Dệt may cần đầu tư vào sản xuất nguyên liệu
Thặng dư 17,6 tỷ USD
Hoàn thành vượt chỉ tiêu xuất khẩu mà ngành được giao trong năm 2018, với giá trị hơn 36 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trên 16% so với cùng kỳ, dệt may tiếp tục giữ ngôi á quân các ngành hàng xuất khẩu lớn của nền kinh tế.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho hay, con số 17,86 tỷ USD giá trị gia tăng trong cả năm 2018 là mốc cao nhất trong nhiều năm phát triển của ngành này.
Ngành dệt may tuy đạt giá trị 36 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2018, nhưng phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh |
“Ngành dệt may tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong những năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu năm nay đã vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch đề ra”, ông Giang thông tin.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt mức tăng cao nhất kể từ 3 năm gần đây | |
Hiệp hội Dệt may Việt Nam kiến nghị miễn thuế nhập khẩu đối với sản xuất xuất khẩu tại chỗ |
Xuất khẩu dệt may cũng ghi điểm về tốc độ tăng trưởng. Năm 2015, tăng trưởng xuất khẩu dệt may chỉ là 12,1% và giảm xuống còn chưa đầy 5% vào năm 2016, nhưng đã có sự bật dậy với mức gần 11% vào năm 2017, đáng ghi nhận với 16,1% của năm 2018.
Trong số 36 tỷ USD giá trị xuất khẩu, hàng may mặc đóng góp 28,78 tỷ USD (tăng 14,45%); sản phẩm vải đạt 1,66 tỷ USD (tăng 25,5%); xơ sợi góp 3,95 tỷ USD (tăng 9,9%); vải không dệt đóng góp 528 triệu USD (tăng 15,54%) và nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD (tăng 14,59%).
Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về đơn hàng cho năm 2019 cũng được cho là rất khả quan. “Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may”, ông Giang nói.
Năm 2019, ngành dệt may đặt mục tiêu phát triển ngành với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%, thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD, Hiệp hội đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học - công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành.
“Móng” vẫn yếu
“Xuất khẩu 35-36 tỷ USD, nhưng phụ thuộc nặng nề vào nguồn vải nhập khẩu. Lượng vải nhập năm 2017 là 6,5 tỷ mét, trong khi nhu cầu nội địa là 9,5 tỷ mét, khiến doanh nghiệp mất đi tính chủ động trong kinh doanh, hạn chế sự sáng tạo, khó nâng cao giá trị sản xuất”, là nhận xét của ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA).
Vẫn theo vị này, để đáp ứng 45% lượng vải vào năm 2020, phải sản xuất thêm 1,7 tỷ mét và để đáp ứng được 65% vào 2025, phải sản xuất thêm 10 tỷ mét nữa. Tổng số tiền để đầu tư tương ứng là 1,7 và 10 tỷ USD.
“Ngành dệt may cần một chiến lược cho đầu tư sản xuất vải. Muốn thế thì phải có các khu công nghiệp để thu hút vốn FDI, vốn trong nước vào khâu nhuộm, có nhuộm rồi thì mới có vải. Chiến lược phát triển ngành dệt may trong thời gian tới chắc chắn phải lấy trọng tâm là sản xuất vải”, ông Tuấn đề nghị.
Nói thêm về nguyên nhân thiếu hụt vải trầm trọng, vị này cũng cho biết, tính từ năm 2000 đến năm 2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lũy kế vào ngành dệt may đạt 18 tỷ USD, nhưng lại rót chủ yếu vào phân khúc sợi và may. Đặc biệt, theo phản ánh của một số doanh nghiệp FDI lớn, đã có doanh nghiệp Hàn Quốc có dự án đầu tư 200 triệu USD vào nhà máy dệt nhuộm tại phía Nam.
Tuy nhiên, với nhiều bất cập trong chính sách thu hút FDI vào khâu nhuộm khi các địa phương e ngại ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp đang bị vướng trong quá trình triển khai sản xuất thực tế.
Mục tiêu tăng thêm được kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2019 có thể không phải là “bất khả thi” với đội quân doanh nghiệp đã nhiều năm đánh chiếm thị trường dệt may thế giới, nhưng để phát triển bền vững với việc chủ động được từ sợi - dệt - nhuộm - hoàn tất thì vẫn là thách thức lớn không dễ giải quyết của ngành dệt may.
Hiện Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp may lớn nhỏ đặt trong các khu công nghiệp, nhưng lại rất thiếu các khu công nghiệp có thể đáp ứng yêu cầu của ngành nhuộm, hoặc dệt - nhuộm - hoàn tất vải.
“Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ hướng tới sự ổn định về bền vững của ngành dệt may Việt Nam cần lấy việc xóa bỏ yếu kém trong khâu sản xuất vải nói chung và trong phân khúc nhuộm nói riêng làm cốt lõi”. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch VCOSA |