Hiệp định EVFTA có thể tăng tốc cuộc 'di cư' của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam
Hiệp định EVFTA có thể đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam. (Nguồn: Crissy Zhou)
Các công ty Trung Quốc, vốn đang tìm cách tiếp cận mức thuế quan thấp hơn ở thị trường EU, có thể đẩy nhanh quá trình mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Theo South China Morning Post, Việt Nam đang hưởng lợi nhiều nhất từ hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Trung Quốc để né tránh thuế quan do Mỹ áp dụng.
Hiệp định EVFTA được kí kết vào ngày 30/6 sau 7 năm đàm phán và ngay lập tức được EU ca ngợi là "thỏa thuận thương mại tự do (FTA) tham vọng nhất từng kí kết với một quốc gia đang phát triển". 99% thuế quan giữa Việt Nam và EU sẽ được loại bỏ theo thời gian như một phần của thỏa thuận.
Các nhà sản xuất Trung Quốc đã thành lập nhà máy ở Việt Nam có thể mở rộng sản xuất ngay tại đây thay vì ở Trung Quốc để tiếp cận mức thuế quan thấp vào thị trường EU.
Các công ty châu Âu đang tìm kiếm địa điểm sản xuất chi phí thấp cũng có khả năng đổ về Việt Nam. Đầu tư từ loạt doanh nghiệp này có tiềm năng vượt qua Trung Quốc.
Ông Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Mekong Economics (có trụ sở tại Hà Nội), nhận định hiệp định EVFTA sẽ "tăng tốc độ dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam một chút". Hiện tại, tốc độ "di cư" trên cũng đã diễn ra khá nhanh chóng.
"Động lực chính đằng sau biến động này là tầng lớp người giàu, chi phí lao động và các chi phí khác tại Trung Quốc tăng. Chiến tranh thương mại tác động một chút đến hiện trạng đang xảy ra và EVFTA thêm vào một chút tác động khác. Cả doanh nghiệp Trung Quốc và nước ngoài sẽ cùng chuyển đến Việt Nam", ông McCarty nói.
EVFTA sẽ được trình lên Quốc hội Việt Nam và Ủy ban châu Âu (EC) phê duyệt. Một khi có hiệu lực, mức thuế 65% đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam và 71% đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đến EU sẽ được loại bỏ ngay lập tức. Các mức thuế quan còn lại sẽ giảm dần trong vòng 10 năm sau đó.
EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ. Việt Nam đã xuất khẩu 42,5 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ sang EU vào năm ngoái, chủ yếu là điện thoại di động sản phẩm điện tử, hàng may mặc, thực phẩm và đồ nội thất.
"Từ quan điểm chiến lược kinh doanh, Việt Nam thực sự là một địa điểm sản xuất lí tưởng mà nhà đầu tư đang tìm kiếm...", bà Angelia Chew, nhà sáng lập của công ty tư vấn AC Trade Advisory tại Singapore, cho hay.
Bà Chew chia sẻ nhiều khách hàng Trung Quốc của AC Trade Advisory đang tìm cách chuyển sản xuất sang Việt Nam để né thuế quan của Mỹ. Bên cạnh đó, điều thú vị là các công ty đầu tư vào Việt Nam lúc này cũng như các doanh nghiệp hiện có ở đó đều biết rằng hiệp định EVFTA sẽ thu hút thêm đầu tư.
Việt Nam đang là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ chiến tranh thương mại. GDP trong nửa đầu năm của Việt Nam đã tăng 6,76%, mức cao thứ hai kể từ năm 2011.
Tiến sĩ Cassey Lee, Chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết hiệp định EVFTA sẽ giúp "Việt Nam đa dạng hóa danh mục đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI)".
Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đã qua giải ngân vào Việt Nam đạt 7,3 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kì năm 2018, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. Cũng trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đã được cam kết ghi nhận ở mức 16,74 tỉ USD, tăng 69,1% so với cùng kì năm trước.
Nếu bế tắc giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tồn đọng và dòng vốn đổ vào Việt Nam tiếp tục tăng, đầu tư vào Việt Nam có thể vượt qua Quảng Đông (thủ phủ sản xuất của Trung Quốc) vào cuối năm nay.