container không tác động đến Tường An.

 Tường An đóng vai trò như thế nào trong mảng dầu ăn của KIDO?

Đại diện Tường An trả lời, như quý cổ đông đã biết, Tường An có nhiều kinh nghiệm trong mảng dầu ăn về công nghệ cũng như hoạt động R&D, hướng đến đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng Việt. 

Trong khi đó, phía Tập đoàn KIDO lại mạnh về chiến lược, kênh phân phối cũng như chiến lược marketing. Do đó, Tổng Giám đốc cho rằng việc cộng hưởng Tường An và KIDO sẽ giúp đẩy mạnh hơn nữa mảng dầu ăn của công ty trong nước, nhất là khi đây là thực phẩm thiết yếu với người Việt.

Theo kết quả nghiên cứu của WHO, mức độ tiêu thụ dầu ăn tại Việt Nam nhìn chung vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực (13,5kg/năm). Do vậy, ngành dầu ăn tại Việt Nam được dự đoán vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển và được dự báo đạt mức 35.000 tỷ đồng vào năm 2024.

ĐHĐCĐ Tường An: Thiếu hụt container không hề ảnh hưởng đến công ty, đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường phía Bắc - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Thành viên HĐQT Tường An. (Ảnh chụp màn hình).

Việc tích hợp mảng bán hàng vào KIDO có ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty? Công ty có chiến lược nào để gia tăng thị phần của mình ở khu vực phía Bắc?

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu cho biết, việc chuyển đổi mô hình là tầm nhìn chiến lược của Tập đoàn, nằm trong lộ trình phát triển đến năm 2030 của KIDO.

Cụ thể, KIDO đang hướng đến trở thành tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Do đó trong định hướng này, chúng tôi sẽ quản lý theo ngành hàng và chuyên biệt hóa chứ không phải quản lý theo từng công ty.

Bà Liễu giải thích, độ mở của thị trường càng ngày càng rộng hơn nhờ các hiệp định thương mại, sản phẩm ngoại liên tục nhập vào Việt Nam. Mặt khác nguồn lực của công ty có hạn, trong khi mục tiêu là phải vươn lên top đầu ngành dầu ăn. Chính vì thế, Tường An đã đặt ra tầm nhìn dài hạn kết hợp cùng với KIDO để từng bước chiếm lĩnh thị trường.

Không chỉ trong nước, Tường An còn mong muốn phát triển mạnh hơn nữa, vươn ra khu vực thế giới, trở thành nhà máy chuyên biệt sản xuất các sản phẩm về dầu tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó việc chuyển đổi mô hình không phải cho riêng năm nay, bà Liễu khẳng định "mà là định hướng dài hạn". Thực tế, khi chuyển đổi mô hình sẽ không tác động đến lợi nhuận của Tường An do các chi phí hoạt động bán hàng phía KIDO chịu. Còn Tường An sẽ đảm nhận vai trò sản xuất.

Nói về định hướng phát triển ra thị trường phía Bắc, bà Liễu cho biết trong nhiều năm qua Calofic đã thống trị tại thị trường này.

Còn phía Tường An, bà Liễu khẳng định một khi đã phát triển thị trường phía Nam đủ mạnh, công ty sẽ bắt đầu tiến tới thị trường miền Bắc. Và "chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu", đại diện Tường An nói.

Thực tế Tường An đang đầu tư 292 tỷ đồng để mở rộng nhà máy Dầu Vinh và tạo mọi điều kiện để đưa hàng từ miền Nam ra miền Bắc. "Và chỉ một thời gian nữa thôi, quý cổ đông sẽ thấy hàng hóa của Tường An sẽ có mặt trên thị trường phía Bắc", bà Liễu khẳng định.

Hiện nay trên bản đồ dầu ăn của Việt Nam, nếu Calofic đứng vị trí đầu bảng thì Tường An cũng xếp ngay sau đó. Với nguồn lực hiện tại cũng như sự hỗ trợ từ Tập đoàn KIDO, Tường An tin tưởng sẽ chiếm lĩnh được thị trường miền Bắc cũng như có được vị trí tốt nhất, cao nhất trong ngành dầu của thị trường Việt Nam.

Minh Hằng