|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đề xuất điều hành giá xăng vào thứ Năm hàng tuần, điều chỉnh chi phí định mức theo quý

08:15 | 03/02/2023
Chia sẻ
Thời gian điều hành giá xăng dầu được đề xuất thời gian điều hành giá xăng dầu cố định vào thứ Năm hàng tuần, điều chỉnh chi phí định mức định kỳ mỗi quý một lần, đây là những đề xuất mới tại Dự thảo 2 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự thảo 2 tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều hành/công bố giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và quy định vào ngày thứ Năm hàng tuần.

“Trong giai đoạn giữa hai kỳ điều hành, nếu giá cơ sở có biến động tăng trên 5%, Liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ thực hiện điều hành giá”, Dự thảo nêu.

Bộ Công Thương cho rằng phương án này sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh việc giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, phương án này vẫn tồn tại nhược điểm là thời gian nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (từ lúc đặt hàng đến lúc hàng về đến cảng Việt Nam) thường cần khoảng 10-15 ngày nên khi thị trường có sự bất ổn theo xu hướng bất lợi cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có ý kiến về thời gian điều hành/công bố giá quá ngắn, ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nghiệp khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt khi vào chu kỳ giá đi xuống, ví dụ có thể xảy ra sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine kết thúc. 

Bộ Công Thương đề xuất điều hành giá xăng vào thứ năm hàng tuần. (Ảnh: Hoàng Anh)

Cũng tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng, nhiệm vụ của các bộ ngành trong quản lý mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề xuất bổ sung: “Thời gian điều chỉnh chi phí định mức rút xuống còn 1 quý/lần. Nếu trong quý có biến động tăng, giảm từ 5% trở lên thì cho phép điều chỉnh ngay”.

Bộ Công Thương cho rằng phương án này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Bộ đang được Chính phủ phân công, đồng thơi có sự tính toán, giám sát, kiểm tra các chi phí một cách chính xác, khách quan, minh bạch và đúng chuyên môn nghiệp vụ từ Bộ Tài chính.

Hoàng Anh