Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lo ngại thao túng giá?
Nguy cơ các ông lớn ‘bắt tay’ nâng giá xăng dầu
"Nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá), các doanh nghiệp tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế".
Đây là một trong những điểm mới được nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương gửi đến các Bộ, ngành để lấy ý kiến.
Bộ Công Thương cho rằng phương án này sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước và phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể.
Còn phương án hiện hành là Nhà nước công bố giá cơ sở (giá trần) để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống đang bộc lộ một số bất cập, trong đó các chi phí kinh doanh chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, dẫn đến doanh nghiệp bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh, nguồn cung bất ổn như tháng 10, 11 năm 2022.
Trao đổi với người viết về phương án để doanh nghiệp tự định giá xăng dầu, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khẳng định phương án đề xuất của Bộ Công Thương chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại.
Bởi, Nhà nước vẫn đang quản lý xăng dầu cả về số lượng, chất lượng, giá cả, mặt hàng xăng dầu chưa theo kinh tế thị trường “một cách thực thụ”, chưa tự do kinh doanh và còn độc quyền về thị phần. Nếu Nhà nước chỉ đưa ra giá định hướng, còn giá bán lẻ doanh nghiệp tự quyết sẽ không ổn.
Thực tế, hai ông lớn bán lẻ xăng dầu là Petrolimex và PVOil đang chiếm lần lượt khoảng 50% và 17% thị phần xăng dầu nội địa.
“Với thị phần như hiện nay, các doanh nghiệp này đang thống lĩnh thị trường trong nước. Nếu để doanh nghiệp tự quyết định giá sẽ không loại trừ khả năng các doanh nghiệp bắt tay nâng giá sản phẩm, thao túng giá.
Đặc biệt xăng dầu là mặt hàng chiến lược. Khi giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo mọi hàng hóa đều té nước theo mưa, ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.
Do vậy, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nếu mặt hàng xăng dầu của nước ta vận hành theo kinh tế thị trường thực thụ, việc để cho doanh nghiệp định giá sản phẩm, lời ăn lỗ chịu là giải pháp phù hợp, Nhà nước quản lý theo khuôn khổ pháp luật.
Song với thực tế nước ta, Nhà nước vẫn cần khống chế giá trần và doanh nghiệp sẽ điều chỉnh theo mức giá cơ sở như hiện hành, các chi phí phát sinh sẽ được rà soát định kỳ và bổ sung.
Cũng nêu quan điểm về đề xuất của Bộ Công Thương, trao đổi với người viết, PGS. TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết trong định chế quản lý giá của nền kinh tế thị trường, nếu một doanh nghiệp chiếm thị phần 30%, hai doanh nghiệp chiếm 50%, ba doanh nghiệp chiếm 60% là những doanh nghiệp đang thống lĩnh thị trường, thì Nhà nước sẽ không để cho các doanh nghiệp quyết định đó về giá. Đó là thể chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường, quy luật bất di bất dịch.
Nhìn vào thực tế, ba doanh nghiệp Petrolimex, Sai Gon Petro và PVOil đang chiếm trên 60% thị phần. Nếu để doanh nghiệp tự quyết định sẽ xảy ra nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng vị thế độc quyền, nâng giá lên nhằm kiếm lợi nhuận, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
Mâu thuẫn trong đề xuất để doanh nghiệp tự định giá, đàm phán chiết khấu
Song song với đề xuất để doanh nghiệp tự định giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Công Thương cũng gợi ý không quy định cụ thể mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu để doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhau cho phù hợp và linh hoạt với biến động cung cầu của thị trường trong từng giai đoạn.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) cho rằng không nên để doanh nghiệp đầu mối tự tính giá bán rồi tự phân chia chiết khấu, trong khi doanh nghiệp bán lẻ là đối tác của doanh nghiệp đầu mối và hoạch toán độc lập, chứ không phải doanh nghiệp trực thuộc của doanh nghiệp đầu mối.
“Hiện tại, đầu mối cho bán lẻ được chiết khấu 200 đồng/lít xăng dầu, bình quân một cửa hàng bán 1.000 lít/ngày, tức nhận 200.000 đồng chiết khấu.
Trong khi cửa hàng phải thuê hai nhân viên với mức chi 500.000 đồng/ngày, riêng tiền lương cho nhân viên bán hàng, doanh nghiệp đã lỗ 300.000 đồng/ngày chưa kể điện nước, hao hụt, chi phí quản lý, lãi ngân hàng…”, TS. Giang Chấn Tây nói.
TS. Giang Chấn Tây đề nghị đề nghị nếu không quy định chiết khấu thì Bộ Công Thương nên cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất là hai nơi mới cạnh tranh được chiết khấu. "Nếu cứ giữ quy định như trên sẽ dẫn đến doanh nghiệp thua lỗ và cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa", TS. Giang Chấn Tây nói.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/