|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dệt may với EVFTA: 'Đường cao tốc' nhưng nhiều 'trạm BOT'

21:30 | 08/07/2019
Chia sẻ
Nếu EVFTA là tuyến đường cao tốc nối Việt Nam với châu Âu thì địa phương đang vô tình trờ thành các “trạm BOT” cản trở doanh nghiệp dệt may chủ động nguyên liệu, tối đa hoá lợi ích từ hiệp định.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD vào năm 2018. EVFTA được kỳ vọng giúp các ngành như Dệt may và Giày dép tăng trưởng xuất khẩu đạt thêm 13,49 tỷ EUR đến năm 2035.

Có được hưởng lợi ngay?

Mặc dù được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhất từ việc EVFTA có hiệu lực, tuy nhiên, cơ hội chưa đến ngay với các doanh nghiệp ngành dệt may. Bởi trước khi tới được mức ưu đãi thuế 0%, các sản phẩm dệt may phải mất lộ trình. 

Trong khoảng thời gian đó, sản phẩm dệt may đang áp dụng thuế theo Chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập GSP với mức thuế 9% sẽ được chuyển về tính từ mức MFN, tương đương khoảng 12%, lộ trình giảm dần về 0% sẽ mất 3-7 năm.

Đặc biệt, để có thể được giảm thuế theo quy định của EVFTA, các sản phẩm dệt may phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ. 

Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn 2 điều kiện, thứ nhất, đó là vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU. Thứ hai, việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU.

Hiệp định EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Theo đó, với trường hợp nếu vải được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc) thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại hiệp định EVFTA.


Như vậy, mặc dù so với CPTPP cùng quy định xuất xứ “từ sợi trở đi” thì quy định về xuất xứ của EVFTA có phần “nhẹ” hơn với yêu cầu xuất xứ “từ vải trở đi”. 

Tuy nhiên, chủ động nguyên liệu vải vẫn là điểm yếu của ngành dệt may nhiều năm qua. Phần lớn các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất nguyên liệu vải và sợi.

“Quy tắc xuất xứ “từ vải trở đi” đánh vào khâu yếu của dệt may trong nước khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan. 

Trong khi đó, Trung Quốc và Đài Loan không tham gia các FTA lớn, có nghĩa là Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan”, ông Vương Công Văn, Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Thương mại Thiên Bằng nhận định.

Trên thực tế, mặc dù xuất khẩu 35-36 tỷ USD, nhưng ngành dệt may vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu. 

Nguyên phụ liệu dệt may, da, giày, bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giầy vẫn là 1 trong 8 nhóm hàng phải nhập khẩu nhiều nhất năm 2018 với kim ngạch khoảng 23,91 tỷ USD, tăng 13,9% so với năm trước. 

Trước đó, năm 2017, vải nhập khẩu là 6,5 tỷ mét, trong khi nhu cầu nội địa là 9,5 tỷ mét. "Điều này khiến doanh nghiệp mất đi tính chủ động trong kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo, khó nâng cao giá trị sản xuất", ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA).

Địa phương "dị ứng" với dự án dệt nhuộm

Để giải bài toán này, việc xây dựng phát triển ngành công nghiệp dệt và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may nhằm cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp là điều ai cũng hiểu.

Theo dự kiến, để đáp ứng 45% lượng vải vào năm 2020, phải sản xuất thêm 1,7 tỷ mét và để đáp ứng được 65% vào 2025, phải sản xuất thêm 10 tỷ mét nữa. Tổng số tiền để đầu tư tương ứng là 1,7 và 10 tỷ USD.

“Ngành dệt may cần một chiến lược cho đầu tư sản xuất vải. Muốn thế thì phải có các khu công nghiệp để thu hút vốn FDI, vốn trong nước vào khâu nhuộm, có nhuộm rồi thì mới có vải. 

Chiến lược phát triển ngành dệt may trong thời gian tới chắc chắn phải lấy trọng tâm là sản xuất vải”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) đề nghị.

Tuy nhiên thực tế việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu từ sợi, vải hiện gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là các dự án liên quan đến dệt nhuộm thường bị một số địa phương từ chối vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) từng nhiều lần “kêu khóc” tại các diễn đàn lớn nhỏ rằng, việc các địa phương “dị ứng” với các dự án này, sẽ không có sợi, vải mà xuất khẩu và như thế ngành dệt may vẫn chủ yếu thuần gia công. 

Năm ngoái, tỉnh Vĩnh Phúc đã từ chối dự án nhà máy dệt nhuộm của tập đoàn Hong Kong TAL có vốn đầu tư hàng trăm triệu đô la Mỹ. 

Trước đó, Đà Nẵng cũng từng lắc đầu với một dự án nhà máy dệt nhuộm của nhà đầu tư Hong Kong trị giá 200 triệu USD cũng với lý do lo ngại về việc sẽ gây ô nhiễm.

Tuy nhiên, theo VITAS, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.

“Quy hoạch ngành dệt may đặc biệt là hoá nhuộm hiện đã lỗi thời và không được ai đả động đến. Các FTA là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng. 

Vai trò của Chính phủ phải hoạch định, không để các địa phương tự cho các nhà đầu tư vào mở”, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhấn mạnh.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Thy Hằng

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.