|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất cho đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, hỗ trợ DN chi phí dự trữ lưu thông

16:59 | 07/02/2023
Chia sẻ
Cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, hỗ trợ doanh nghiệp chi phí dự trữ lưu thông và để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu là những đề xuất của VCCI trong góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu.

Trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn.

Cụ thể, VCCI góp ý cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc mua đứt bán đoạn.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật.

Đi kèm với đề xuất này, VCCI cho rằng cần sửa đổi quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hướng bỏ nội dung ghi tên đơn vị bán buôn cho cửa hàng bán lẻ.

 VCCI đề xuất cho các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. (Ảnh: Hoàng Anh)

Liên quan đến quyền, nghĩa vụ của thương nhân phân phối, tổng đại lý và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, VCCI cho rằng đề xuất của Bộ Công Thương là không cần thiết.

VCCI nhấn mạnh để xử lý gốc rễ các vấn đề bất cập hiện nay, Nhà nước cần điều hành giá bán lẻ xăng dầu sao cho phản ánh đúng chi phí của doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp tự quyền quyết định giá. Đồng thời có các chính sách xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh.

Một vấn đề khác được VCCI góp ý Dự thảo là dự trữ lưu thông. VCCI đề nghị xem xét lựa chọn phương án tính toán lại số ngày dự trữ lưu thông bắt buộc, có phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc.

Bởi trong điều kiện thị trường bình thường, các doanh nghiệp cũng chỉ dự trữ lưu thông vừa đủ, chứ không có động lực dự trữ quá nhiều như yêu cầu an ninh năng lượng của Nhà nước, kể cả khi giá bán được điều hành cao hoặc doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá.

Do đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, VCCI cho rằng trường hợp Nhà nước vẫn điều hành giá thì cần tính chi phí dự trữ lưu thông vào giá bán lẻ để bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí.

Còn trường hợp giá được vận hành theo cung cầu thị trường thì Nhà nước cần chi trả chi phí dự trữ xăng dầu này, có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách.

Hoàng Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.