|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp dệt may 2019: Cơ hội và thách thức đan xen

12:01 | 29/12/2018
Chia sẻ
Theo VDSC, các doanh nghiệp sản xuất sợi và doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như STK, FTM, TCM, PPH… sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại, việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Cũng là một hiện tượng trên thị trường chứng khoán nhờ câu chuyện chiến tranh thương mại, cổ phiếu nhóm ngành dệt may cũng tăng phi mã trong năm 2018.

Cái tên nổi bật nhất trong ngành dệt may là TNG của CTCP Đầu tư và Thương mai TNG khi leo từ 11.700 đồng/cp lên 16.600 đồng/cp (kết thúc phiên 28/12). Cũng trong tháng 11 vừa qua, cổ phiếu này đã thiết lập được vùng đỉnh giá mới khi chạm mốc 19.000 đồng, tương đương mức tăng 65% kể từ đầu năm.

Bên cạnh đó, dù gần đây có sự điều chỉnh về giá nhưng cổ phiếu GMC của CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn vẫn có mức tăng tốt gần 50% lên 36.000 đồng/cp.

Tuy không bằng những cổ phiếu nói trên, nhưng MPT của CTCP May Phú Thành, GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, VGC của Vinatex, TCM của Dệt may Thành Công cũng có mức tăng giá khá tốt so với đầu năm. Vậy điều gì đã khiến cổ phiếu dệt may lội ngược dòng thành công trong năm 2018?

Dệt may được kỳ vọng hưởng lợi từ các hiệp định thương mại

Theo báo cáo mới nhất của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2018 đánh dấu bước chuyển mình hết sức mạnh mẽ của ngành dệt may Việt Nam.

Nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do FTAs (VJEPA, CPTPP, EVFTA) và sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, sản lượng hàng dệt may xuất khẩu trong năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng vượt trội, một số doanh nghiệp đã lấp đầy được đơn hàng đến hết năm sau.

Khép lại 2018 với kết quả kinh doanh đầy khả quan từ các doanh nghiệp niêm yết, VDSC cho rằng đây sẽ là bước đệm giúp các doanh nghiệp củng cố năng lực nội tại, có được sự chuẩn bị tốt hơn cả về nhân lực và nguồn lực để đón đầu xu hướng tăng trưởng của ngành trong các năm tới.

Đặc biệt, 2019 sẽ là năm các hiệp định thương mại tự do quan trọng như CPTPP, EVFTA dự kiến được thông qua, cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc sang các thị trường lân cận sẽ gia tăng.

Điều này sẽ làm tăng sản lượng đơn hàng dệt may gia công tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng kéo theo áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Cơ hội đầu tư Kinh tế Mỹ và EU được dự báo tăng trưởng ổn định giúp kích cầu tiêu dùng hàng may mặc. Theo dự báo của quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Mỹ và EU trong năm 2019 sẽ giảm nhẹ tăng trưởng so với cùng kỳ tuy nhiên vẫn ở mức tích cực, lần lượt là 2,5% và 1,9%.

VDSC cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định, đặc biệt từ hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và EU sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc, giúp duy trì sản lượng nhập khẩu từ các nước.

Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA dự kiến được thông qua trong năm 2019. Các doanh nghiệp sản xuất sợi và doanh nghiệp dệt may sở hữu chuỗi cung ứng khép kín như Sợi Thế Kỷ (Mã: STK), Dệt may Thành Công (Mã: TCM), Tập đoàn Phong Phú (Mã: PPH)… sẽ hưởng lợi trực tiếp nhờ đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ các hiệp định thương mại, việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu lớn tại thị trường EU như May Sông Hồng (30%), May Sài Gòn (32%), TNG (58%), May 10 (36%) và Vinatex (17%) sẽ hưởng lợi gián tiếp nhờ sự tăng trưởng đơn hàng từ các đối tác thời trang lớn.

VDSC cho rằng lợi ích mang lại từ CPTPP sẽ không quá rõ nét do Việt Nam đã ký kết các FTAs song phương và đa phương với 7/10 nước nội khối với những ưu đãi về thuế quan tương tự. Tuy nhiên, VDSC kỳ vọng việc gia nhập CPTPP sẽ giúp mở rộng thị phần xuất khẩu dệt may sang các thị trường đầy tiềm năng như Canada, Mexico, New Zealand và Australia.

doanh nghiep det may 2019 co hoi va thach thuc dan xen

Liên quan đến chiến tranh thương mại, theo VDSC, việc Mỹ và Trung Quốc tạm đình chiến sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang các nước lân cận. Vì chủ trương của Trung Quốc là chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang tiêu dùng và sản xuất hàng công nghệ với giá trị gia tăng cao, hạn chế phát triển khâu hạ nguồn dệt may cần nhiều lao động, gây ra ô nhiễm môi trường. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu sang thịtrường Mỹ.

Thách thức ngành dệt may 2019

Tuy nhiên, VDSC lưu ý rằng lợi thế cạnh tranh về nhân công giá rẻ suy giảm. Kéo theo đơn hàng có thể dịch chuyển sang các thị trường lân cận như Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Myanmar.

Ngoài ra, rủi ro từ việc truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu và áp thuế bổ sung. Không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dệt may sản xuất tại Việt Nam để hạn chế các sản phẩm có nguồn gốc nguyên phụ liệu từ Trung Quốc. Do đó, bắt buộc các doanh nghiệp trong nước phải chủ động đa dạng hóa thị trường cung ứng nguyên phụ liệu may mặc thay vì phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc như hiện nay (50% nguyên liệu vải nhập khẩu từ Trung Quốc).

Đồng thời, điểm “nghẽn” của ngành nằm ở khâu dệt nhuộm nên nếu không đầu tư đúng mức để phát triển chuỗi cung ứng hoàn chỉnh thì Việt Nam vẫn chưa có đủ nguồn lực để tận dụng tốt cơ hội này. Lợi nhuận từ đó sẽ giảm sút dưới áp lực cạnh tranh.

Xem thêm

Minh Anh

ĐHĐCĐ Vinhomes: Tiếp tục phát triển siêu đại dự án, có thể ra mắt dự án tại Đông Anh và Đan Phượng năm nay khi hoàn tất pháp lý
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Vinhomes (Mã: VHM) trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 120.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 35.000 tỷ đồng; tăng lần lượt 16% và hơn 4% so với thực hiện năm 2023.